Ngành Hàng hải tập trung đổi mới cơ chế để phát triển

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Hàng hải có nhiều bước chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Bước chuyển biến trong vận tải

Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực với đà tăng trưởng khả quan, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi trở lại là những yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Bên cạnh kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, kinh tế nước ta cũng đối mặt với khó khăn, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Những thuận lợi, khó khăn chung đó đã tác động tới hoạt động các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là đối với vận tải biển.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Đỗ Hồng Thái cho biết, do thực hiện tốt chính sách quyền vận tải nội địa đã tạo cơ hội cho đội tàu trong nước phát triển, đặc biệt là tàu container. Số lượng tàu container mang cờ quốc tịch Việt Nam đã tăng lên là 33 tàu (từ 19 tàu vào năm 2013). Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam cơ bản đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 88,5 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 254,5 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch năm, trong đó hàng container đạt 6,87 triệu TEUs, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 46% so với kế hoạch năm 2017. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện VR-SB ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước với khoảng hơn 10 nghìn lượt tàu.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung tàu, lượng hàng tăng trưởng thấp, giá cước giảm. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có các doanh nghiệp lớn tiếp tục thua lỗ. Phạm vi hoạt động của đội tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, hiện chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam, nguyên nhân do kém liên kết giữa các chủ tàu với nhau và chủ tàu với chủ hàng.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam đã làm tốt công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch và đề án hàng hải; phát triển nguồn nhân lực hàng hải, công tác tổ chức cán bộ. Bên cạnh, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai xây dựng 3 đề án quy hoạch theo đúng tiến độ. Các lĩnh vực cảng biển, vận tải biển, dịch vụ đều tăng trưởng. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người bị nạn trên biển.

“100% dự thảo văn bản QPPL hoàn thành đúng tiến độ. Cục đã trình Bộ GTVT 9 đề cương chi tiết, 15 dự thảo văn bản. Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 14 văn bản QPPL, gồm 5 nghị định và 9 thông tư, các dự thảo văn bản QPPL khác cũng đang được các cấp khẩn trương thẩm định, góp ý theo quy định và sớm ban hành, bảo đảm triển khai thực hiện ngay sau khi Bộ luật Hàng hải có hiệu lực”, Phó Cục trưởng cho biết thêm.

6 tháng cuối năm, Cục Hàng hải Việt Nam đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; triển khai các quy hoạch, kế hoạch và đề án hàng hải; phát triển nguồn nhân lực hàng hải; bảo đảm an toàn an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai; cải cách hành chính và phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải...

Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân

Đánh giá về hoạt động, công tác của Cục Hàng hải Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng thời gian qua, các nhiệm vụ, kế hoạch đều đạt, nhất là lĩnh vực xây dựng và ban hành các văn bản QPPL, hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hàng hải 2015, cải cách hành chính, tìm kiếm cứu nạn... đều có những kết quả đáng ghi nhận.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lưu ý Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, chú trọng xây dựng cơ chế phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực hàng hải.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Cục Hàng hải Việt Nam phải xây dựng các kế hoạch, kiến nghị để xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực hàng hải, các cơ chế liên quan đến vận tải biển, đóng tàu, cảng biển và dịch vụ do tư nhân đầu tư. Thành phần kinh tế tư nhân đang phát triển tốt dù chưa được hưởng nhiều từ các cơ chế chính sách cũng như vốn, đất đai...”. Thứ trưởng lấy ví dụ trong lĩnh vực cảng biển đã được cổ phần hóa, các doanh nghiệp cảng biển của Vinalines được cổ phần hóa sớm thì hiệu quả rất cao. Cảng Khuyến Lương sau cổ phần hóa có chuyển biến về chất, đời sống CB, CNV được nâng cao, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Hay như cảng Quảng Ninh, so sánh 3 năm trước cổ phần hóa, năm lãi nhiều nhất được 9 tỷ đồng, năm 2013 lãi 2,1 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2014 - năm bắt đầu thực hiện cổ phần hóa thì số lãi là 13 tỷ đồng và năm 2016 lãi 71 tỷ đồng. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng này 3 năm trước và sau cổ phần hóa như nhau, nhưng lợi nhuận lại tăng nhiều lần.

“Nhiều năm qua vận tải biển gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp vận tải biển tư nhân vẫn tồn tại và phát triển được. Các hoạt động dịch vụ hàng hải ngày càng tăng, thu hút được tư nhân tham gia. Vì vậy, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý nhà nước là phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường thể chế chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu áp dụng mô hình Ban Quản lý khai thác cảng sao cho hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão; xây dựng văn bản QPPL, trong đó có nghị định quan trọng về quy chế đầu tư xây dựng triển khai các dự án vùng nước cảng biển. “Đây là nghị định rất khó, đặc biệt là liên quan đến xã hội hóa, Cục cần tập trung xây dựng dự thảo, trình Bộ đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng đề nghị.

Kết quả vượt dự toán

Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như kinh tế vĩ mô ổn định, lượt tàu vào cảng và sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tăng trưởng tốt, đồng thời với các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, kết quả thu phí, lệ phí hàng hải đều vượt dự toán giao và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016.Theo đó, phí cảng vụ đạt 396,16 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 4% so với dự toán giao; phí bảo đảm hàng hải đạt 758,33 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 3% so với dự toán giao; thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng đạt 76,32 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 11% so với dự toán giao; tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt 996,42 tỷ đồng, vượt 02% so với dự toán giao.Kết quả này có được là do sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thuê kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng tăng trưởng tốt.

bảo châu - hạ liên

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nganh-hang-hai-tap-trung-doi-moi-co-che-de-phat-trien-d46521.html