Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII: Đã mắt!

Khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày rằm tháng giêng Canh Dần (28.2) vừa như rộng hơn vì được tận dụng tối đa, lại vừa như chật hơn vì thu hút công chúng đông hơn hẳn 7 lần trước, khiến nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - vừa phấn khởi, vừa lo lắng nói: "Hay đã đến lúc đưa Ngày thơ Việt Nam (NTVN) ra... sân vận động?".

Sân thơ trẻ: Đúng là trẻ! Quả như được hứa, NTVN lần VIII đạt được hiệu ứng khá cao về mặt thị giác, đặc biệt là sân thơ trẻ. Sân thơ trẻ năm nay dường như rộng hẳn lên với hệ thống panô quây vòng cung, ôm vào lòng sản phẩm “3 trong 1”: Góc đọc thơ, góc trình diễn và góc sắp đặt. Trong đó, góc sắp đặt thu hút đông công chúng hơn cả (người già chủ yếu đọc thơ, người trẻ tranh thủ mượn phông chụp ảnh). Nhường ý tưởng “cây thơ” cho vườn thơ đất nước, sân thơ trẻ năm nay sử dụng mạnh bạo hơn (nhưng không quá đánh đố) ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là chiếc xe Wave được gắn cánh và sơn trắng mọi chi tiết, chở trên mình những câu thơ đứt gãy, đang cố nhoai mình lên trong chiếc lồng sắt. Để thực hiện ý tưởng này, nhà thơ Lê Anh Hoài cho biết đã dành trọn 4 ngày để “hô biến” chiếc xe của mình và anh cho biết, sau khi ngày thơ kết thúc, vẫn sẽ dùng chiếc xe được thay hình đổi dạng ấy đi làm, có chăng là chỉ gỡ bớt đôi cánh gắn trên yên xe mà thôi. Nhận xét về góc sắp đặt này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Nó xứng đáng là ngôn ngữ của thơ trẻ: Tươi mới, năng động, phá cách! Có những câu thơ ấn tượng, tuy nhiên, để tìm ra một gương mặt thực sự ấn tượng thì chưa!”. Có chút tiếc chăng là giới làm sách góp mặt khá đông đảo vào ngày thơ lại đứng ngoài không gian sắp đặt này khi lẽ ra họ có thể sử dụng ngôn ngữ này một cách hiệu quả hơn cho việc tiếp thị sách. So với những lần trước, sân khấu trình diễn tại sân thơ trẻ năm nay có vẻ bớt hút khách hơn do “bị át vía” bởi góc sắp đặt quá ấn tượng và một phần, cũng bởi vắng bóng hoàn toàn những gương mặt thơ trẻ đình đám, lại không nhiều trò lạ. Phần nữa, do sân khấu đặt quá thấp, không hấp dẫn về tầm nhìn và hạn chế góc nhìn. Thơ trên gốm sứ - được chờ đợi nhất ở NTVN năm nay - là một sáng kiến hay, nhưng lại chưa mấy thuyết phục về mặt thị giác và gây cảm giác làm chưa tới, chưa tinh. Chẳng hạn như tên tuổi nghệ nhân thực hiện lẫn chủ sáng kiến lẽ ra chỉ nên in dưới đáy hoặc ở mặt sau sản phẩm hơn là in ngay dưới câu thơ được tôn vinh. Hoa văn trên gốm sứ còn đơn điệu và nhiều chỗ chưa mấy ăn nhập với thơ, lại càng chưa biết tôn thơ làm nhân vật chính. Điều này e là cũng khó khi mà con số được trưng bày là hơn 500 tác phẩm gốm sứ lớn nhỏ... - quá nhiều trên một không gian nhỏ hẹp và trong một không khí ồn ã của lễ hội. Lẽ ra, chỉ nên chọn ra một số tác phẩm thật ưng ý để trưng bày, còn nữa thì nên cho sản xuất một số sản phẩm nhỏ, đại trà để người dự hội có thể mua về làm quà kỷ niệm. Chiếc áo đã chật? Bước qua lần tổ chức thứ VIII, NTVN ngày càng thu hút đông công chúng đủ mọi tầng lớp có lẽ là điều đáng mừng hơn cả, khi nó cho thấy một tâm thế sống trong trẻo, hồn nhiên đáng quý giữa thời buổi cơm áo gạo tiền. Đánh đường từ Hưng Yên lên Hà Nội để dự ngày thơ, bà Thanh