Ngày 14/5: Giá vàng thế giới giảm mạnh, trong nước biến động trái chiều

Ngày 14/5/2024, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 2.337,9 USD/ounce. Trong nước, giá vàng SJC giảm sâu 1.300.000 đồng/lượng, giá vàng DOJI vẫn tăng mạnh 1.500.000 đồng/lượng cả chiều mua vào vào bán ra.

Ngày 14/5/2024, giá vàng thế giới quay đầu giảm, trong nước biến động mạnh. Ảnh: Micoope

Ngày 14/5/2024, giá vàng thế giới quay đầu giảm, trong nước biến động mạnh. Ảnh: Micoope

Giá vàng trong nước

Sáng ngày 14/5/2024, giá vàng miếng trong nước được niêm yết cụ thể như sau:

(Đơn vị: Nghìn đồng/lượng)

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đang mua vào ở mức 87,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 89 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng PNJ khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào và 90 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng Phú Quý SJC đang mua vào với giá 87 triệu đồng/lượng và bán ra mức 89 triệu đồng/lượng.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 87 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 89 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới

Theo dữ liệu từ Kitco, tính đến sáng 14/5/2024 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang ở mức 2.337,9 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), mức giá này gần 71,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trên 17 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tính đến sáng ngày 14/5/2024 (theo giờ Việt Nam) đang giao dịch ở mức 2.337,9 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Giá vàng thế giới tính đến sáng ngày 14/5/2024 (theo giờ Việt Nam) đang giao dịch ở mức 2.337,9 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Giá vàng thế giới giảm do chịu áp lực chốt lời sau mức tăng trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong khi đó, thị trường vẫn đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng trong tháng 4 của Mỹ với chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày 14/5 và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 15/5 để biết thêm về hướng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Thời gian gần đây, các quan chức FED đều cho biết Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ nếu có bằng chứng cho thấy lạm phát giảm bền vững. Do đó, dữ liệu lần này rất quan trọng và được dự báo sẽ có tác động lớn đến hướng đi của vàng trong tương lai.

PPI được dự báo tăng 0,3% so với tháng trước, so với mức tăng 0,2% trong báo cáo tháng 3. CPI được dự báo tăng 0,4%, không đổi so với báo cáo tháng 3. Chỉ số CPI hàng năm trong tháng 4 được dự báo tăng 3,6% so với mức tăng 3,8% trong báo cáo tháng 3.

Chiến lược thị trường Colin Cieszynski của SIA Wealth Management cho rằng, CPI của Mỹ dù tăng cao hơn hay thấp hơn kỳ vọng đều là kịch bản có lợi cho vàng. Theo đó, nếu CPI của Mỹ tăng nóng, vàng sẽ phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa lạm phát. Ở chiều ngược lại, nếu CPI giảm, kỳ vọng cắt giảm lãi suất sẽ tăng lên, tạo áp lực lên đồng USD và có lợi cho vàng.

Trong khi đó, chiến lược gia đầu tư toàn cầu Tim Hayes của Ned Davis Research kỳ vọng giá vàng cuối cùng sẽ vượt qua mức cao kỷ lục của tháng trước là trên 2.448 USD/ounce. Nhưng ông cũng lưu ý sự bứt phá có thể không xảy ra cho đến khi FED thực sự cắt giảm lãi suất.

Vàng có thể dễ bị tổn thương trong tuần này khi thị trường tập trung vào báo cáo CPI. Lạm phát nóng hơn dự kiến có thể làm tăng khả năng FED sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Mặc dù vậy, ông Hayes vẫn duy trì sự lạc quan với vàng khi cho rằng nền tảng hiện tại vẫn có lợi cho kim loại quý này. Theo ông, dù chưa tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng có một điều chắc chắn là FED sẽ phải làm điều đó trong tương lai.

Ngọc Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-14-5-gia-vang-the-gioi-giam-manh-trong-nuoc-bien-dong-trai-chieu-179240513175347639.htm