Nghệ An: Chủ động nguồn hàng nông sản phục vụ Tết Nguyên đán

(Baonghean) - Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu chuẩn bị nguồn sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường, tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản sạch.

Nhiều trang trại cam ở Đồng Thành, Yên Thành cũng có kế hoạch để dành cam phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán

Với trang trại quy mô lớn, mỗi năm sản xuất bình quân trên 100 tấn nấm, thời điểm này ông Lê Văn Hạnh, xóm 12, xã Sơn Thành (Yên Thành) đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết.

Ông Hạnh cho biết: Bình thường, sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, năm 2015, trang trại sản xuất được 80 tấn nấm, nhưng 3 tháng cuối năm nay, số hàng tiêu thụ tăng gấp đôi. Năm 2016, số sản phẩm dự kiến là 120 tấn nấm sò, mộc nhĩ, 5 tạ nấm linh chi, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của thị trường.

Một “vòng quay” của nấm là 1,5 tháng sẽ cho ra sản phẩm nên để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán, phải bắt đầu sản xuất ngay từ bây giờ. Tôi đã đầu tư thêm 100 triệu đồng mua nguyên liệu ngô, giống, củi, bịch… để làm thêm 2 vạn bịch nấm sò, 12 vạn bịch mộc nhĩ…

Tuy nhiên, lượng hàng đó chỉ đáp ứng cho những đơn hàng đã đặt từ trước chứ không dám nhận thêm. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mặt hàng này vì đây là thực phẩm sạch, không hề có các dư lượng hóa chất độc hại. Năm sau, nếu được tạo điều kiện về mặt bằng và vốn vay, tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích sản xuất gấp đôi hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại xã Đồng Thành (Yên Thành), hiện đang là thời điểm bắt đầu vào vụ chín rộ của cam. Với 18 ha cam đã cho thu hoạch, dự kiến vụ này Trang trại cam Thiên Sơn, xóm Đồng Trung sẽ thu khoảng hơn 400 tấn. Ông Trịnh Xuân Giáo, chủ trang trại chia sẻ: Hiện tại cam đang được tiêu thụ rất tốt, người tiêu dùng ưa chuộng vì cam có vị ngọt thơm rất đặc trưng.

Tuy nhiên, chúng tôi dự tính chỉ thu hoạch khoảng 3/4 diện tích để bán trước Tết, số còn lại sẽ tiếp tục được chăm sóc để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Tết năm ngoái, 100 tấn cam được bán hết trong dịp sát Tết, năm nay đến thời điểm hiện tại chúng tôi mới nhận được đơn hàng đặt trước khoảng 3 tấn, trên 90 tấn cam còn lại nếu không đặt hàng trước sẽ được đem ra thị trường, chủ yếu ở TP. Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn.

Nhiều hộ trồng cam không muốn để cam tết vì ảnh hưởng chất lượng cây, chậm quá trình chăm sóc ở vụ sau, thất thoát và rơi rụng mất khoảng 10% nhưng bù lại, cam đạt đến độ chín mọng, rất thơm ngon, có bán phục vụ nhu cầu dịp Tết và giá cũng rất cao, gần gấp đôi mức giá hiện tại.

Nằm giáp ranh với TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên có những lợi thế rất rõ trong tiêu thụ thực phẩm, nhất là dịp Tết. Với tổng đàn gần 850.000 con gia cầm, 24.500 con lợn, từ đầu năm đến nay sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của Hưng Nguyên đã lên tới 6.270 tấn, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Vinh, một số ít đem ra Hà Nội.

Phó phòng Nông nghiệp huyện, bà Bá Thị Dung cho biết: Thời gian cho một lứa lợn xuất chuồng là 3 tháng, cách đây hơn 1 tháng các hộ chăn nuôi đã bắt đầu tăng đàn để bán dịp Tết và hiện tại, một lứa mới cũng đã được thả để đáp ứng nhu cầu của thị trường về thực phẩm thường tăng cao trong dịp sau Tết do khan hàng.

Thực hiện kế hoạch sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, thời gian qua Hiệp hội kinh tế trang trại Hưng Nguyên đã xây dựng được một số điểm bán thịt lợn sạch tại các xã Hưng Mỹ, Hưng Tân và Hưng Đạo. Huyện cũng ra một số cơ chế hỗ trợ như mỗi trang trại có sản phẩm được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận về đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được hỗ trợ 25 triệu đồng/sản phẩm, dự kiến hỗ trợ mở thêm các điểm bán thực phẩm sạch trên địa bàn...

