Nghệ An: Chưa đến mùa gặt, nhiều HTX đã 'rục rịch' thu tiền của chủ máy

Mặc dù chưa đến mùa gặt nhưng nhiều Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã 'tự ý' làm các hợp đồng kinh tế gây nhiều bức xúc, phẫn nộ cho nhiều chủ máy gặt.

Nhiều chủ máy gặt bức xúc vì HTX nông nghiệp thu tiền phí quá cao?

Nhiều chủ máy gặt bức xúc vì HTX nông nghiệp thu tiền phí quá cao?

"Tự nguyện” hay ép buộc?

Để đảm bảo công tác an ninh, tránh tình trạng tăng giá, chủ máy bỏ dở... một số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã thống nhất đi đến quyết định thu mỗi máy gặt 4,5 triệu đồng, trong đó 3 triệu đồng làm tiền đặt cọc và 1,5 triệu đồng là tiền “tự nguyện” nạp để tu bổ cống, kè nội đồng, chi phí quản lý và công tác quản lý an ninh; việc thu tiền qua các hợp đồng kinh tế được họp với sự tham gia của Chủ tịch UBND, ban công an và HTX nông nghiệp, đã gây bức xúc cho nhiều chủ máy.

Nhiều chủ máy gặt đăng ký hoạt động vụ Xuân 2017 trên địa bàn xã Văn Thành, Hoa Thành… huyện Yên Thành cho biết: Mặc dù chưa đến mùa gặt nhưng các chủ máy gặt có nhu cầu hoạt động trên địa bàn phải “nhanh tay” đăng ký quyền hoạt động và phải đóng một số tiền lớn.

Một số phiếu thu của HTX nông nghiệp Văn Thành đối với các chủ máy.

Cụ thể, các chủ máy muốn hoạt động trên địa bàn phải đăng ký và nộp tiền ngay. Cụ thể, mỗi máy đăng ký hoạt động phải nộp đủ số tiền 4,5 triệu đồng bằng 2 hóa đơn. Trong đó, một hóa đơn 3 triệu đồng là tiền đặt cọc, bảo lãnh, sẽ trả lại tiền sau mùa gặt nếu làm đúng quy trình; còn một hóa đơn 1,5 triệu gọi là tiền để tu bổ đê kè nội đồng, chi phí quản lý và công tác quản lý an ninh.

Theo một chủ máy ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Mặc dù tôi chưa đưa máy về nhưng phải lên xã nộp đủ số tiền trên nếu muốn hoạt động, còn khoản tiền 1,5 triệu đồng, HTX nói là “tự nguyện” nhưng theo kiểu “ép buộc”, nếu chúng tôi không nộp tiền tự nguyện thì cũng không được làm”.

Hợp đồng kinh tế của HTX nông nghiệp xã Văn Thành với các chủ máy.

Trao đổi vấn đề này với ông Cao Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Văn Thành, ông Thắng cho hay: “Đến thời điểm này trên địa bàn toàn xã đã có 27 chủ máy đăng ký hoạt động, số tiền chúng tôi tạm thu là 81 triệu đồng (tiền cọc), còn 40,5 triệu đồng HTX sẽ dùng vào việc để tu bổ công kè nội đồng, chi phí quản lý và công tác quản lý an ninh... và sau đó giao cho các xóm một phần”.

Khi PV hỏi: Mô hình này HTX tự nghĩ ra hay học tập ở đâu? Ông Thắng không ngần ngại cho biết, mô hình này chúng tôi đi học tập ở các HTX khác và qua một thời gian suy nghĩ nên thống nhất như vậy.

Hợp đồng kinh tế giữa HTX nông nghiệp xã Hoa Thành với các chủ máy gặt.

Cũng giống như xã Văn Thành, xã Hoa Thành (huyện Yên Thành) năm nay có khoảng 200 ha diện tích đất nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa), trước mùa gặt HTX đã có cuộc họp thông qua UBND để đi đến thống nhất ký với 13 máy gặt.

Tại các hợp đồng mà HTX Văn Thành ký với các chủ máy, cũng tương tự như xã Văn Thành, các chủ máy gặt phải nộp cho HTX khoản dịch vụ bắt buộc tu bổ cống kè nội đồng, chi phí quản lý và công tác an ninh… với mức thu 1,5 triệu đồng/máy. Còn tiền đặt cọc là 3 triệu đồng/máy và trả lại khi hoàn thành hợp đồng.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Triều – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Hoa Thành, huyện Yên Thành giải thích, HTX làm hợp đồng sau đó trình UBND xã để duyệt, hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với 13 máy gặt với số tiền thu 19,5 triệu đồng (chưa kể khoản tiền đặt cọc máy gặt).

