Ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều cơ hội phát triển

(TBKTSG Online) - Ngành chăn nuôi trong nước có cơ hội phát triển, cạnh tranh tốt trên sân nhà và xuất khẩu sản phẩm thịt nếu các doanh nghiệp liên kết được với nhau và tiến đến việc thực hành sản xuất chăn nuôi tốt theo hướng sẽ tự chủ con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Sơn Nghĩa thực hiện

Ông Hoàng Kim Giao - Ảnh: TL

Ông Hoàng Kim Giao, Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về khả năng phát triển của ngành trong thời gian tới.

TBKTSG Online: Ông có thể phân tích rõ hơn về cơ hội phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian tới?

- Ông Hoàng Kim Giao: Hiện số lượng tiêu thụ thịt của Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn còn thấp. Cụ thể, lượng thịt tiêu thụ trung bình của mỗi người trên thế giới đạt mức 80 kí lô gam/người/năm, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ ở mức hơn 46 kí lô gam/người/năm. Lượng trứng tiêu thụ trung bình trên thế giới vào khoảng 150 quả/người/năm trong khi con số này ở Việt Nam chỉ đạt 67 quả/người/năm. Có thể nói, ngành chăn nuôi trong nước còn nhiều cơ hội phát triển trong tương lai vì nhu cầu thị trường trong nước sẽ tiếp tục tăng cao.

Định hướng sắp tới, ngành chăn nuôi sẽ tập trung vào phát triển đàn heo thương phẩm. Bởi ngành chăn nuôi heo là ngành truyền thống và hiện đàn heo trong nước về số lượng đứng thứ 4 trên thế giới, nhưng sản lượng chỉ đứng thứ 6 trên thế giới. Ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể gia tăng sản lượng để chuyển hướng xuất khẩu mặt hàng này, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm thịt.

Bên cạnh đó, cơ cấu tiêu thụ thịt ở Việt Nam còn bất cập. Sản phẩm heo hiện chiếm đến 80% trong tổng lượng thịt tiêu thụ của cả nước mỗi năm. Thịt gà chiếm 12% đến 15%, còn lại là thịt bò và các loại thịt khác. Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ giảm tỷ trọng thịt heo xuống, sản lượng thịt heo ở mức hơn 70% tổng sản lượng là hợp lý.

Bộ cũng có chủ trương tăng lượng tiêu thụ thịt gà lên 2%... Với các sản phẩm thịt khác, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng trong nước.

Nhưng thưa ông, làm sao để có một ngành chăn nuôi trong nước phát triển tốt khi ngành này vẫn phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài về con giống, thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y?

- Chúng tôi không phủ nhận thực trạng này. Đây là thực tế đáng lo ngại mà ngành chăn nuôi đang phải đối mặt. Do năng lực về vốn của doanh nghiệp trong ngành còn yếu và Nhà nước cũng chưa đầu tư nhiều cho phát triển ngành. Giá cả thức ăn chăn nuôi biến động liên tục đã gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Khâu đầu tư phát triển con giống ở Việt Nam cũng chưa được chú trọng đúng mức, lượng cung ra thị trường còn thiếu và chất lượng không được như của các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, chất lượng heo giống của Việt Nam không thể so sánh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng heo con sinh ra cũng như khả năng tăng trọng của giống heo Việt Nam đang lai tạo, bán ra thị trường vẫn kém hơn so với con giống của các công ty nước ngoài.

Ngoài ra, tỷ lệ hao tốn thức ăn trong chăn nuôi của các doanh nghiệp trong nước vẫn cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói ta thua họ tất cả mọi mặt, từ công nghệ đến trình độ quản lý. Nhưng chúng ta phải chấp nhận, vì ngành chăn nuôi của Việt Nam đang trên đường phát triển, thời điểm này các doanh nghiệp tích tụ kinh nghiệm, công nghệ để tiến đến mô hình chăn nuôi công nghiệp hoàn chỉnh.

Ngành chăn nuôi trong nước, như ông đã nói, chấp nhận là "người đi sau" để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhưng tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm qua mà ngành nông nghiệp vẫn chưa giải quyết được?

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có chủ trương về vấn đề này trong đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong có có ngành chăn nuôi. Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi đã và đang hướng đến việc nâng cao chất lượng và cải tiến năng suất nhằm nâng cao số lượng thành phẩm.

Mô hình chăn nuôi cũng đang được chuyển hướng quản lý theo chuỗi sản phẩm. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được sắp xếp và tập hợp lại thành chuỗi liên kết thông qua hợp tác xã hoặc câu lạc bộ chăn nuôi nhằm nâng quy mô lượng hàng hóa sản xuất trên mỗi trang trại. Các đơn vị chăn nuôi trong thời gian tới bắt buộc phải thực hành theo tiêu chuẩn GAP trong chăn nuôi (Good Agricultural Pratice: thực hành nông nghiệp tốt). Ngành chăn nuôi sẽ chuyển quy mô chăn nuôi từ gia đình thành trang trại có kiểm soát, quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung.

Ngoài ra, bộ sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cao; thúc đẩy kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hóa. Đơn vị chăn nuôi phải áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi. Có làm được như vậy, ngành chăn nuôi mới có thể cạnh tranh và tồn tại được trên “sân nhà”.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn có những khó khăn nhất định trong phát triển. Hiện đóng góp của ngành chăn nuôi chiếm đến 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của ngành nông nghiệp, nhưng vốn đầu tư của Nhà nước cho ngành vẫn chưa tương xứng. Tỷ lệ đầu tư của ngành chăn nuôi chỉ ở mức dưới 10% trong tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp mỗi năm.

Một điều quan trọng khác là đất dành cho chăn nuôi. Các địa phương khi quy hoạch phải có đất dành cho chăn nuôi lâu dài. Luật đất đai hiện vẫn không có quy định đất dành cho chăn nuôi là không hợp lý bởi khi được sở hữu đất lâu dài, người dân mới mạnh dạn đầu tư vào ngành chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/dautu/65847/