Nghệ An: Chợ tiền tỷ sao dân hờ hững?

Với mục đích đáp ứng nhu cầu giao thương cho người dân bản địa, nhiều chợ được chính quyền địa phương tại Nghệ An đầu tư xây dựng rất khang trang. Tuy nhiên, việc xây chợ tràn lan, một số chợ không theo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng nhiều chợ, trung tâm thương mại tiền tỷ xây xong rồi bỏ hoang. Người dân, tiểu thương không mặn mà với việc vào chợ đã gây lãng phí lớn.

Bỏ 14 tỷ cho…1 xưởng cưa hoạt động?

Sau hơn 6 năm khánh thành, trung tâm thương mại hàng chục tỷ này vẫn không thể thu hút tiểu thương vào buôn bán. Ảnh: Thiên Ân

Với mục đích xây dựng thành điểm kinh doanh buôn bán của cả huyện, đồng thời để giảm tải cho sự xuống cấp của chợ cũ, ngày 20/12/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ký phê duyệt quy hoạch chi tiết cụ thể về mặt bằng tổng thể xây dựng khu Trung tâm thương mại Chợ Rộ (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) trên tổng diện tích 30.000 m2. Theo quy hoạch, dự án này có kinh phí đầu tư gần 22 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn I triển khai xây dựng từ quý 3/2008, hoàn thành cuối năm 2009 với kinh phí đầu tư là 11,7 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình chính của trung tâm thương mại; giai đoạn II từ ngày 1/1/2010 đến năm 2012 với tổng số vốn là 10,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình phụ và hoàn thiện một số hạng mục còn lại của khu thương mại. Giữa tháng 5/2010, tuy chưa hoàn thành tất cả các hạng mục theo yêu cầu, nhưng doanh nghiệp này vẫn làm lễ khai trương và mời các tiểu thương vào kinh doanh.

Sau khi khai trương xong thì chợ Rộ chỉ đi vào hoạt động èo uột với một vài ki ốt rồi sau đó... bỏ hoang cho đến tận bây giờ. Theo người dân địa phương, việc các tiểu thương “quay lưng” với TTTM Chợ Rộ có nhiều lý do. Trong đó, phải kể đến là người dân đã có thói quen kinh doanh ở chợ cũ ngay sát gần cầu Rộ. Mặt khác, việc thiết kế các ki-ốt trong chợ quá nhỏ. Nhiều hạng mục công trình chưa xây dựng xong cũng khiến nhiều người không mặn mà với khu chợ được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Sau hơn 6 năm bỏ hoang, nhiều hạng mục tại TTTM Chợ Rộ xuống cấp, hư hỏng nặng do không có người trông coi. Các ki-ốt bỏ hoang trở thành nơi tập kết rơm rạ, công cụ nông nghiệp và lúa của người dân địa phương, đình chợ trở thành nơi phơi củi, để rơm rạ, thậm chí là nơi chăn thả trâu bò. Do hoang phí, một người dân địa phương đã xin lập một xưởng cưa gỗ để hoạt động và làm bãi tập kết gỗ tại đây.

Một khung cảnh trái ngược với khu Trung tâm thương mại Chợ Rộ - Thanh Chương, tại khu vực chợ Rộ cũ (thuộc xóm Trung Đức) cách đó chưa đầy 1km người mua, kẻ bán tấp nập. Chợ này rộng khoảng 3.000m2, không có đình chợ; hiện đang có khoảng 200 hộ kinh doanh ổn định trong các ki - ốt xây tạm bợ bằng các vật liệu tận dụng. “Kinh doanh ở nơi có cơ sở vật chất khang trang thì ai cũng thích, nhưng chợ mới cũng có hơn gì đâu? Nếu giờ chuyển lên chợ mới thì sợ mất khách quen, hơn nữa các khoản phí đóng góp cao hơn, lại không thuận tiện nên chúng tôi không mặn mà. Mấy năm qua, chợ đó chỉ có một xưởng cưa làm ở trong chứ mấy”, bà Nguyễn Thị Nữ (xã Võ Liệt) cho biết.