Hàng loạt Hợp đồng kinh tế được các HTX nông nghiệp lập ra để thu tiền các chủ máy gặt.

Phiếu thu 1,5 triệu đồng với các chủ máy gặt của HTXNN Hoa Thành.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Vương Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Trước vụ gặt huyện đã có cuộc họp giao cho các HTX tự làm các hợp đồng nhưng không phải bắt các chủ máy phải đóng tiền và UBND huyện đã có thông báo rõ ràng".

Việc hai HTX Văn Thành và Hoa Thành tự ý ký các hợp đồng kinh tế theo ông Nguyễn Vương Ngọc là sai hoàn toàn và hình thức này không khác cách làm cũ của năm trước là bao nên huyện sẽ xử lý nghiêm.

Tạo điều kiện cho chủ máy

Khác với các xã như Văn Thành, Hoa Thành, nhiều địa phương ở huyện Yên Thành rất tạo điều kiện cho các chủ máy vào để thu hoạch lúa cho bà con để cho kịp mùa vụ.

Nhiều địa phương ở huyện Yên Thành vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ máy gặt vào thu hoạch lúa cho bà con.

Ông Doãn Ngọc Hà – Chủ tịch UBND xã Long Thành, huyện Yên Thành chia sẻ, các chủ máy đã đầu tư một số tiền lớn đề sắm máy với mục đích thu hoạch lúa cho bà con nên chúng tôi rất tạo điều kiện, một số bộ phận ép buộc là không được.

Bên cạnh đó, UBND xã giao trực tiếp cho 2 HTX dịch vụ Nông nghiệp Bắc Long và Nam Long tổ chức kêu gọi các chủ máy gặt, máy làm đất triển khai giúp nông dân thu hoạch nhanh diện tích lúa vụ Xuân, làm đất vụ Hè Thu năm 2017. Đồng thời, phối hợp với UBND xã trong việc giám sát chặt chẽ quá trình triển khai của các chủ máy gặt, máy làm đất.

Còn theo ông Đặng Ngọc Hà – Trưởng Công an xã Lăng Thành, huyện Yên Thành cho biết, chúng tôi không thu bất cứ một khoản phí nào và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân về thu hoạch lúa cho nhân dân, đồng thời đến ban công an xã để khai báo để đảm bảo công tác quản lý và an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện tại trên địa bàn có khoảng 11 – 12 máy gặt đến từ Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đô Lương, Hùng Thành… đã đăng ký vào địa bàn để thu hoạch lúa cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cung cấp một đường dây nóng để các chủ máy liên hệ khi có sự cố xảy ra để có biện pháp bảo vệ và xử lý…

UBND huyện Yên Thành ban hành công văn tránh hiện tượng “bảo kê, cò máy gặt”

Để đẩy nhanh tiến độ thu hạch lúa vụ Xuân năm 2017, cũng như không để xảy ra hiện tượng, các cá nhân đứng ra “bảo kê”, “cò máy gặt” trong thu hoạch lúa vụ Xuân năm 2017, UBND huyên Yên Thành (Nghệ An) đã ban hành công văn 460/UBND.NN về việc đảm bảo an ninh trong thu hoạch lúa vụ Xuân năm 2017.

CV về việc đảm bảo an ninh vụ lúa Xuân của UBND huyện Yên Thành gửi các địa phương.

Theo đó, nhằm tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa vụ Xuân năm 2017, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và giải phóng đất để gieo cấy vụ hè thu, đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa lụt năm 2017.

Đồng thời, giao cho các HTX nông nghiệp tổ chức kêu gọi, ký hợp đồng với các chủ máy gặt, máy làm đất triển khai thực hiện giúp nông dân thu hoạch nhanh diện tích thu hoạch diện tích vụ lúa Xuân, làm đất vụ Hè Thu, các địa phương cử cán bộ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của các HTX nông nghiệp và các chủ máy gặt, làm đất.

Tiến hành thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ máy gặt phục vụ thu hoạch lúa trên địa bàn xã, không để hiện tượng “cò máy gặt” hoặc “bảo kê máy gặt” xảy ra làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, gây tâm lý không tốt trong nhân dân.

Công an các xã, thị trấn trực tiếp các xóm, các xứ đồng tổ chức nắm bắt thông tin nếu phát hiện có hiện tượng “bảo kê” trong thu hoạch lúa, làm đất tiến hành theo quy định của pháp luật.

Nhóm PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nghe-an-chua-den-mua-gat-nhieu-htx-da-ruc-rich-thu-tien-cua-chu-may-post227423.info