Khôn ba năm dại một giờ

Sau khi bản án dành cho các cầu thủ Đồng Nai bán độ được tuyên, mới thấy những mức án tù mà họ phải nhận thật chẳng nhẹ chút nào.

Số tiền bán độ nhận được chỉ vài ba trăm triệu, trận đấu cũng không còn ý nghĩa với CLB Đồng Nai vì họ đã trụ hạng thành công, nhưng hậu quả của tội bán độ thì vượt lên những lý do ấy rất nhiều.

Nhiều năm qua, bóng đá VN đã phải chứng kiến không ít những vụ cầu thủ bán độ, kể cả ở đội tuyển quốc gia, đội tuyển U.23. Đã có những cầu thủ nổi danh trên sân cỏ tham gia vào những vụ bán độ, và đã phải nhận hình phạt tù giam. Nói thật, nếu tính thành tích của bóng đá VN, rồi tính “quy mô” những vụ cầu thủ bán độ, thì bóng đá VN nổi danh trên cầu trường quốc tế vì… bán độ, nhiều hơn là vì thành tích đá bóng. Đó là điều hết sức đáng buồn. Những chuyện đã xảy ra với CLB Đồng Nai, đã từng xảy ra ở những đội bóng khác thuộc bóng đá Việt, và, nào ai dám chắc, trong tương lai nó sẽ không còn xảy ra nữa, với những đội bóng VN nào nữa?

Chính sự hời hợt trong quản lý cầu thủ, quản lý đội bóng, chính những lời giáo huấn đạo đức suông vô thưởng vô phạt, cùng cách nể nang chiều chuộng cầu thủ một cách vô tội vạ đã góp phần quan trọng dẫn tới những bản án mà nỗi đau lớn nhất thuộc về gia đình, về bố mẹ cầu thủ.

Người ta hay nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, thử hỏi, “đèn” trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp VN đã đủ sáng chưa, còn “mực” trong môi trường này thì vì sao dễ “dính” vào tay cầu thủ tới như vậy?

Tôi đã từng rất yêu quý một trung vệ tài năng đã nổi lên từ giải U.21 Báo Thanh Niên như Nguyễn Thành Long Giang, cứ nghĩ với lối chơi thông minh và chắc chắn của một trung vệ, em sẽ còn tiến xa hơn để trở thành một cầu thủ không thể thiếu của đội tuyển bóng đá VN. Vậy mà qua từng năm, Long Giang chưa cho thấy sự tiến bộ nhiều của mình trong chuyên môn, rồi “đùng một cái”, em sa vào tệ nạn bán độ. Đúng là ba năm chưa đủ khôn, nhưng một giờ sa sẩy thì cái dại để lại hậu quả khôn lường. 6 cầu thủ Đồng Nai bị phạt tù hôm nay thật khó nói gì để bào chữa cho những sai phạm của mình. Nhưng cũng cần có cái nhìn thấu tình đạt lý hơn, vì các em còn quá trẻ, và môi trường bóng đá, môi trường xã hội các em đang sống thật sự đã bị ô nhiễm. Dĩ nhiên, không thể đổ những lỗi lầm của mình cho “môi trường bị ô nhiễm”, nhưng thử nghĩ xem, nếu môi trường bóng đá VN trong sạch hơn, thì khả năng phạm tội của các em sẽ ít hơn rất nhiều. Cái này, đề nghị VFF nên nghiêm túc kiểm điểm lại mình, xem đã làm những gì vì sự “xanh, sạch” của môi trường bóng đá? Người lớn không thể vô can khi người trẻ phạm tội trong chính môi trường mà người lớn đang dẫn dắt và đào tạo người trẻ.

Thanh Thảo - Thanh Thảo

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/khon-ba-nam-dai-mot-gio-679832.html