Ngày quyết định của nước Pháp

Khoảng 47 triệu cử tri Pháp được kêu gọi đến phòng phiếu để bỏ phiếu vòng 2 bầu cử tổng thống tại nước này.

Lá phiếu của nhiều cử tri Pháp là để chống lại bà Le Pen chứ không phải để ủng hộ ông Macron

Vào 20 giờ ngày 7.5 (1 giờ ngày 8.5, giờ VN), nước Pháp sẽ biết ai là người kế nhiệm Tổng thống François Hollande. Dù kết quả thế nào thì tân chủ nhân Điện Élyseé cũng không thuộc một trong 2 đảng tả - hữu truyền thống, cầm quyền từ nhiều thập niên qua tại nước này.

Những thăm dò cuối cùng trước khi diễn ra bỏ phiếu đều cho thấy ưu thế đang nghiêng về ứng viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến lên (EM). Theo thăm dò của Viện Ipsos-Sopra Steria cho tờ Le Monde, 63% những người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Macron, nhiều hơn đáng kể so với tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng viên của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen (37%).

Tỷ lệ cử tri không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng được dự báo sẽ tăng cao vì nhiều lý do. Năm 2002, Chủ tịch FN khi ấy Jean-Marie Le Pen (cha của bà Marine Le Pen) bất ngờ vào được vòng 2 bầu cử tổng thống, người Pháp sau khi choáng váng đã hưởng ứng lời kêu gọi đến phòng phiếu để “đánh bại phe cực hữu”. Việc này đã giúp tỷ lệ người không đi bầu ở vòng 2 giảm 8% so với vòng 1, đồng thời giúp Tổng thống Jacques Chirac đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 với tỷ lệ rất cao là 87%.

Tuy nhiên, tình hình kỳ bầu cử năm nay khác hẳn. Bà Le Pen đã được nhiều người Pháp ủng hộ hơn và việc ứng viên của FN vào được vòng 2 đã được các kết quả thăm dò trong suốt hơn 1 năm qua dự báo trước nên không còn gây sửng sốt. Không ít cử tri cho rằng cựu Bộ trưởng Kinh tế sẽ chiến thắng dù có thêm lá phiếu của họ hay không. Mặt khác, việc ứng viên của 2 đảng truyền thống là Những người Cộng hòa (LR) và Xã hội (PS) đều dừng bước ở vòng 1 đã làm nhiều cử tri trung thành cảm thấy bất mãn, không muốn bỏ phiếu cho cả ông Macron lẫn bà Le Pen.

Những kỳ bầu cử tổng thống trước đây, cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp giữa 2 ứng viên vào vòng 2 không làm thay đổi nhiều đến kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, chiến thuật chủ động công kích đối thủ một cách gay gắt của bà Le Pen khi tranh luận với ông Macron vào tối 3.5 đã khiến bà này trả giá khi tỷ lệ ủng hộ giảm đến 4 điểm so với trước đó (37% so với 41%).

Về phần ông Macron, tuy đang có lợi thế khá rõ nhưng rất nhiều phiếu dành cho cựu Bộ trưởng Kinh tế trên thực tế là để chống lại lãnh đạo phe cực hữu. Theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Đại học Chính trị Paris (Cevipof), chỉ 40% những người định bỏ phiếu cho ứng viên của EM thật sự ủng hộ ông này. Đây là tín hiệu cảnh báo cho ông Macron vì nếu không thuyết phục được các cử tri, đợt bầu cử hạ viện sắp tới tại Pháp, dù có liên kết với một số đảng khác, EM khó giành được thế đa số.

Lan Chi (Từ Paris)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/ngay-quyet-dinh-cua-nuoc-phap-832702.html