Nghề cổ, làng cổ

Làng nghề, phường nghề cổ là nơi lưu giữ những tinh hoa nghề thủ công truyền thống của dân tộc, đặc biệt hơn khi được hình thành trong cái nôi văn minh châu thổ sông Hồng rộng lớn. Ngày nay, nhiều làng nghề thủ công cổ truyền đất bắc đã biến thành những trung tâm sản xuất. Tuy nhiên, nỗi lo mai một nghề cổ trước những biến đổi nhanh chóng của cuộc sống và công nghệ hiện đại là hiện hữu.

Giữ nghề trong nỗi lo mai một

Đồng bằng sông Hồng được tạo nên bởi hệ sông Hồng và hệ sông Thái Bình. Những dòng sông không chỉ bồi đắp nên một vùng phù sa màu mỡ mà còn xây dựng nên những giá trị văn hóa bền vững và có sức lan tỏa rộng lớn, trong đó có hệ thống những làng nghề lâu đời. Làng gốm Thổ Hà của tỉnh Bắc Giang là một trong những làng nghề cổ truyền như thế, xuất hiện từ hàng trăm năm trước. Để có được một làng nghề bên sông Cầu hiền hòa, trữ tình, những người dân nơi đây đã trải qua biết bao gian nan, bằng mồ hôi lao động tạo dựng nên một cuộc sống bình yên và sầm uất với "vốn liếng" chỉ duy nhất một thứ nghề cổ làm gốm nổi tiếng lưu truyền dân gian.

Cụ Cáp Trọng Tuất, nghệ nhân 80 tuổi làng gốm Thổ Hà giơ cho tôi xem bàn tay dính đầy đất sét vàng ươm bên chiếc bàn xoay làm nghề. Cụ nói: "Chỉ từ đất và bàn tay này thôi, bao đời rồi, từ thời ông bà rồi đến tôi và con cháu nặn nồi bát ven sông... Nghề nối nghề mà, không thể bỏ được". Cũng từ những bàn tay lao động và tâm hồn thôn quê chân chất ấy, các giá trị nghề đã được nâng thành văn hóa và thấm đẫm trong từng sản phẩm. Ngôi làng Thổ Hà với những ngõ hẻm sâu hun hút bên bờ tường cao được bồi đắp không biết bao nhiêu tầng tầng, lớp lớp các vại, bình, mảnh gốm sứ lèn đất níu chân lữ khách bâng khuâng, luyến tiếc. Vậy mà giờ đây, gốm Thổ Hà đang ngoắc ngoải. Từ một làng nghề nổi tiếng, người dân phần lớn sống bằng nghề, giờ đi khắp làng tìm kiếm cũng chỉ còn lại ít hộ làm nghề. Chúng tôi đã tìm đến hộ gia đình nhà chị Trịnh Thủy Tiên, một phụ nữ trung niên. Theo lời chị kể, cha của chị là cố nghệ nhân Trịnh Đắc Tân từng một thời vang danh đất gốm. Trước khi nhắm mắt xuôi tay ông vẫn kịp truyền lại cho con cháu các bí quyết làm nghề với lời nhắn nhủ: "Nghề gốm phải trụ vững đến mai sau và con cháu họ Trịnh quyết không để mai một". Nhớ lời dặn của cha, chị cùng các con, các cháu tiếp tục làm nghề, tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức và cả rủi ro: "Đến đời tôi là thứ mười, ý thức gìn giữ, lưu truyền nghề gốm cổ đã ăn vào máu, in vào tâm khảm rồi. Chỉ mong con cháu mai sau hiểu được và làm theo chứ không để nghiệp nghề cha ông đổ sông đổ bể".

