Ngày Tết nhớ 'nhà' Hoàng Sa

“Sống ở biển quen rồi, xa một ngày là nhớ da diết, nhất là những ngày trời động không vươn khơi được càng thấy nhớ biển hơn. Hễ trời yên, biển lặng, anh, em chúng tôi thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa ngay, vì đó mới là ngôi nhà chung của ngư dân…” - ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (53 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ.

Ăn tết trên biển…

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2017, tại các xã vùng biển Quảng Nam, không khí tấp nập nơi cảng cá, trên các tàu thuyền. Ngư dân hối hả vận chuyển lương thực, dầu, đá, đặc biệt là bia, rượu, bánh tét, mứt... để nhổ neo ra khơi, đón tết ngay trên biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi. Ảnh: T.H

Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (53 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91945 TS đã có hơn 30 năm hành nghề lưới vây ở ngư trường Hoàng Sa, cho biết, một năm 365 ngày thì ông ở trên biển gần 300 ngày (trừ những ngày biển động-PV). Đó được ông gọi là cái nghiệp, vì Hoàng Sa như ngôi nhà thứ hai, “người tình” thứ hai của mình. Nhờ biển Hoàng Sa ban phúc, đến nay ông có 2 chiếc tàu công suất hàng trăm CV và góp vốn với anh em trong xã gần 5 chiếc. “Xa biển một ngày nhớ một ngày, muốn vươn khơi ngay bất kể ngày tết. Tôi đã có gần 10 năm ăn tết trên biển rồi, năm nào cũng vậy, hễ còn nửa tháng nữa tới tết là anh em tranh thủ chuẩn bị ngư cụ, lương thực để vươn khơi đánh bắt hải sản với hy vọng trúng được mẻ cá lớn đầu năm để anh em thuyền viên có nguồn thu nhập. Vì cuối năm, giá cá tăng gấp đôi, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện luồng cá ngừ, cá nục nhiều, nên mình phải tranh thủ đi”- ông Cảnh nói

Dù xa vợ, xa con ngày tết, nhưng bù đắp cho ngư dân là những lời chúc qua, chúc lại bằng máy Icom của các tàu, tạo niềm vui và khí thế cho ngư dân. Ông Cảnh bảo, mấy năm đầu ông ăn tết trên biển, nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng dần rồi cũng quen…

Còn ngư dân Phạm Văn Tám - chủ tàu cá QNa 90779 TS (trú thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) cho biết, hàng năm, cứ đến mùa cận tết, thời tiết thuận lợi là tàu ra khơi. Tết Đinh Dậu này, tàu của ông đã sắm sửa xăng dầu, lương thực, thực phẩm và hơn 1.000 cây đá tốn 100 triệu đồng. “Vì mùa tết ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thường tôm, cá, mực… theo dòng chạy hải lưu xuất hiện nhiều. Vì thế, nhiều tàu cá đồng loạt ra khơi đánh bắt. Dự kiến, những chuyến biển cuối năm âm lịch, đầu năm tàu trở về đất liền với hy vọng đầy ắp cá để phục vụ bà con trong bờ và anh em bạn tàu có tiền để vui sum họp bên gia đình” - ông Tám tâm sự.

Ông Nguyễn Tin - Bí thứ Đảng ủy xã Tam Quang cho hay, xã có tổng số 370 chiếc tàu cá, trong đó có 110 chiếc công suất lớn, 13 chiếc “67” đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản của xã là 17.500 tấn, đạt 100% chỉ tiêu. “Ngay từ đầu năm 2017, hàng chục tàu cá của ngư dân ở xã đã ra khơi đánh bắt, còn một số tàu sửa soạn và ra khơi những ngày cận Tết Nguyên đán.Chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…” - ông Tin nói.

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (xã biển Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: T.H

“Gìn giữ ngư trường”

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Huỳnh Văn Tạo (52 tuổi, trú xã biển Tam Quang), có thâm niên gần 30 năm vững tay lái ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, bảo rằng, điều ông và các ngư dân bạn lo lắng khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa là thường xuyên bị tàu hải giám và tàu cá vỏ sắt của ngư dân Trung Quốc uy hiếp, dùng mọi thủ đoạn để phá ngư lưới cụ và xua đuổi tàu mình. “Dù vậy, chúng tôi vẫn không sợ, vẫn bám biển vì đó là vùng biển của chúng ta. Nếu mình không hiện diện tại vùng biển đó thì họ sẽ được đà lấn tới, từ đó mất luôn ngư trường...” - ngư dân Tạo cương quyết.

Tại nhà thuyền trưởng Phạm Phú Thành - chủ tàu Qna-95959TS (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), hơn 4 tháng sau ngày từ cõi chết trở về vì tàu bị tàu lạ đâm chìm ở ngư trường Hoàng Sa, ông vẫn chưa nguôi nỗi nhớ biển, nhớ tàu. Thuyền trưởng Phạm Phú Thành chia sẻ: Một năm tôi ở biển đến 9 tháng, ở nhà 3 tháng. Bây giờ bị “bó gối” ở nhà, đi ra đi vào nhớ biển quá, chịu không nổi. “Nghề mô mà không khó, không khổ. Đi biển như ri cũng đáng hãnh diện lắm. Dù gặp bất cứ trở ngại gì, chúng tôi nhất quyết vươn khơi, vì đó là vùng biển của cha ông để lại. Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là ngôi nhà chung của ngư dân Việt Nam, làm sao chúng tôi bỏ ngư trường đó được” - ngư dân Thành nói.

Xa biển một ngày nhớ một ngày, muốn vươn khơi ngay bất kể ngày tết. Tôi đã có gần 10 năm ăn tết trên biển rồi, năm nào cũng vậy, hễ còn nửa tháng nữa tới tết là anh em tranh thủ chuẩn bị ngư cụ, lương thực để vươn khơi”.

Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng có tiềm năng về biển vô cùng quan trọng và phong phú, nhưng thời gian qua ngư dân thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm, không những thiên tai mà còn cả nhân tai, tranh chấp ngư trường đánh bắt, nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam... “Thời gian tới, tôi mong muốn các cấp ngành Trung ương cần có nhiều cơ chế hỗ trợ cho ngư dân hơn nữa, cơ sở pháp lý phải rõ ràng, giúp thành lập các tổ, đội đánh bắt và liên kết nhiều địa phương với nhau về hoạt động khai thác trên biển” - ông Thanh nhấn mạnh.

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 4.300 phương tiện hoạt động nghề cá với tổng công suất 220.000 CV. Để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh đã thành lập được gần 140 tổ, đội tàu liên kết xa bờ với sự tham gia của gần 1.000 phương tiện và gần 8.000 lao động. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tổng số tàu xa bờ đạt khoảng 600 chiếc, năm 2030 đạt 750 chiếc, tập trung chủ yếu tại 2 địa phương có truyền thống, tiềm năng khai thác hải sản là Núi Thành và Thăng Bình…

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ngay-tet-nho-nha-hoang-sa-740878.html