Ngày này năm xưa 10/10: Ngày giải phóng Thủ đô, 2 Tập đoàn Điện và Than ra đời

Ngày này năm xưa 10/10: Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội; Ngày thành lập 2 Tập đoàn Điện và Than; Ngày Chuyển đổi số quốc gia; Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” của Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 10/10 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 10/10/1427, Chiến thắng Chi Lăng (Lạng Sơn) - mốc son trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong ngày này, toàn bộ đội quân tiên phong quân Minh xâm lược của địch lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Lam Sơn và bị tiêu diệt gọn. Chiến thắng Chi Lăng đã tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn quân tiếp viện của nhà Minh. Đây là một chiến công oanh liệt, triệt để, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi phát động và chỉ huy.

Ngày 10/10/1895, tỉnh Sơn La được thành lập với tên gọi là tỉnh Vạn Bú đặt tại Pá Giạng, tổng Hiếu Trai. Đến ngày 7/4/1904, tỉnh lỵ chuyển từ Vạn Bú về Sơn La và ngày 23/8/1904 đổi tên thành tỉnh Sơn La. Sơn La có diện tích tự nhiên là 14.174km2; có 250km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Prabang - Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Ngày 10/10/1942, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cho xuất bản tờ báo Cờ giải phóng, do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban Sắc lệnh 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư. Do đó, ngày 10/10 là ngày trọng đại tôn vinh thế hệ luật sư Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Ngày 14/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 149/QĐ-TTg chọn ngày 10/10 dương lịch hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia.

Ngày 10/10/1954, Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát TP. Hà Nội. Sáng 10/10, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên Phong - Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của 20 vạn người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Từ đây, Thủ đô sạch bóng quân xâm lược. Hà Nội bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội

Ngày Giải phóng Thủ đô là một cột mốc quan trọng của lịch sử nước ta, thể hiện chiến thắng vẻ vang ngàn năm văn hiến. Ngày 10/10 đưa nước Việt Nam bước vào thời kỳ thoát khỏi ách thống trị, xóa bỏ áp bức bóc lột, nhân dân ta đứng lên làm chủ vận mệnh và mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 10/10/1979, Việt Nam là thành viên chính thức của Liên minh Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 10/10, Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Ngày 10/10/1994, Thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) theo Quyết định số 562/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 14/CP ngày 27/1/1995 của Chính phủ.

Ngày 10/10/1994, Thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Than -Khoáng sản Việt Nam) theo Quyết định số 563/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị sản xuất, lưu thông, sự nghiệp của ngành than thuộc Bộ Năng lượng và các đơn vị sản xuất, lưu thông than của địa phương và của quân đội sau khi được sắp xếp lại tổ chức theo Quyết định số 381-TTg ngày 27/7/1994 Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 10/10/2005, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định số 2504/2005/QĐ-BTM về Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Ngày 10/10/2006, Bộ Thương mại ban hành Thông báo số 0454/BTM-DM về điều hành hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2006 đối với phần nguồn hạn ngạch còn lại của cat. 359/659-C và cat. 434.

Ngày 10/10/2006, Bộ Thương mại ban hành Thông báo số 0455/BTM-DM về điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2006 đối với phần nguồn còn lại dành cấp visa tự động cat. 340/640.

Ngày 10/10/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1363/QĐ-TTg (2007) về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 10/10/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngày 10/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1463/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, TP. Hà Nội.

Ngày 10/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2008/NĐ-CP về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Ngày 10/10/2008, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11/2008/CT-BCT về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009.

Ngày 10/10/2008, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 36/2008/QĐ-BCT về việc ban hành Tiêu chí phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Công trình thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh

Công trình thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh

Ngày 10/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1765/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đấu thầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.

Ngày 10/10/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1766/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Ngày 10/10/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2011/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 15/11/2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ sửa đổi và Quy tắc cụ thể mặt hàng theo hệ thống hài hòa phiên bản 2007 trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngày 10/10/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BCT quy định việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường đối với công chức của Cục Quản lý thị trường.

Ngày 10/10/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch 31/2012/TTLT-BCT- BKHĐT hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Ngày 10/10/2013, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngày 10/10/2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 33/2014/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

Ngày 10/10/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 9126/QĐ-BCT về việc chỉ định tổ chức thử nghiệm phân bón vô cơ.

Ngày 10/10/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 9127/QĐ-BCT về việc tổ chức chứng nhận phân bón vô cơ.

Ngày 10/10/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4051/QĐ-BCT phê duyệt "Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp chế biến Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035".

Ngày 10/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.

Ngày 10/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg về Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngày 10/10/2019, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp.

Ngày 10/10/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 16/2022/TT-BCT quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Công Thương.

Sự kiện quốc tế

Ngày 10/10/1911, Cách mạng Tân Hợi bắt đầu với Khởi nghĩa Vũ Xương, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh ở Trung Quốc.

Khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1964 tại Tokyo, Nhật Bản

Khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1964 tại Tokyo, Nhật Bản

Ngày 10/10/1964, khai mạc Thế vận hội Mùa hè 1964 tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới diễn ra tại châu Á. Sự kiện này thu hút sự góp mặt của 5.151 vận động viên đến từ 93 quốc gia, tham gia thi đấu tại 163 nội dung. Năm 1964 là lần đầu tiên một thế vận hội được phát sóng trên toàn thế giới, thông qua vệ tinh địa tĩnh đầu tiên được sử dụng cho mục đích thương mại.

Nhiều hình ảnh của sự kiện thể thao này đã được đưa vào bộ phim tài liệu "Tokyo Olympiad" của đạo diễn Kon Ichikawa. Đây cũng là bộ phim về thế vận hội hay nhất từng được thực hiện.

Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 10/10/1923, Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: Vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước... Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”.

Ngày 10/10/1929, Tòa án Nam triều tại Vinh ra phán quyết về việc xét xử Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, trong đó quyết định sẽ xét xử sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành Tòa án tỉnh kết án “tử hình” còn Cơ mật viện là “khổ sai chung thân”.

Ngày 10/10/1942, bị Quốc dân đảng Trung Hoa giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm bài thơ chữ Hán “Song thập nhật giải vóng Thiên Bảo” (Ngày Quốc khánh 10-10 bị giải đi Thiên Bảo).

Ngày 10/10/1947, Báo “Vệ quốc quân” đưa tin Bác đến dự bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp và căn dặn: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”. Ngoài ra phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô

Ngày 10/10/1954, Bác ra “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể!... Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân...”.

Ngày 10/10/1959, nói chuyện tại Hội nghị dự thảo “Luật hôn nhân và gia đình”, Bác tâm sự: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người... Mong các cụ các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-1010-ngay-giai-phong-thu-do-2-tap-doan-dien-va-than-ra-doi-277529.html