Sản xuất nấm tại một trang trại nấm ở xã Sơn Thành (Yên Thành).

Là “vùng rau” của tỉnh, thời điểm này nông dân huyện Quỳnh Lưu cũng đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tại xã Quỳnh Lương, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều lứa rau trồng trong tháng 10 đã hư hỏng gần như hoàn toàn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, rau trên các cánh đồng đã xanh trở lại.

Với diện tích rau vụ đông khoảng 220 ha, mấy năm nay nông dân Quỳnh Lương đã đưa vào khá nhiều loại giống rau mới nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, như bắp cải cơ bản chỉ sử dụng giống bắp cải của Nhật Bản, nặng nhất cũng chỉ 1,5 kg, hay cà chua sử dụng một số loại giống cà chua lai của Thái Lan, Mỹ vừa đảm bảo độ ngọt, vừa bảo quản được lâu hơn.

Thực hiện theo quy trình sản xuất VietGap, năm 2015, Quỳnh Lương đã có 10 ha mô hình cánh đồng mẫu, vụ đông năm nay được mở rộng lên 20 ha nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn.

Quỳnh Lưu có diện tích rau vụ đông lên đến 1.800 ha. Vốn có truyền thống trồng rau nên người dân rất có kinh nghiệm, trong kế hoạch trồng luôn xác định bố trí đa dạng các loại rau để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời chọn các chủng loại rau phù hợp để bố trí thu hoạch vào dịp Tết, rau dài ngày trồng sớm, ngắn ngày trồng muộn. Bà con xác định các loại rau hợp thị hiếu, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết để tập trung trồng như: cà chua, cà rốt, bắp cải, khoai tây…; đưa các loại rau mới vào như cải thảo, cần tây để đa dạng hóa sản phẩm.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh nỗ lực của nông dân tại các địa phương đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp cuối năm, các cơ quan chức năng và địa phương cũng cần vào cuộc tích cực, hướng dẫn các biện pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo, quy định trong sản xuất hàng nông sản thực phẩm an toàn, góp phần đảm bảo có một cái Tết Nguyên đán an toàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh:

Trong xu hướng chung hiện nay, cũng như trong công tác chuẩn bị hàng nông sản phục vụ Tết của người dân, có thể thấy rõ một yếu tố cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu là vấn đề đảm bảo sản xuất rau an toàn thực phẩm.

Từ năm 2015 đến nay, huyện Quỳnh Lưu đã triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất theo GAP và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng với diện tích 10 ha/xã. Đồng thời liên kết với Công ty Tâm Nguyên sản xuất rau theo đơn đặt hàng, theo chuỗi sản xuất rau an toàn để đưa vào hệ thống cung ứng của công ty (gắn với mô hình GAP).

Chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết, cùng sự chủ động của nông dân, huyện cũng tập trung nhiều giải pháp khuyến cáo bà con trồng rải vụ, đa dạng hóa các loại sản phẩm để tránh dồn ứ, cung vượt cầu dẫn đến rớt giá và ế thừa.

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương:

Những diện tích trồng bắp cải, su hào hiện đã bắt đầu vun; những loại rau ngắn ngày như cải xanh lùn, cải ngọt chỉ cần 20 - 30 ngày là bán được thì thong thả hơn, vẫn còn quay vòng được mấy lứa nữa rồi mới tập trung trồng bán cho dịp Tết.

Để tránh hiện tượng rau trồng tập trung, ồ ạt phục vụ Tết dẫn đến dư thừa nguồn cung, rớt giá và ế thừa, chúng tôi hướng dẫn bà con trồng xen rau ngắn ngày và dài ngày, đa dạng hóa các loại sản phẩm, trồng rải vụ để tránh dồn ứ sản phẩm; đồng thời chú ý diện tích rau trồng phục vụ nhu cầu sau Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng và khi thừa, khi thiếu sản phẩm rau.

Phú Hương - Mẫn Nhi

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201612/nghe-an-chu-dong-nguon-hang-nong-san-phuc-vu-tet-nguyen-dan-2763251/