Ông Trần Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, cho biết dự án Trung tâm thương mại Chợ Rộ là một tổ hợp kinh doanh, buôn bán, dịch vụ nhằm thu hút lao động và phát triển kinh tế chung của xã. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, vì không phù hợp nên dự án bị bỏ hoang. Hiện chính quyền xã đã báo cáo với huyện đồng thời làm việc, vận động chủ đầu tư nâng cấp, mở rộng các ki-ốt cho phù hợp với thói quen kinh doanh của bà con trong vùng, đồng thời lắng nghe ý kiến của bà con tiểu thương, kể cả việc sẵn sàng mở rộng các ki ốt cho phù hợp với điều kiện khí hậu và thói quen kinh doanh của các tiểu thương. Hi vọng rằng, sau khi thay đổi quy hoạch và điều chỉnh công năng, trung tâm này sẽ sớm được người dân đón nhận.

Hàng loạt chợ “chết yểu”

Trung tâm thương mại thành nơi tập kết gỗ, hoạt động của xưởng cưa. Ảnh: Thiên Ân

Đây cũng là bài toán nan giải khi nhiều chợ mới được đầu tư xây dựng tại một số huyện miền núi Nghệ An nhưng không phát huy được hiệu quả. Hệ thống chợ là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia mà địa phương nào cũng phải đạt được. Để đáp ứng với các tiêu chí này, nhiều địa phương tại Nghệ An đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng chợ. Chợ Cô Ba (xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) với quy mô hơn 5.000m2, số vốn trên 2 tỷ đồng cũng được nhanh chóng xây dựng, hoàn thành từ năm 2015. Tuy nhiên, sau khi xây mới chợ xong lại rơi vào nghịch cảnh trở thành nơi để chơi thể thao và nơi trú chân của... trâu, bò. Tương tự, Chợ Tân Minh thuộc địa bàn xóm 2 (xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu) được xây dựng đầu năm 2007 và hoàn thành vào cuối năm đó với số vốn hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, không lâu sau đó chợ chỉ họp được mấy hôm rồi bỏ hoang cho đến nay. Hàng chục ki ốt được khóa trái cửa, cỏ mọc um tùm, một số làm bằng sắt đã hoen rỉ, xuống cấp và hư hỏng nặng. Phía ngoài mặt đường có một số ki ốt hoạt động nhưng rất thưa thớt.

Theo lý giải của nhiều hộ kinh doanh tại một số chợ bị bỏ hoang, do địa điểm xây dựng các chợ mới nằm không phù hợp để kinh doanh, buôn bán. Hơn nữa, kinh phí bỏ ra để có một điểm buôn bán tại các chợ khá lớn khiến người dân không mấy mặn mà. Ông Phạm Sỹ Hiền, Chủ tịch UBND xã Diễn Phúc cho biết: “Chợ được xây dựng hơn 500 triệu đồng với 140 ki ốt. Tuy nhiên, hiện nay chỉ được 10 hộ vào kinh doanh nhưng mua bán cũng lác đác lắm. Chúng tôi cũng đã đi vận động bà con rất nhiều, nhưng bà con chẳng có ai vào họp chợ cả”.

Theo một thông tin, từ năm 2011 đến năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã đầu tư, xây dựng 102 chợ với tổng số vốn hơn 200 tỷ đồng, nâng tổng số hiện nay lên là 405 chợ đang hoạt động. Theo đề án phát triển chợ giai đoạn 2016 – 2020 thì toàn tỉnh Nghệ An sẽ có 477 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 64 chợ hạng 2 và 358 chợ hạng 3.

Thiên Ân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nghe-an-cho-tien-ty-sao-dan-ho-hung-20161226092618076.htm