Nghề báo đối với sự thật

Nghề báo là nghề tìm thông tin để nói sự thật. Vì thế nghề báo là vinh quang và nguy hiểm.

Vinh quang vì khi sự thật được nhà báo tìm kiếm và nói ra một cách trung thực và minh bạch sẽ giúp cho cái tốt được bảo vệ, cái xấu bị bóc trần, lịch sử được tôn trọng, con người được tự do.

Nguy hiểm vì sự thật chỉ có một nhưng bị nhiễu loạn bởi nhiều loại nhiều luồng thông tin khác nhau do những kẻ muốn bưng bít, che giấu sự thật và do sự thật bị nhào nặn, bóp méo theo những lợi ích khác nhau mà sự thật khi được phơi trần sẽ không mang lại lợi ích cho họ. Mà một nửa sự thật đã không phải là sự thật, trong khi một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Do đó nhà báo khi tìm kiếm thông tin để nói sự thật là đã chấp nhận dấn thân vào những cạm bẫy được giăng ra hoặc là để mua chuộc, hoặc là để đe dọa, từ phía những kẻ sợ sự thật. Có những sự thật khi được phơi trần, kẻ ác, kẻ xấu bị trừng phạt, đã phải đổi bằng những mất mát, kể cả tính mạng của nhà báo. Nhưng còn bao nhiêu sự thật chưa được nói ra làm nhức nhối lương tâm người viết báo và người làm báo. Chúng ta càng biết ít thì càng nghi ngờ nhiều.

Có bốn quy luật của lý thuyết thông tin như sau:

1. Thông tin anh có không phải là thông tin anh muốn nhận.

2. Thông tin anh muốn nhận không phải là thông tin thực ra anh cần.

3. Thông tin thực ra anh cần thì anh không tiếp cận được.

4. Thông tin về nguyên tắc anh tiếp cận được giá tiền nhiều hơn anh có thể trả để mua nó.

Cho nên trong nghề báo để kiếm được thông tin khả tín là một việc khó. Vì vậy làm một nhà báo trung thực đòi hỏi phải dũng cảm. Hồi đầu đổi mới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi các nhà văn không được tự mình bẻ cong ngòi bút của mình. Đối với nhà báo cũng vậy, giữ thẳng ngòi bút, mài sắc ngòi bút để như cụ Đồ Chiểu nói “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” phải là tiêu chí hàng đầu. Một khi nhà báo bán rẻ ngòi bút, đánh tráo sự thật, oan khuất có thể xảy đến cho cá nhân và xã hội. Hãy nói và chỉ nói sự thật - tôi ước sao mỗi một nhà báo khi bước vào nghề sẽ có lễ tuyên thệ với lời thề như vậy, giống như lời thề Hypocrat của nghề y, như lời thề của luật sư trước phiên tòa.

Trong làng báo Việt Nam thế kỷ XX có tấm gương của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) đáng để học tập về bổn phận của nhà báo đối với sự thật. Khí tiết một nhà nho cương trực cộng với tư tưởng dân chủ tiếp thu từ phương Tây đã đưa cụ đến tín điều này khi làm báo Tiếng Dân (1927-1943): “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Ngay cái tên báo cụ và các đồng chí của mình đặt đã nói rõ ý hướng, mục đích của tờ báo. Và tín điều làm báo của cụ Huỳnh còn có ý nghĩa thời sự mãi với thời gian.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sang Pháp năm 1946 đã tạm giao quyền chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong nhiều lý do của sự tin tưởng này có lẽ có cả tín điều này nữa từ một nhà báo đến một người lo vận mệnh quốc gia. Như cụ Huỳnh đã tự nhận: “Tôi là nhà cách mạng công khai” (“Je suis résvolutionnaire ouvert”).

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2012061611193492p0c1013/nghe-bao-doi-voi-su-that.htm