Ngày thứ hai xử vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2: Nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa không nhận trách nhiệm

Ngày 4 -4, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục phiên tòa xét xử vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2.

Phiên tòa được bắt đầu bằng phần xét hỏi với bị cáo Lê Sáu. Bị cáo Sáu cho rằng VKS truy tố bị cáo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng. Theo đó, vai trò mà một Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng như ông tập trung chủ yếu vào thủ tục hành chính. Đơn vị bị cáo không được phép xử phạt, thu giữ phương tiện, thu lệ phí... mà chỉ ghi nhận báo cáo Sở GTVT đối với những trường hợp tàu không đủ điều kiện lưu thông (trường hợp này là tàu Thảo Vân 2). Đơn vị chỉ kiểm tra, cho phép lưu thông đối với những phương tiện được Sở GTVT cấp phép.

Nói về tàu Thảo Vân 2 và những sai phạm, bị cáo Sáu cho biết đã nhiều lần báo cáo cấp trên xử lý. Việc biết tàu Thảo Vân 2 không được phép lưu thông nhưng nhân viên của tàu vẫn tổ chức bán vé, bị cáo lý giải vì Thảo Vân có 2 tàu, một tàu được cấp phép nên việc họ bán vé cho Thảo Vân 2 bị cáo không biết. Cũng theo bị cáo, việc tàu ra vào cảng phải tuân thủ các quy định như nhân viên tàu đưa danh sách hành khách lên cảng vụ, sau đó các cơ quan chức năng kiểm tra độ an toàn, qua kiểm tra cho phép của BĐBP tàu mới được rời. Tàu Thảo Vân 2 không được cấp phép, không được lưu thông nên sẽ không có việc đưa danh sách... hay bất cứ thao tác nào theo quy định. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo vì theo Thông tư 83 thì đơn vị của bị cáo không được phép xử phạt hành chính.

Trước đó, biết rõ tàu Thảo Vân 2 không đủ điều kiện lưu thông, bị cáo Sáu đã báo cáo Sở GTVT Đà Nẵng và ngày 2-6-2016, Sở đã cho họp về việc phối hợp triển khai các biện pháp chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Theo đó, 3 tàu được xác định không đủ điều kiện trong đó có tàu Thảo Vân 2. Sau khi được Sở GTVT giao nhiệm vụ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Cảnh sát đường thủy, Trạm Biên phòng Sông Hàn, với nhiệm vụ của mình bị cáo đã tổ chức họp bàn. Cũng trong ngày 2-6-2016, các cơ quan trên phối hợp lai dắt 2 tàu khác vi phạm vào bến riêng tàu Thảo Vân 2 lúc này đã dẫn khách rời bến. Sau khi tàu Thảo Vân 2 cập bến và chuẩn bị đón khách đi lần 2 thì tổ liên ngành phát hiện yêu cầu không được đón khách vì tàu không được cấp phép. Tuy nhiên, quá trình này chỉ nhắc nhở không lập biên bản và không xử phạt và cũng không lai dắt về trạm cửa khẩu để quản lý. Theo bị cáo, thời điểm tàu Thảo Vân 2 quay lại không có mặt bị cáo ở đó, các cơ quan còn lại không xử lý triệt để nên dẫn đến ngày hôm sau tàu Thảo Vân 2 tiếp tục đón khách và xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Các bị cáo tại tòa.

Trong ngày 4-6, ngày xảy ra sự cố, bị cáo Sáu là người trực lãnh đạo. VKS cho rằng, thời điểm này bị cáo Sáu không có mặt tại đơn vị để làm tròn trách nhiệm vai trò của mình. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định bản thân đã làm hết trách nhiệm. “Việc ngày 4-6 xảy ra tai nạn nếu quy trách nhiệm phải là các cơ quan chức năng liên quan chứ không thể quy cho Cảng vụ. Vai trò của bị cáo là quản lý chung, tập hợp báo cáo lên cấp trên chứ không phải đích thân xuống bến cảng như một cảng vụ viên nên việc cả ngày bị cáo có mặt tại đơn vị, đầu tối bị cáo tranh thủ về nhà rồi vào lại đơn vị là chuyện bình thường. Vì vậy, không thể nói tai nạn trong đêm đó là do bị cáo không có mặt tại đơn vị để trực lãnh đạo là thiếu trách nhiệm được...”, bị cáo Sáu nói.

Đối với việc thu phí lệ phí, bị cáo giải thích chỉ thực hiện đối với những phương tiện đủ điều kiện lưu thông, được cấp phép lưu thông trong trường hợp này Thảo Vân 2 chưa đủ điều kiện nên không quản lý và không thu. Theo bị cáo Sáu, tàu Thảo Vân 2 hoạt động trái phép 18 tháng trong khi Cảng vụ mới thành lập 6 tháng cũng có nghĩa là 12 tháng trước đó Thảo Vân 2 vẫn ngang nhiên hoạt động trước mặt các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để thì không thể đợi đến khi sự việc xấu xảy ra để quy trách nhiệm cho một mình Cảng vụ. Bên cạnh đó, bị cáo cũng cho biết việc thực hiện quản lý, sắp xếp neo đậu, cấp điện nước thuộc về nhiệm vụ của Đội quản lý cảng. Cảng vụ chỉ thực hiện việc thủ tục, trong khi Đội quản lý cảng này không thuộc Cảng vụ. Nói như vậy, việc Thảo Vân 2 không được cấp phép lưu thông nhưng vẫn neo đậu tại bến, đóng điện nước tại đây Đội quản lý cảng phải là người chịu trách nhiệm(?!). Bị cáo khẳng định mình không phạm tội như cáo trạng nêu, bị cáo đã làm hết trách nhiệm của mình...

Ông Phạm Công Hiệu, Đội trưởng Đội quản lý cảng trình bày tại tòa, đội thuộc Cty quản lý cầu đường (trực thuộc Sở GTVT) có nhiệm vụ quản lý hạ tầng cảng, điện nước, vệ sinh... không có chức năng quản lý tàu. Và, mặc dù không có chức năng để kiểm tra tàu nhưng nghe nhân viên Cảng vụ nói tàu Thảo Vân 2 không được cấp phép lưu thông nên Đội quản lý cảng đã nhiều lần báo cáo sự việc lên cấp trên.

Sau khi xét hỏi công khai đối với các bị cáo, trong phần luận tội, VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Theo đó, VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo Chí từ 7- 8 năm tù về tội “Vi phạm giao thông đường thủy” và Hùng từ 10-12 năm, Quân từ 7-8 năm tù cùng về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”, Sáu từ 4-5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 5-4, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa cho các bị cáo còn lại, phần tranh luận và tuyên án.

Trang Trần

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/78_164188_nga-y-thu-hai-xu-vu-chi-m-ta-u-du-li-ch-tha-o-van-.aspx