Ngày thơ Việt Nam 2010: Sân thơ trẻ tiếp tục đổi mới

Với chủ đề "Chuyển động của cảm xúc", thay vì một sân khấu như 7 lần trước, Sân thơ trẻ năm nay gồm 3 sân khấu. Mỗi tác giả đều cố gắng đem đến công chúng cách thể hiện cảm xúc mới về thơ...

Với tên gọi "Đại lễ hội thơ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", lại diễn ra đúng ngày nghỉ cuối tuần, thời tiết rất đẹp, nên Ngày Thơ Việt Nam 2010 đã thu hút một lượng khách đông hơn hẳn mọi năm. Sân thơ trẻ: Đã có sự tươi mới Không phủ nhận quy mô hoành tráng hơn trước của Ngày Thơ Việt Nam 2010, khi từ cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào đã có thơ đón bước: Vườn thơ đất nước, Triển lãm thơ trên gốm, Sân thơ truyền thống và trong cùng là Sân thơ trẻ. Dường như ít có gì để nói ở Sân thơ truyền thống, khi kịch bản cũ vẫn lặp lại. Điểm nhấn có lẽ chỉ còn lại ở Sân thơ trẻ, khi BTC đã cố gắng tìm tòi đổi mới, trước tiên ở hình thức. Với chủ đề "Chuyển động của cảm xúc", thay vì một sân khấu như 7 lần trước, Sân thơ trẻ năm nay gồm 3 sân khấu: Góc thơ truyền thống với các tác giả Đồng Chuông Tử, Ngô Tự Lập, Nguyễn Phan Quế Mai, Tằng A Tài…Góc thơ sắp đặt với sự tham gia của các cây bút Trần Nguyễn Anh, Lê Anh Hoài, Nhã Thuyên… Góc thơ trình diễn có sự góp mặt của Vân Anh, Bảo Anh, Lữ Mai… Mỗi tác giả đều cố gắng đem đến công chúng cách thể hiện cảm xúc mới về thơ. Nhiều tác phẩm trên Sân thơ trẻ đã có được tiếng nói riêng, trong đó, nhiều tác giả người dân tộc thiểu số, như Đồng Chuông Tử (Pajai, Bình Thuận), Sonputra (Ninh Thuận)… Ghi nhận ở Sân thơ trẻ là sự cố gắng làm mới của BTC, dù có thể còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhà thơ Trần Quang Quý, Trưởng BTC Sân thơ trẻ, chia sẻ: Tổ chức 3 sân khấu cùng với các poster thơ gắn với phố cổ Hà Nội, BTC mong muốn có hình thức biểu hiện đa dạng với một lễ hội đường phố, để khán giả có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, không gian này chỉ mang tính trình diễn, chứ không phải để thẩm thấu được "hồn vía" của thơ. Theo nhà thơ Trần Quang Quý, các cây bút trên Sân thơ trẻ đã ý thức được việc thoát ly truyền thống để tạo giọng điệu riêng, thể hiện được suy nghĩ, tình cảm của thế hệ mình, song vẫn có những câu chữ vụng về, dài dòng, kể lể. Thơ ca là một chặng đường dài, nên sự chín muồi của các bạn trẻ còn cần phải chờ đợi, khi đây chỉ là sự thử nghiệm. Với lượng khách lớn tham dự Ngày thơ Việt Nam 2010, nhà thơ Trần Đăng Khoa phấn khởi khi đây chính là thông điệp rằng, nhân dân ta vẫn rất yêu thơ và không thể gọi là thơ đã hết thời. Vấn đề là thơ có hay không và cách tiếp cận độc giả như thế nào thôi! Nhà thơ Bùi Hoàng Tám cũng bày tỏ: Nhà nước đã chi hàng tỷ đồng từ tiền thuế của dân cho những cuộc chơi thế này, thì những người làm thơ cũng cần hỏi: mình sẽ mang lại gì xứng với sự quan tâm đó. Các nhà thơ đã được đối xử tốt, khi được tổ chức một ngày dành cho thơ, lại ở nơi rất trang trọng, điều không phải nước nào cũng có. Sân thơ truyền thống thu hút nhiều người lớn tuổi. Ảnh: T.H Ban tổ chức còn khiếm khuyết Được giới thiệu trong 2 cuộc họp báo liên tiếp, BTC Ngày thơ Việt Nam 2010 sẽ "hướng tới sự chuyên nghiệp hơn". Song, thực tế, có quá nhiều sơ suất trong dịp này, khiến nhiều nhà báo cũng như không ít khán giả khó chịu. Trước khi Ngày Thơ Việt Nam diễn ra, BTC luôn cho biết, sẽ tổ chức một lễ cầu siêu cho các nhà văn đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Không hiểu Hội Nhà văn Việt Nam hiểu nhầm chữ "cầu siêu" với "dâng hương"? Trong giấy mời, BTC ghi rõ 14h ngày 27/2 là khai mạc Triển lãm vườn thơ trăm miền và Triển lãm thơ trên gốm sứ. Rất đông du khách hào hứng đến xem các triển lãm khởi động cho Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu ra sao. Thế mà đến 17h, lễ khai mạc vẫn chưa thể diễn ra. Nhiều khách mời đành phải ra về, vì không biết khi nào lễ khai mạc mới tiến hành, khi mà Vườn thơ trăm miền còn chưa có "cây" nào được dựng. Là ngày hội lớn của thơ Việt, lại nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thế mà để vào dự hội, người dân phải mua vé, quả là điều đáng suy nghĩ! Quảng Bình tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII Đêm 27/2, tại giảng đường Trường Đại học Quảng Bình, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Trường Đại học Quảng Bình đã phối hợp tổ chức "Ngày Thơ Việt Nam" lần thứ 8, với sự tham gia của gần 400 đại biểu là các nhà thơ, các hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo viên, những người yêu thơ và sinh viên. Nhiều người đã vượt đường xa hàng chục cây số từ các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, về hội tụ, càng tăng thêm giá trị, ý nghĩa tôn vinh "Ngày Thơ Việt nam" và thi ca. Sau phần khai mạc, với tiếng trống vang lên giòn giã, tiếng đọc sang sảng kết hợp với giọng ngâm bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt và bài thơ "Nguyên tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang âm hưởng diệu kỳ của hồn thiêng đất nước, cùng với diễn văn ngắn gọn mà súc tích, mang đầy đủ mục đích và ý nghĩa "Ngày Thơ Việt Nam" của nhà thơ Nguyễn Bình An, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, bài thơ "Cung đàn mùa xuân" của nhà thơ Lưu Trọng Lư - cây cổ thụ của rừng thơ Việt Nam, được nhạc sĩ Cao Việt Bách chuyển thành bài hát vút lên, rạo rực cả lòng người. Đêm thơ đã tập hợp được gần 40 bài thơ, bài hát phổ thơ, bài thơ chuyển thành vè, được xem là hay nhất của các nhạc sĩ và các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Xuân Hoàng, Phan Huỳnh Điểu, Thái Quý, Hoàng Sông Hương, Mai Văn Hoan, Hải Kỳ, Lý Hoài Xuân, Thái Hải, Trần DZụ, Phan Văn Khuyến, Phan Văn Chương, Cảnh Giang, Võ Quê... Nội dung chương trình thơ đã thể hiện đậm tình yêu Đảng, yêu quê hương đất nước, tình yêu nhân dân, sự kính trọng đối với Bác Hồ kính yêu, hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ca ngợi công cuộc đổi mới đất nước... được các nhà thơ, các ca sĩ thể hiện trang nghiêm, phấn khởi, tự hào. Kim Cương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2010/3/126900.cand