Ngày này năm xưa 19/11: Phê duyệt Quy hoạch Trung tâm điện lực; bàn giao Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn

Ngày này năm xưa 19/11: Bàn giao công trình Nhà máy Xi mǎng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) do Liên Xô viện trợ; ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực điện lực.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 19/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 19/11.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 19/11/1958: Việt Nam và Campuchia ký hiệp định thương mại chính thức đầu tiên.

Ngày 19/11/1966: Thành lập Cục Hậu cần (Binh chủng Thông tin liên lạc)

Cục Hậu cần đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Hậu cần, có nhiệm vụ tiếp nhận, phân phối, bảo đảm mọi cơ sở vật chất hậu cần, tài chính cho cơ quan các đơn vị trực thuộc Cục Thông tin Liên lạc.

Ngay sau khi thành lập, Cục Hậu cần đã được kiện toàn tổ chức, biên chế; kịp thời tổ chức khai thác, vận chuyển một khối lượng lớn cơ sở vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Cục Thông tin Liên lạc và sau đó là Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc.

Ngày 19/11/1967: Lần đầu tiên không quân Việt Nam bắn rơi một máy bay EB 66 của Mỹ. Biên đội Mig 21 của phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đǎng Kính đã lập chiến công này.

Máy bay tác chiến điện tử EB - 66 - Ảnh: Khám phá

Máy bay tác chiến điện tử EB - 66 - Ảnh: Khám phá

EB 66 là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại, chức nǎng chính là gây nhiễu, làm giảm hiệu lực chiến đấu của các lực lượng phòng không và không quân của ta. EB 66 còn trinh sát, phát hiện tần số và vị trí các đài ra-đa, làm vô hiệu hoặc mục tiêu cho máy bay cường kích đánh phá hủy diệt.

Ngày 19/11/1984: Bàn giao công trình Nhà máy Xi mǎng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) do Liên Xô viện trợ toàn bộ trang thiết bị và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng.

Đây là công trình lớn đầu tiên được hoàn thành kể từ khi hai nhà nước Việt Nam - Liên Xô ký Hiệp ước hợp tác và hữu nghị ngày 3/11/1978.

Nhà máy Xi mǎng Bỉm Sơn

Nhà máy Xi mǎng Bỉm Sơn

Ngày 19/11/1997: Đánh dấu mốc Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu. VNPT, Netnam là những doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet. Dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập hạn chế. Năm 2023 đánh dấu cột mốc 26 năm kể từ ngày Internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 19/11/2003: Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Thông tư số 03/2003/TT-BCN về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

Ngày 19/11/2014: Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BCT quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực.

Ngày 19/11/2015: Chính phủ ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ngày 19/11/2021: Thông tư 08/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng và ban hành VBQPPL của Bộ Công Thương có hiệu lực.

Ngày 19/11/2021: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 145/NQ-CP về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (19/11/2021) đến hết ngày 31/12/2022.

Sự kiện quốc tế

Ngày 19/11/1999: Lần đầu tiên Ngày Quốc tế Đàn ông được tổ chức.

Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) được tổ chức vào ngày 19/11 hàng năm tại hơn 170 quốc gia như: Nam Phi, Áo, Đan Mạch, Ấn Độ, Singapore, Malta, Trinidad và Tobago, Jamaica..., với mục đích truyền bá nhận thức về hạnh phúc của nam giới và tôn vinh những đóng góp tích cực của họ đối với thế giới, gia đình và xã hội. Trong ngày này, các hình mẫu tích cực cũng được tôn vinh cũng như nâng cao nhận thức về sức khỏe của nam giới.

Tiến sĩ Jerome Teelucksingh là người sáng lập Ngày Quốc tế Đàn ông - Ảnh: Everywoman

Tiến sĩ Jerome Teelucksingh là người sáng lập Ngày Quốc tế Đàn ông - Ảnh: Everywoman

Ngày Quốc tế Đàn ông được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999, do Tiến sĩ Jerome Teelucksingh sáng lập. Ông là giảng viên lịch sử tại Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago. Ông đã chọn ngày 19/11 như một lời tri ân đối với người cha của mình. Ông cũng khuyến khích mọi người sử dụng ngày này để tuyên truyền các vấn đề ảnh hưởng đến nam giới và các bé trai. Ý tưởng này nhanh chóng được chấp nhận trên toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Úc (2003) và Ấn Độ (2007).

