Ngân sách dành khoản chi lớn cho địa phương để bảo vệ môi trường

Trả lời cử tri tỉnh Nghệ An, Bộ Tài chính cho biết, NSNN hàng năm đã dành khoản chi khá lớn để lại cho ngân sách địa phương trực tiếp thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong kiến nghị gửi về Văn phòng Quốc hội, cử tri tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tài chính có các giải pháp trong cân đối ngân sách, không tính chung nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường từ khai thác khoáng sản trong cân đối nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương, để tạo điều kiện cho ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản có kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật NSNN năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định chi NSNN cho bảo vệ môi trường gồm chi hoạt động sự nghiệp môi trường và chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường.

Thực hiện 2 Luật trên, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí liên quan tới khai thác tài nguyên, khoáng sản đã được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN để đảm bảo các nhiệm vụ chi của NSNN theo quy định, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường, không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường NSNN năm 2017 (giai đoạn ổn định ngân sách 2017-2020), trong đó bố trí chi sự nghiệp hoạt động môi trường tương ứng với 1% tổng chi NSNN, đồng thời ưu tiên 85% số này để phân bổ cho ngân sách địa phương thực hiện.

Đặc biệt, dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN còn bố trí vốn để thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải, xây dựng và trang bị trạm quan trắc và phân tích môi trường do Nhà nước quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật NSNN.

Thực tế, trong một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về thuế Bảo vệ môi trường, trong giai đoạn 2012-2016, tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu NSNN và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.

Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 131.857 tỷ đồng, cao hơn số thu thuế giai đoạn này, với khoảng 52.420 tỷ đồng chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Trong số đó, phần lớn được dành cho ngân sách địa phương.

H.Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-sach-danh-khoan-chi-lon-cho-dia-phuong-de-bao-ve-moi-truong.aspx