Nỗi lo thất truyền và tình yêu với nghề cổ của những nghệ nhân, thợ nghề như cụ Tuất, chị Tiên ở làng nghề Thổ Hà cũng là nỗi niềm chung của các nghệ nhân, thợ thủ công ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Chúng tôi đến đây vào buổi trưa một ngày cuối thu nắng nhẹ, những lọn rơm phủ kín đường làng, êm đềm một mầu vàng óng ả. Ngoài kia, con sông Vông lặng lẽ chảy về xuôi và nguồn nước trong lành vẫn như người mẹ ôm ấp ngôi làng nuôi giữ cho nghề chạm bạc vẫn còn "sáng láng". Qua lời ông Phạm Văn Nhiêu, người nghệ nhân được coi là "cây đa cây đề" trong làng mới thêm hiểu rõ khát vọng về nghề chạm bạc được nuôi dưỡng ở Đồng Xâm từ đời này qua đời khác lớn đến thế nào. 50 năm theo đuổi nghề với bao nhiêu khó khăn, mồ hôi và cả nước mắt từ khi là cậu thanh niên mới lớn, giờ đây ông đã gần 65 tuổi nhưng "tuổi không đuổi được đam mê". Ông nói: "Giờ khác ngày trẻ, chỉ mong may mắn có thêm sức khỏe mà tiếp tục được yêu cái nghiệp mấy đời theo đuổi".

Chị Loàn, một người thợ chế tác cho biết: "Đồng Xâm giờ khác xưa nhiều. Người làng đã kết hợp nghề truyền thống với tổ chức kinh doanh, phát triển những sản phẩm hợp thời nhưng không mất đi kỹ thuật truyền thống nên thu nhập cũng tăng mà người làm nghề chúng tôi cũng an tâm để giữ nghề". Đó cũng chính là lý do để nghề truyền thống ở đây vẫn được thế hệ trẻ theo đuổi bởi họ tin vào tương lai phát triển của nghề và một đời sống kinh tế khá giả hơn. Nguyễn Văn Tuân là một người thợ trẻ say mê nghề chạm bạc. Tận dụng tất cả khoảng không gian, từ ngôi nhà đang ở, đến sân vườn,... nhiều khi anh Tuân phải huy động anh em trong xưởng làm ngày, làm đêm sản xuất và hoàn thành các hợp đồng đặt hàng. Anh nói: "Chúng tôi có niềm đam mê và dám nghĩ dám làm. Có lẽ vì thế mà các bậc Tổ nghề đã thấu hiểu và phù hộ cho nên mới được như thế này. Khi cuộc sống ổn định hơn, anh em thợ mới yên tâm gắn bó với nghề". Cứ vậy, những hoa văn mềm mại, mang đậm dáng hình dân tộc, đất nước cứ hiện dần, hiện dần dưới những mũi chạm của các nam, nữ nghệ nhân trẻ trước một tương lai tươi sáng ở Đồng Xâm và đây là lý do để chúng tôi cảm thấy đỡ lo hơn về tương lai của những làng nghề cổ.

Du lịch làng nghề, một hướng đi bền vững

Các làng nghề đất bắc cần bắt nhịp với những thay đổi của cuộc sống hiện nay và sự phát triển của công nghệ hiện đại. Đó là cơ hội và cũng là thách thức mà những làng nghề truyền thống phải nhanh chóng nắm bắt để chuyển mình. Du lịch chính là một trong những hướng để các làng nghề cổ có thể bảo tồn và phát triển. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết: "Du lịch làng nghề truyền thống rất hấp dẫn du khách quốc tế chưa nói đến còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của vùng miền, của dân tộc và vai trò của nó với làng nghề là rõ ràng. Đầu tiên đó là cách thức để tăng thu ngoại tệ và nâng cao thu nhập, sau đó là phát huy giá trị văn hóa làng nghề bên cạnh kích thích phát triển hạ tầng kỹ thuật thông qua hoạt động du lịch, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm và cuối cùng là giải quyết việc làm cho người dân địa phương".

