Ngày 9/9 sẽ khởi công Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ

UBND thành phố Cần Thơ vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 vào ngày 9/9 tới.

Sơ đồ thiết kế tổng thể KCN VSIP Vĩnh Thạnh - Cần Thơ. Nguồn: BQL các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Cần Thơ.

Sơ đồ thiết kế tổng thể KCN VSIP Vĩnh Thạnh - Cần Thơ. Nguồn: BQL các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Cần Thơ.

Theo thông tin từ UBND thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Dương Tấn Hiển vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (khu công nghiệp Việt Nam - Singapore - VSIP Cần Thơ) vào ngày 9/9 tới.

Ông Anthony Tan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ cho biết, dự án Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh là một khu phức hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ hậu cần với tiêu chí sạch, xanh, bền vững.

Dự án giai đoạn 1 hơn 293 ha tổng thể sẽ có các dịch vụ hỗ trợ các nhà máy sản xuất ở khu vực lân cận nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung; đồng thời cung cấp các dịch vụ cho lực lượng lao động ở các nơi về làm việc trong khu công nghiệp.

Giai đoạn 1 dự án có khoảng 550 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó nhu cầu tái định cư khoảng 200 trường hợp đủ điều kiện. Ông Đoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, dự kiến tháng 11/2023 sẽ khởi công xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Khu công nghiệp VSIP. Công tác chuẩn bị cho lễ động thổ khởi công dự án đang được các ngành chức năng, huyện Vĩnh Thạnh và chủ đầu tư phối hợp triển khai để đáp ứng kế hoạch đã đề ra.

Buổi lễ dự kiến diễn ra sáng 9/9 tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu; trong đó, có Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Singapore tại Thành phố Cần Thơ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương… Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và một số nước, bao gồm Singapore.

Tại buổi lễ, thành phố Cần Thơ sẽ trao biên bản ghi nhớ đầu tư giữa VSIP và khách hàng tiềm năng; đồng thời, trao biên bản ghi nhớ định hướng phát triển mở rộng khu công nghiệp giữa thành phố Cần Thơ và VSIP…

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 17/10/2022 và được UBND thành phố Cần Thơ chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 25/10/2022. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô diện tích sử dụng đất là hơn 293,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Tại buổi làm việc với Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ, UBND huyện Vĩnh Thạnh và các đơn vị liên quan hồi cuối tháng 7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo ngành chức năng rà soát chính xác số diện tích đất được thu hồi, số hộ bị ảnh hưởng và được bồi hoàn, tránh các trường hợp khiếu kiện.

Đơn vị chuyên môn, huyện Vĩnh Thạnh cần đảm bảo lợi ích người dân, linh hoạt trong quá trình xem xét xử lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng và cấp nền tái định cư. Về hạ tầng đường giao thông phục vụ cho khu công nghiệp phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo điện, nước, nguyên vật liệu; xây dựng khu tái định cư đảm bảo an toàn chất lượng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng và đầy đủ dịch vụ.

Nhận định việc tái định cư trong giai đoạn đầu nếu thực hiện tốt thì khi triển khai giai đoạn 2 sẽ rất thuận lợi, do đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu khu tái định cư phải chất lượng, là khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu, tương đương như các khu dân cư thương mại.

Qua đó, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích, kinh doanh mua bán, phát triển dịch vụ và là cơ hội chuyển đổi công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân từ nông nghiệp lên đô thị. /.

Thanh Liêm/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngay-9-9-se-khoi-cong-khu-cong-nghiep-vsip-can-tho/304497.html