Ngày thơ Việt Nam lần 3: Sáng tạo sân thơ trẻ

GiadinhNet - Mở sớm hơn 2 ngày so với năm ngoái, Ngày Thơ Việt Nam năm nay thật xứng tầm với cái tên "Đại lễ chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội". Không chỉ có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, làm mãn nhãn nhiều người yêu thơ ở mọi lứa tuổi, hình thức thể hiện cũng được đánh giá là quy mô và chuyên nghiệp hơn.

Ngày Thơ ngày càng hấp dẫn công chúng Ngày chính hội 28/2/2010 (tức ngày 15 tháng Giêng) trùng với ngày Chủ nhật khiến cho toàn bộ diện tích rộng 5,4 ha của khu Văn Miếu Quốc Tử Giám như phình ra. Tại sân thơ chính, nơi diễn ra lễ rước Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn và nhiều hoạt động chính từ 8 giờ đã không còn chỗ đứng. Rất nhiều người yêu thơ đã phải đứng ở bên ngoài để "ngóng vọng" hoặc phải tìm cách đi cửa sau. Thời tiết buổi sáng khá chiều lòng người nên những vần thơ được cất lên cũng ngọt hơn. Sân khấu cho thơ năm nay được sắp xếp có lớp lang và rõ nét cho từng khu trưng bày. Ngoài sân thơ "già" và sân thơ trẻ, BTC còn sắp xếp thành nhiều khu khác như thơ địa phương, vườn thơ đất nước, sân thơ thiếu nhi. Có sân chơi cho người yêu thơ nước ngoài, thơ cổ điển, dân ca vùng miền... nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng như chủ trương của BTC. Ấn tượng và thu hút nhiều công chúng nhất vẫn là sân thơ trẻ với nhiều hình thức sáng tạo, độc đáo. Tại góc của nhà thơ Lê Anh Hoài luôn quá tải sự ghé thăm và cả sự trầm trồ của khá nhiều bạn trẻ. Năm nay, nhà thơ nổi tiếng là “nhiều chiêu nhiều trò” này tiếp tục phá cách với chiếc xe máy - phương tiện được anh dùng để di chuyển hàng ngày. Với sáng tạo của anh, "con ngựa sắt" đã biến thành "thiên thần có cánh" dưới lớp sơn trắng cùng nhiều họa tiết được phun, viết, dán lên. Bên dưới là bài thơ "Nhu cầu". Lê Anh Hoài lý giải: "Trong cuộc sống, bản thân mỗi người có rất nhiều nhu cầu và những mong muốn được bay lên. Ước mơ thì bao giờ cũng đẹp, nhưng nó cũng gặp khá nhiều những cản trở, những giới hạn. Nó có thể do hoàn cảnh, có thể do tự thân của mỗi người... Và đáp án, sự lựa chọn đó là điều phải được diễn ra liên tục để có được câu trả lời cho mình, từ việc nhỏ nhất cho đến lớn nhất". Ý tưởng là như thế, nhưng nhà thơ này tỏ ra khá hài lòng khi "công trình" của mình được nhiều trẻ em suy luận thành "tai nạn giao thông", "ước mơ của ngựa sắt"... Anh cho rằng, như thế là sự sáng tạo của anh đã được công chúng thẩm thấu, dù cho không nhất thiết phải hiểu được ý đồ của tác giả. Nhà phê bình văn học Văn Giá cho rằng, sân thơ trẻ năm nay có sự sáng tạo bất ngờ với chính ông. Bằng sự sáng tạo đó, sân thơ trẻ được trình diễn như một phố thơ. Thơ nằm trong không gian phố của Hà Nội, mà phố là sự hiện đại. Điều độc đáo là thơ được chia thành 3 góc nhỏ để đọc và trình diễn trong một không gian chuyển động thay vì chỉ đọc và nghe theo cách truyền thống. Người nghe thơ nhưng cũng là đi dạo, ngắm nghía. Cách sắp đặt đó thể hiện sự chuyên nghiệp và quan trọng là phù hợp với bản chất thơ là sự chuyển động về cảm giác. Về nội dung, theo