Tiềm năng phát triển du lịch làng nghề của vùng đồng bằng sông Hồng là rất lớn, qua hoạt động khai thác của các tua lữ hành tại Hà Nội, vùng đất nghìn năm văn hiến, "đất trăm nghề". Vấn đề đặt ra ở đây là đánh thức tiềm năng đó như thế nào, bởi không phải cứ có nhiều làng nghề thì có nghĩa là dễ dàng phát triển du lịch làng nghề. Nếu không có sự đầu tư, khai thác tốt thì tiềm năng vẫn chỉ mãi là tiềm năng. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần phân tích: "Thực tế là nước ta có nhiều làng nghề nhưng du lịch làng nghề lại chưa phát triển. Ước tính hiện cả nước chỉ có khoảng 20 tuyến du lịch từ bắc vào nam trong đó 35% là du lịch làng nghề hoặc du lịch gắn với làng nghề theo các tuyến đã định của ngành du lịch. Con số đó là rất ít ỏi so với tiềm năng". Trong khi đó, các tua du lịch làng nghề Hà Nội thì mới chỉ đang ở mức bề nổi, du khách chỉ tham quan hoặc tới xem một số ít làng nghề cổ và sức hấp dẫn đối với du khách vẫn còn thấp. Điều này dẫn đến việc khách không chọn đến thăm làng nghề như một điểm đến thật sự bởi những người kinh doanh loại hình này chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp, khai thác đầy đủ tiềm năng. Chưa nói đến, hầu hết các dịch vụ du lịch đi kèm ở các làng nghề truyền thống chung quanh Hà Nội còn yếu kém, chưa tương xứng tiềm năng. Ngay cả hai làng nghề nổi tiếng như lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng dù được quan tâm nhiều nhưng trong mắt du khách vẫn rất "nhạt nhòa". Họ đến chỉ để mua sản phẩm chứ không phải vì ở đó có cơ sở hạ tầng tốt trong khi các nghệ nhân, gia đình được chọn giao lưu và trải nghiệm nghề cùng du khách thì gần như không có vai trò quan trọng thu hút khách.

Trước thực tế đó, chính quyền các địa phương cần phối hợp ngành du lịch nghiên cứu và tập trung vào chiến lược đầu tư cụ thể và lâu dài cho việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ Hà Nội mà còn cả khu vực đồng bằng sông Hồng rộng lớn khác. Theo nhiều chuyên gia, nên lựa chọn đầu tư cho những làng nghề truyền thống tiêu biểu để khôi phục và quảng bá những sản phẩm nổi tiếng cả trong nước lẫn ngoài nước. Đã có một số làng nghề làm thành công mà điển hình là gốm Chu Đậu với những sản phẩm từng được nhiều nơi tìm về đặt hàng làm quà tặng cho du khách trong nước và ngoài nước. Nhận định về hướng đi này, Chủ tịch Hội nghệ nhân thợ giỏi Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho biết: "Nghệ nhân gạo cội, tài hoa ở các làng nghề lâu đời thì không thể để sản xuất hàng chợ xoàng xĩnh. Điều đó chỉ gây phản cảm và đem lại tác dụng phụ trong mắt du khách, nhất là du khách quốc tế". Bên cạnh đó, cần xây dựng và nâng cấp các tuyến du lịch làng nghề đã và đang triển khai như du lịch đưa khách đến làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gốm Phù Lãng, Thổ Hà, Chu Đậu, đồng Đại Bái, thêu Quất Động,...

Sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp, ban, ngành có tính quyết định để du lịch làng nghề phát triển. Gần đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 14/QĐ - UBND ngày 2-1-2013 về phê duyệt quy hoạch nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030. Với mục tiêu chính là phát triển làng nghề mới, bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống; rà soát phân loại làng nghề, các làng nghề cần duy trì, bảo tồn hoặc chuyển nghề khác; phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội... Hy vọng với sự chung tay đồng lòng của chính quyền, nghệ nhân và người dân, du lịch làng nghề Hà Nội nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.

Bài và ảnh: PHONG CHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/21506902-.html