Nghề báo và những kỷ niệm xanh xuân

Hôm rồi ra Huế, đi qua sân Tự Do, qua quán cơm Âm Phủ, cạnh đó là khách sạn Thiên Đường, ký ức một thời làm báo thể thao ùa về lộng lẫy cõi lòng. Thời đó, anh em phóng viên thể thao cả nước mỗi lần về Huế, thường ăn và ở hai địa chỉ trên, “ăn Âm Phủ, ngủ Thiên Đường”, bất cứ đồng nghiệp nào thuộc thế hệ 7x về trước đều nhớ - thương.

Càng có chút tuổi càng hay hồi ức về dĩ vãng. Bóng đá Việt Nam một thời cũng rất đẹp. Cả 3 miền đều đầy rẫy các CLB có tiếng. Anh em phóng viên thích nhất đi tỉnh. Chúng tôi ở miền Trung, có nhiều đội, nên liên tiếp được đón tiếp đồng nghiệp từ Hà Nội vào, Sài Gòn ra. Kéo nhau lòng vòng hết tỉnh này sang tỉnh khác.

Rồi, tự dưng mà thân nhau. Các báo cũng nhờ cộng tác viên địa phương bao quát địa bàn dùm. Bá Minh ở Nghệ An; Phi Tân - Huế; Anh Vũ, Trần Quang, Hoàng Hưng - Đà Nẵng; Nguyễn Ánh - Quảng Nam; Viết Hiền - Bình Định; Minh Vỹ, Hà Chính - Gia Lai; Công Định - Nha Trang… Nhuận bút chẳng bao nhiêu nhưng mỗi lần hội ngộ anh em đầy ắp nụ cười, trân quý cộng tác viên lắm.

Báo chí thể thao với bài toán tồn tại hay không tồn tại?

Cái ngày xưa huy hoàng chỉ mới đây thôi, nhưng chắc chắn chả "bao giờ cho tới ngày xưa" khi báo chí và công nghệ đã thay đổi đến chóng mặt. Với làng báo chí thể thao trong nước lúc này có lẽ câu danh ngôn bất hủ - Tồn tại hay không tồn tại? (To be, or not to be?) là hợp cảnh, hợp người hơn cả.

Đi tỉnh, thường thì anh em hay được tiếp kiến các ông Giám đốc Sở TDTT (cũ), hoặc Trưởng đoàn bóng đá. Mỗi người một tính cách nhưng cơ bản là vui, nếu có “quái” cũng chỉ ở tầm… bao cấp, có nghĩa vẫn còn lành. Nam Định có Đỗ Thanh Xuân; Nghệ An với Nguyễn Hoàng Thụ; Huế có Ngô Văn Trân; Lê Nguyên Hồng của Đà Nẵng; Lê Văn Minh - Bình Định; Phạm Văn Tuấn - Gia Lai… Nhiều người nay đã già, có vị khuất bóng, có vị chuyển công tác, vẫn còn người vẫn làm bóng đá, nhưng tên tuổi họ vẫn đọng sâu trong tâm trí anh em.

Có những thương hiệu gắn với bóng đá bao cấp đã thành vè, vui đáo để: “Ke như Phán (Quảng Nam - Đà Nẵng), láng như Thì (Nghĩa Bình), lì như Lộc (Phú Khánh, bố của đương kim Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn), cộc như Tám Đông (Tiền Giang), long đong như Tư Minh (Sông Bé)”.

Cũng cách đây vài hôm, duyên kỳ ngộ giúp người viết ngồi uống bia với Dương Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Điều hành CLB Khatoco; Lê Tiến Anh, nguyên Chủ tịch CLB; Hoàng Anh Tuấn, nguyên HLV Khatoco. Anh em chọc nhau cười chí chóe, kể đủ kỷ niệm vui buồn bóng banh. Nhưng, tất cả đều vẫn bày tỏ lòng tri ân với trái bóng tròn đã mang đến cho họ nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ, và cả không ít kỹ năng quản trị phục vụ cho trọng trách mới. Nói đùa là vẫn “có lãi”!

Với anh em phóng viên thể thao, nhiều khi phải nói là rất bất bình với bóng đá chuyên nghiệp đã làm mất đi nhiều biểu tượng đẹp, nhiều giá trị tốt, nhưng đa số cũng đều chấp nhận được với cái nghề “rất vui vẻ” này. Nói thế bởi viết lách chẳng “đụng chạm” gì để đau đầu. Anh em đều xuất thân chủ yếu không phải dân thể thao, phần đông dân báo chí, xã hội nhân văn, chỉ tay ngang, vậy mà cứ “chém như đúng rồi”.

Đã có lời khuyên phóng viên thể thao dự đoán tỷ số thì một là độc giả đừng tin, hoặc là bắt ngược tỷ số họ đoán, thể nào cũng có cơ may trúng. Tếu táo rằng, dễ nhất là viết thể thao, nên phóng viên thể thao giờ đông đến đột biến. Các phương tiện tác nghiệp rất oách, giải thế giới hay châu luc nào cũng tràn ngập quân ta.

Khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ đến phong cách, đẳng cấp của rất nhiều phóng viên thể thao tiền bối. Tên tuổi họ đã chiếm vị thế trịnh trọng không kém các phóng viên mảng khác. Nhiều cây viết giỏi đã lên “lãnh đạo”, bặt bóng trên báo, nhớ ngẩn ngơ bài viết của họ.

Cũng như cầu thủ bóng đá, ngôi sao đích thực không nhiều, phóng viên thể thao giỏi không dễ xuất hiện, cũng “có thế hệ vàng”, cũng có người nản mà rẽ sang ngả khác.

Tuyển Việt Nam và cuộc 'khủng hoảng' trung phong thời hậu Công Vinh

Đội tuyển Việt Nam thời hậu Công Vinh đang trở nên thiếu sắc bén hơn bao giờ hết. Không những thế, hàng công đội tuyển thời điểm hiện tại đang sở hữu chiều cao khiêm tốn nhất trong vòng 10 năm qua.

Nhưng chắc chắn một điều, nếu phóng viên được hít thở trong một bầu không khí bóng đá nhân văn, cống hiến, khán giả luôn chật ních khán đài, nhiều siêu phẩm…, thì họ sẽ được nuôi dưỡng đam mê, cảm xúc để thổi hồn vào câu chữ, rồi thành tài. Còn không, chỉ là những bài báo vô hồn, đẳng cấp làng nhàng.

Cầu thủ không có cảm xúc sẽ khó mà đá tốt, phóng viên thể thao cũng vậy, tâm hồn phải luôn thăng hoa mới giỏi nghề. Chúc đồng nghiệp sức khỏe dồi dào, cố gắng vượt qua giai đoạn rất khó khăn này, chờ đợi, hy vọng bóng đá nước nhà sẽ tử tế hơn, để sống trọn vẹn đam mê với nghề.

Hữu Quý

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/the-thao/nghe-bao-va-nhung-ky-niem-xanh-xuan-n20170621093407181.htm