đánh giá của nhà phê bình Văn Giá cũng có sự cách tân và tìm tòi mới. Nhiều “sạn” thơ trên gốm Sự cách tân về hình thức thể hiện là điều rất đáng ghi nhận ở sân thơ trẻ năm nay, nhưng ở một góc nhìn khác, dịch giả Thúy Toàn, người làm cho thơ Nga trở nên gần gũi với người Việt thì cho rằng: "Ngày Thơ năm nào cũng có sân chơi cho thơ dịch, nhưng đây là năm đầu tiên sau 8 năm tổ chức, BTC đã dành hẳn một sân thơ quốc tế là hoạt động mở màn với nhiều đại diện của Nga, Ba Lan, Đức, Pháp... Điều đó cho thấy, thơ Việt Nam ngày càng thể hiện rõ khát khao hòa nhập và tiến ra thế giới. Việc đưa thơ lên gốm là một sáng kiến độc đáo nhưng sự độc đáo này được thể hiện chưa tốt, chưa làm bật lên được ý tưởng. Nhiều bình gốm sứ rất đẹp, rất quý nhưng cách chọn thơ lại chưa thực sự đặc sắc. Thơ với gốm nhiều khi "vênh" nhau về nội dung và hình thức. Ví dụ, rất nhiều câu thơ hay, nổi tiếng được in trên những chiếc đĩa gốm có hình ông già đánh cá khiến cho những câu thơ trở nên hơi vô duyên và làm giảm đi ý nghĩa của nó. "Nên chọn lọc không chỉ thơ mà còn phải lưu ý đến sự hợp lý của nội dung và hình thức, nếu không, những chiếc bình gốm rất đẹp kia sẽ trở nên phản cảm với thơ", dịch giả Thúy Toàn nói. Với 550 tác phẩm bát, đĩa, bình phong được nghệ nhân Vũ Đức Thắng dày công thực hiện suốt nhiều tháng trời song rất nhiều tác phẩm này có sự trùng nhau về họa tiết và cả nội dung. Chẳng hạn, rất nhiều câu thơ được in phun lên những chiếc đĩa về ông lão câu cá như: "Chắt chiu từ những ngày xưa/Mẹ sinh anh để bây giờ cho em" (Xuân Quỳnh). Hoặc: "Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/Chín năm rừng lòng với Thủ đô" (Hoài Anh) nhưng bên trong là hình hai người đang ngồi đánh cờ... Hay như chiếc đĩa có hình cây dừa chắc chỉ hợp với "tóc dài bay trong gió" hơn là với câu thơ nổi tiếng của Vũ Đình Liên: "Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ". Một số câu cũng được trích dẫn sai như: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng" (Nguyễn Khoa Điểm) nhưng đã được trích thành: "Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng". Theo dịch giả Thúy Toàn, việc thay "con" bằng "em" sẽ khiến người đọc hiểu không đúng về ý nghĩa của bài thơ, nhất là khi nó chỉ được trích dẫn. Những tác phẩm và những góc triển lãm trong Ngày Thơ năm nay sẽ tiếp tục kéo dài thêm 3 ngày nữa để người xem được thưởng thức và giao lưu với các nhà thơ. Bán cả mật gấu trong Ngày Thơ Năm nào cũng vậy, Ngày Thơ được coi là dịp để các cửa hàng sách được dịp đắt hàng. Với mức giảm từ 30-70% cùng nhiều chiêu tiếp thị sách, nhiều người yêu thơ đến đây đều khó ra về mà không có một vài quyển trên tay. Nhiều người mua với mục đích "ủng hộ người khuyết tật và người cao tuổi" như chính người bán giới thiệu. Tại khu "Vườn thơ đất nước" thưa thớt và đìu hiu là bởi đã bị các hiệu sách chiếm dụng làm nơi bày bán sách. Mật gấu cũng thừa cơ "chen chân" cùng khách thơ với mức giá chỉ 50.000đ/1cc. Thanh Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100301081137920p0c1003/ngay-tho-viet-nam-lan-3-sang-tao-san-tho-tre.htm