Ngành xây dựng: Hội nhập đi vào chiều sâu

(VEN) - Sau 15 năm gia nhập tổ chức ASEAN và 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam nói chung và ngành xây dựng nói riêng đã có những chuyển biến quan trọng, đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập ngày càng nhanh chóng và toàn diện.

Hoạt động hợp tác quốc tế đang diễn ra nhộn nhịp ở tất cả các lĩnh vực, các cấp và đang dần đi vào chiều sâu, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, trước nhu cầu tiếp nhận các dự án ODA và thu hút các dự án FDI, ngành xây dựng Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập với khu vực và thế giới trên các mặt công nghệ, thể chế và con người. Hội nhập về công nghệ bao gồm việc tiếp thu và sử dụng kỹ thuật, vật liệu và máy móc xây dựng hiện đại. Hội nhập thể chế tập trung vào việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập về con người nhằm đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực làm chủ công nghệ và thực thi thể chế mới. Trong quá trình hội nhập, ngành xây dựng đã đạt được nhiều tiến bộ và đóng góp có hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hội nhập về công nghệ được thực hiện tương đối nhanh và đạt nhiều thành tích. Nhiều công trình quy mô lớn như công trình giao thông, dầu khí, thủy điện, nhiệt điện, xi măng, khách sạn, nhà ở… được xây dựng với tiến độ nhanh. Nhiều loại vật liệu và kết cấu hiện đại được sử dụng thành công như xi măng cường độ cao, hợp kim nhôm, móng cọc nhồi, dàn không gian, kết cấu dây văng, bê tông dự ứng lực… Các nhà tư vấn và nhà thầu trong nước dần dần đã được chuyển giao các công nghệ mới từ các dự án ODA và FDI và nhanh chóng nắm được các công nghệ này để áp dụng vào các dự án đầu tư trong nước hoặc tham gia đấu thầu quốc tế ở Lào và Campuchia. Các tiến bộ công nghệ thể hiện rõ rệt nhất trong xây dựng cầu, nhà máy thủy điện và nhiệt điện, tuyến truyền tải điện, nhà máy xi măng, dàn khoan dầu khí và nhà cao tầng… Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về vật liệu, thiết kế và thi công đã dần dần được đổi mới và bổ sung để phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn thông dụng quốc tế. Công tác đo đạc khảo sát, thiết kế đã sử dụng nhiều thiết bị hiện đại. Công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong đầu tư xây dựng. Trong quá trình hội nhập lực lượng tư vấn của ngành xây dựng trưởng thành nhanh với việc chuyển đổi các viện thiết kế thành công ty tư vấn và nhiều công ty tư vấn tư nhân đã xuất hiện, mà một số đã trở thành DN với hàng trăm nhân viên. Lực lượng nhà thầu được mở rộng ra nhiều thành phần kinh tế nhưng đóng vai trò chủ lực vẫn là các Tổng công ty xây dựng hùng mạnh của Nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa. Các Tổng công ty này đã chuyển sang đầu tư theo ngành rộng và dần trở thành nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đa ngành. Hiện nay đang có xu hướng hình thành các tập đoàn kinh tế với nòng cốt ban đầu là các tổng công ty xây dựng. Bên cạnh đó, hội nhập về thể chế được bắt đầu bằng việc áp dụng thông lệ quốc tế để quản lý các dự án ODA và FDI, tiếp theo đó là việc xuất hiện các dự án tư nhân phát triển nhà ở, sản xuất và dịch vụ mà trước đây chỉ sử dụng vốn nhà nước. Các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu được ban hành đã tạo được cục diện ổn định tương đối cho thể chế quản lý ngành xây dựng. Thể chế quản lý đất đai có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động đầu tư xây dựng, thế nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư để lấy đất xây dựng lại đang gặp nhiều trở ngại, làm tăng chi phí dự án, chậm khởi công xây dựng, kéo dài tiến độ thi công và có lúc làm suy giảm chất lượng công trình… Nhìn chung, đổi mới và hội nhập, thể chế ngành xây dựng Việt Nam ngày càng gần hơn với thông lệ quốc tế, nhưng vẫn còn cần tiếp tục được hoàn thiện về nhiều mặt như quản lý dự án xây dựng, cơ chế giá cả và cơ chế cạnh tranh, chú ý xây dựng đồng bộ các thể chế trợ giúp khác như xử lý tranh chấp hợp đồng, giám định tư pháp xây dựng, bảo hiểm công trình, bảo hiểm nghề nghiệp cùng với thể chế thị trường các yếu tố sản xuất như đất đai, lao động, công nghệ, vật liệu xây dựng… thể chế thị trường bất động sản. Hội nhập nguồn nhân lực cũng là một yếu tố rất quan trọng tạo tiền đề cho hội nhập công nghệ và hội nhập thể chế. Vận hội mới trong hợp tác quốc tế đang mở ra những cơ hội to lớn cho ngành xây dựng hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu./. Mai Phương

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/16266/seo/nganh-xay-dung-hoi-nhap-di-vao-chieu-sau/language/vi-vn/default.aspx