Miền - là một người làm ruộng, mới gia nhập CLB Thơ Yên Mỹ (Hưng Yên) từ hơn một năm nay và đã kịp làm đến hơn 40 bài thơ, được chép tay vào một quyển vở học sinh. Trong đó, có bài là làm nhân dịp xem phim “Đừng đốt”, có bài là sau khi nghe hát ca trù trên đài, hoặc sau khi xem một bộ phim tư liệu cảm động về Bác. Làm thơ theo bà không khó, vì “chỉ cần thấy cảm xúc là làm được”. Nguyện vọng của bà là được lên sân khấu ngâm một bài thơ, nhưng tiếc là NTVN chưa có... sân thơ nông dân. Một cụ khác, nhất quyết giấu tên, lại mang đến khoe với ngày thơ một tập thơ dịch được đánh máy cẩn thận, trong đó cụ “cả gan” dịch lại những bài thơ chữ Hán nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh vì theo cụ những bản dịch đã có chưa đạt... J.Fossenbell (người Mỹ) trình diễn thơ cùng dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai tại sân thơ quốc tế. Quá nhiều người yêu thơ “vô điều kiện” như vậy, nên sân thơ Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày càng chật kể cũng phải! Nhưng sân vận động - như nhà thơ Hữu Thỉnh nói - thì e lại là một “cái áo quá rộng” cho một ngày thơ. Chưa nói, còn là không gian riêng có của Văn Miếu ở Hà Nội. Biết vậy, nên ông Chủ tịch Hội Nhà văn VN vội vàng nói chữa: “Là nói thế thôi, chứ đố có nơi nào hay hơn Văn Miếu - Quốc Tử Giám!”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng nói: “Mỗi năm có được một ngày, để anh em trong làng gặp nhau, để bán sách, tặng thơ... - cũng đáng lắm chứ! Thôi thì đông cho vui!”. Cũng tâm đắc với địa điểm này, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại cho rằng: Nếu NTVN chỉ co cụm trong khuôn viên như hiện nay thì e là chiếc áo đã chật. Vì vậy - theo ông - nên chăng, BTC cần cho nới rộng hơn không gian của NTVN tại điểm “đầu cầu” Hà Nội, cụ thể là phần không gian tiếp giáp bốn mặt khuôn viên Văn Miếu và vẫn lấy nhà Thái học làm tâm điểm. Có người thậm chí còn cho rằng: Hay là đề xuất với thành phố dành cho một ngày làm phố đi bộ, với 4 con phố quây quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Được nâng lên tầm đại lễ thơ nhân kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, NTVN lần đầu tiên kéo dài tới 3 ngày và diễn ra tại khá nhiều địa điểm. Trong đó, có nhiều sáng kiến “lần đầu tiên” đáng trân trọng như: Làm lễ cầu siêu cho các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến và những tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước đã khuất; sáng kiến tổ chức sân thơ quốc tế, in thơ trên gốm sứ... Nhưng việc kéo dài trong nhiều ngày và tại nhiều địa điểm một mặt cũng ít nhiều gây khó cho công chúng trong việc bao quát khắp lượt bức tranh chung, nhất là vào một dịp mà dân chúng còn bị chi phối vào nhiều công việc tâm linh khác như: Đi lễ chùa, cúng rằm... Một chiếc áo thích hợp cho NTVN sau lần tổ chức thứ VIII vì vậy nên chăng là tận dụng tối đa không gian trong và ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám để có thể làm nên một không gian đa thanh sắc với nhiều góc nhỏ khác nhau: Sân thơ trẻ, sân thơ già, sân thơ quốc tế, sân thơ sinh viên, sân thơ thiếu nhi..., trong cùng một ngày và tại một địa điểm?

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/ngay-tho-viet-nam-lan-thu-viii-da-mat/20103/175626.laodong