Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8: Nô nức và mới lạ

KTĐT - Ngay từ 8 giờ 30 phút sáng ngày Tết Nguyên tiêu (tức ngày 28/2) đường vào Văn Miếu Quốc Tử Giám đã tấp nập người qua lại. Bãi gửi xe của những người vào tham dự Ngày hội thơ Việt Nam dựng san sát nhau, nối thành những hàng dài. Đến khoảng 10 giơ, khuôn viên của Văn Miếu Quốc Tử Giám vốn rộng là thế bỗng trở nên chật hẹp. Từng dòng người chen nhau đến với ngày hội thơ, ai ai cũng tò mò và háo hức trước những cách xuất hiện mới lạ của các “nàng thơ”.

Nô nức từ những ngày đầu Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII năm 2010 được khởi động vào trưa 26/2 (13 tháng Giêng Canh Dần) bằng một nghi lễ long trọng và thiêng liênglà Lễ rước lửa truyền thống từ Đền Hùng về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Và ngọn lửa ấy đã thắp sáng suốt những ngày diễn ra lễ hội, soi sáng các tâm hồn thơ. Rước lửa truyền thống là một nội dung mới trong Ngày Hội thơ Việt Nam năm nay. Đúng 12 giờ trưa 26/2, tại Đền Thượng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã làm chủ lễ xin lửa. Ngọn lửa truyền thống được rước về dự Ngày Thơ Việt Nam tại trường Phổ thông trung học Vũ Thê Lang, thành phố Việt Trì, lưu giữ tại Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ. Sau khi đi qua một số địa điểm, ngày 28/2, ngọn lửa truyền thống được Ban tổ chức chuyển về Văn Miếu-Quốc Tử Giám, địa điểm chính của Đại lễ Hội Thơ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Sáng 26/2, tại Trung tâm khoa học Văn hóa Nga (501, Kim Mã, Hà Nội), Sân thơ quốc tế với chủ đề “Hà Nội với bạn bè gần xa” cũng đã được khai mạc với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài như: Mỹ, Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Rumani, Hy Lạp. Đây là một hoạt động thể hiện tinh thần hội nhập của thơ Việt. Vui hơn trẩy hội Vào ngày chính của Ngày thơ Việt Nam (ngày rằm tháng Giêng) dọc lối vào của Văn Miếu Quốc Tử Giám, những bài thơ đại diện cho các vùng miền đã được chăng lên, thể hiện sự hội tụ bốn phương trên khắp các miền đất nước. Thơ xuất hiện rất “bắt mắt”, đó là nhận xét chung của nhiều người. Thơ kết hợp chặt chẽ với nghệ thuật trình diễn đương đại vừa thể hiện nét tươi trẻ, vừa thể hiện tâm hồn sâu sắc của những người làm thơ. Thơ khắc trên bình gốm, trên mô hình máy bay, xe máy, thơ lăn lóc cùng bình lọc trên thảm cỏ, thơ ghép từ những ô chữ nổi… Vì sự xuất hiện lạ mắt, nên từng bài thơ của từng tác giả đều đón nhận số lượng rất đông người chăm chú đọc từng câu, từng dòng. Sân thơ trẻ, sân thơ truyền thống cùng diễn trong ngày chính lễ hội nhưng đã không thể hiện sự đối chọi như những năm trước. Đón xem sân thơ trẻ, có cả những người già và ngược lại nhiều bạn trẻ cũng túm lại sân khấu của sân thơ “già”. Bởi sân thơ truyền thống năm nay không chỉ ngâm thơ, đọc thơ và phát biểu những lời nghi lễ mà còn có nhiều lời ca điệu múa được cất lên trên tinh thần phổ nhạc từ những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Còn sân thơ trẻ, một mặt thể hiện thơ trên nền nghệ thuật trình diễn, một mặt các nhà thơ trẻ như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… cũng không quên xuất hiện ngâm thơ, đọc thơ theo kiểu truyền thống và giao lưu cùng độc giả. Không giống như mọi năm, đến khoảng 12 giờ trưa ngày hội của thi ca tan tác người ra về. Năm nay, khuôn viên của Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn náo nức người xem, người diễn với thơ. Đúng 14 giờ của ngày chính hội thơ Sân thơ thiếu nhi khai mạc. Đây là năm thứ 2 sân thơ thiếu nhi xuất hiện trong lễ hội Ngày thơ Việt Nam nhưng là năm đầu tiên các em thiếu nhi thực sự có sân thơ riêng của mình trong không gian thiêng liêng sân Thái Miếu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các em thiếu nhi trường PTCS Thực Nghiệm say sưa trình diễn những bài thơ hay cho thiếu nhi của các nhà thơ Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ… Và háo hức nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự về quá trình sáng tác của anh. Vì số lượng đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 rất đông, cho nên xảy ra một số tình trạng lộn xộn do ý thức của người dân như: Dẫm đạp lên thơ, tự tay cầm nhấc bình gốm khắc thơ ra khỏi vị trí sắp đặt… khiến các anh bảo vệ có những ngày làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên, Ngày thơ năm nay được đánh giá là một đại lễ hội thơ ca ấn tượng không chỉ vì được tiến hành ở hầu hết các tỉnh trên toàn quốc, từ Quãng Ngãi, Hải Phòng, Phú Thọ, Sơn La, Vĩnh Phúc, Việt Bắc, Thái Nguyên, Huế, Tp Hồ Chí Minh... mà còn ở công tác tổ chức rất công phu và ấn tượng. Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=22&newsid=203423