Tuy nhiên, theo internationalmensday.com, trang web chính thức của Ngày Quốc tế Đàn ông, được tài trợ bởi Tổ chức làm cha Dads4Kids có trụ sở tại Australia, nhu cầu về một ngày lễ dành riêng cho “đấng mày râu” có thể bắt nguồn từ những năm 1960, với ý tưởng dành riêng cho nam giới một ngày, tương tự như ngày Quốc tế Phụ nữ, được tổ chức vào ngày 8/3.

Ngày 19/11/1969: "Vua bóng đá" Pele ghi bàn thắng thứ 1.000 trong sự nghiệp. Trong trận đấu giữa Santos và Vasco da Gama, Pele bị phạm lỗi trong vòng cấm và từ chấm 11m, chính ông đã bước lên thực hiện cú dứt điểm thành công, đạt đến cột mốc 1.000 bàn thắng trong sự nghiệp khi mới ở độ tuổi 29.

"Vua bóng đá" Pele đạt đến cột mốc 1000 bàn thắng trong sự nghiệp cách đây đúng 54 năm - Ảnh: AS

"Vua bóng đá" Pele đạt đến cột mốc 1000 bàn thắng trong sự nghiệp cách đây đúng 54 năm - Ảnh: AS

Ngày 19/11/1990: Các nhà lãnh đạo của NATO và khối VASAVA tuyên bố kết thúc chiến tranh lạnh thông qua việc ký kết Hiệp ước về các lực lượng thông thường và phá hủy các kho vũ khí trong chiến tranh lạnh.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19/11/1920: Báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Pari.

Ngày 19/11/1942: Tại nơi giam giữ ở Vũ Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài “Trúc lộ phu” (Phu làm đường) nói lên tình cảnh của người tù.

Ngày 19/11/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và thỏa thuận với lãnh tụ của một số đảng phái khác nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết chống thực dân và ủng hộ đồng bào Nam Bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946 - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946 - Ảnh tư liệu

Ngày 19/11/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 258/SL về “Tổ chức và nhiệm vụ của Công an Quân pháp (CAQP) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”, đó là tổ chức tiền thân của ngành Điều tra hình sự (ĐTHS) Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Từ tổ chức ban đầu còn nhỏ bé, có một số ít cán bộ chuyên môn ở cấp bộ và cấp liên khu, còn đa số là cán bộ quân sự cấp đại đội kiêm nhiệm, đến nay ngành ĐTHS đã phát triển thành hệ thống điều tra 3 cấp và hệ thống trại giam, trại tạm giam quân sự. Ngày 26/7/1997, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 984/QĐ-QP, lấy ngày 19/11/1948 làm ngày truyền thống của ngành.

Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng báo công dâng Bác. Ảnh: Thu Hằng

Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng báo công dâng Bác. Ảnh: Thu Hằng

Ngày 19/11/1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị, khi bàn về các vấn đề tiếp nhận viện trợ của các nước bạn, Bác dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Riêng đối với Trung Quốc, nên xem những cái gì thật cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở và khôi phục kinh tế thì ta hãy xin. Còn những thứ không cần thiết như đồ dùng cho văn nghệ, sinh hoạt… thì ta tự sắm lấy...”.

Ngày 19/11/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi đơn vị công binh xây dựng cầu Xuân Mai (trên Quốc lộ 6) đã có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành công trình đúng thời hạn và đạt chất lượng tốt. Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ đơn vị cần luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội.

Bác Hồ thăm Trung đoàn Công binh 239 và 249 thực hiện nhiệm vụ diễn tập bắc cầu phao qua sông Hồng, năm 1966 Ảnh tư liệu

Bác Hồ thăm Trung đoàn Công binh 239 và 249 thực hiện nhiệm vụ diễn tập bắc cầu phao qua sông Hồng, năm 1966 Ảnh tư liệu

Ngày 19/11/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Đế quốc Mỹ tiến gần miệng hố, ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân Dân, số 2073. Trích dẫn những tư liệu của báo chí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả tố cáo tội ác của quân đội Mỹ và tay sai ở nước ngoài, vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ trong vấn đề viện trợ cho các nước và cho rằng chính những hành động của Mỹ và tay sai làm cho nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh chống lại, đưa đế quốc Mỹ đến miệng hố thất bại.

Ngày 19/11/1966: Báo “Nhân Dân” đăng “Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen”, nhà triết học người Anh và là người tổ chức Tòa án quốc tế, lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Trong đó, Bác viết: “Sự lên án đã có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc. Tòa án sẽ góp phần thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước chống đế quốc Mỹ..., nhân dân Việt Nam đánh giá cao và hết lòng ủng hộ sáng kiến cao quý của Cụ...”.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-1911-phe-duyet-quy-hoach-trung-tam-dien-luc-ban-giao-nha-may-xi-mang-bim-son-286539.html