Nghề cũ Kẻ Chợ

Một góc phố có bà cụ gần cả cuộc đời bán hoa cúng; dưới gốc cây đa trăm tuổi, có một người nửa thế kỷ khắc bút... Thời gian như bỏ quên, để có những nghề tưởng đã thành hoài niệm, đã 'rất cũ', vẫn còn trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Chúng góp phần tạo nên một nét 'rất Hà Nội'. Và hẳn khi nó mất đi, người ta sẽ thảng thốt, nhận ra khoảng trống mà nó để lại.

Bà Phan Thị Thu bên gánh hàng hoa trên phố Hàng Khoai. Ảnh: LÊ BÍCH

Đôi khi, chẳng cần cơn cớ, tôi vẫn cứ ghé qua phố Hàng Khoai. Ở đó, có một mảnh ký ức thời gian còn sót lại... Một bà cụ già ngồi bên mấy cái rổ xinh xinh. Thời gian đã khắc tạc cái dáng còng còng, cùng những nếp gấp sâu trên khuôn mặt, nhưng lời nói, cử chỉ vẫn toát lên vẻ thanh nhã của người Hà Nội. Mấy chiếc rổ nhỏ, nào hoàng lan, nào ngọc lan, nào hoa nhài... Mùa nào thức nấy. Đầu xuân có hoa bưởi trắng tinh khôi, ngan ngát. Cuối xuân đầu hạ có thêm dìu dịu hoa cau. Sang thu, cái "sạp hàng" tí xíu tô điểm thêm mầu vàng non của những chùm ngâu. Khách đến, rồi khách lại đi, toòng teng theo một túi hương thơm ngát. Phần nhiều là những người tuổi trung niên trở lên. Nếu có người trẻ mua hàng, thế nào cũng đi kèm theo câu: "Bà cháu/ mẹ cháu dặn đến hàng bà mua...". Cái sạp hàng này, dường như chỉ dành cho những "người rất cũ" ở Hà Nội. Bởi bên chợ Đồng Xuân ồn ào, nếu không để ý, rất khó để người ta nhận ra. Bà Phan Thị Thu là con gái làng Ngọc Hà, là người duy nhất còn bán hoa cúng, theo lối xưa ở đất Hà Nội này.

Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ đến gánh Ngọc Hà mới mua. Người Hà Nội đã "mách" nhau như thế, cũng là một cách gián tiếp ca ngợi hoa Ngọc Hà. Người Hà Nội ưa chơi hoa, phong cách chơi tinh tế và tao nhã. Những làng hoa đã được ghi vào sử sách rất sớm. Người Hà Nội luôn cẩn trọng cách dùng hoa dâng cúng. Ngày rằm đi chợ mua hoa chính là nói đến những giống "hoa tâm linh" ấy. Như một lẽ tự nhiên, ở cái tuổi xa trời gần đất, bà Thu thường sống lại những ký ức. Người Hà Nội xưa cúng hoa phải đặt trên đĩa, mà phải hoa có hương thơm thanh nhẹ, tượng trưng cho tấm lòng con cháu, nhớ tổ tiên. Đến khi hoa khô, mùi hương vẫn còn thoảng qua. Còn làng hoa của bà, ngày ấy lối đi quanh co, hàng rào xanh mướt, nhà nào cũng có những luống hoa. Bà nhớ lời mẹ dặn về cách chọn hoa, nghe mưa, lắng gió mà đoán năm nay hoa được hay mất mùa. Bà nhớ những bài học đầu đời, khi mẹ dạy rải chiếc lá bồ tát (lá rong giềng), xếp hoa cho thật khéo, cuộn lại vừa đủ kín để giữ mùi hương, mà không chặt để hoa khỏi nát. Câu chuyện cùa bà Thu kể y như chuyện của nhà văn Tô Hoài khi viết về nếp cũ Hà thành. Thời bà Thu son trẻ, gánh hoa lên phố, có những nhà đặt hoa cúng theo tháng. Sớm ra, gói hoa vào chiếc lá bồ tát, xâu thêm sợi rơm rồi treo ở tay nắm cửa. Thi thoảng mới lĩnh tiền một thể. Người ta không chỉ cúng hoa, mà còn đặt những đĩa hoàng lan, ngọc lan ở phòng khách, khiến căn phòng được "ướp" hương thơm thanh nhẹ.

Ngọc Hà đã thành phố mấy chục năm nay, làng cũ hầu như không còn ai trồng hoa. Người mua hoa cúng theo "lối xưa" thưa dần. Giờ người ta quen cắm hoa, từ hoa hồng đến hoa ly. Bà Thu vẫn ngồi bên góc phố ấy. Chẳng dễ gì thay đổi. Bà bắt đầu bán hoa từ năm mười ba tuổi. Vậy là đã 67 năm gắn với nghề. Khỏe thì bà đạp xe. Giờ yếu, hằng ngày bắt xe ôm từ làng Ngọc Hà (cũ) lên Hàng Khoai bán hàng. Sự gắn bó đã quá bền chặt. Lắm khi người mệt mỏi, bà cũng không chịu nằm nhà, ngồi bên những rổ hoa thơm, dù phố phường ồn ã, bà thấy vui hơn... Tôi hỏi bà, mai này, "gánh hàng hoa" của bà sẽ thế nào? Giọng bà trầm xuống: "Biết sao được. Giời cho ngày nào thì còn bán ngày ấy thôi. Con cái giờ mỗi đứa mỗi công, mỗi việc". Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó vắng đi "gánh hàng hoa" bà Thu, bên phố Hàng Khoai này?

Câu hỏi ấy cũng thường trực mỗi khi tôi nghĩ đến người khắc bút bên hồ Hoàn Kiếm, ông Lê Văn Quý. Người Hà Nội trước đây không lạ gì nghề khắc bút. Cách đây hơn 20 năm, vẫn còn những người khắc bút rong. Quanh cổng các ngôi trường trung học thời ấy, lúc tan trường, đám học trò xúm xít bên người khắc bút là cảnh rất quen. Nghề khắc bút nay đã thành quá khứ. Từ mươi năm trước, người ta đã chợt nhận ra, Hà Nội còn mỗi mình ông Quý làm nghề khắc bút. Người ta có thể không khắc bút, nhưng không mấy ai đi qua không mê cái dáng cẩn trọng, tỉ mẩn của ông già dưới gốc đa trăm tuổi bên đền Bà Kiệu. Ngay cả khi ông không làm việc, cái dáng ngồi trầm ngâm cũng khiến người ta ngạc nhiên: Sao có sự hòa hợp đến vậy? Như thể ông thuộc về góc phố này.

Ông Lê Văn Quý đã đi qua hơn 80 năm cuộc đời. Hơn hai phần ba quãng đường ấy, ông gắn bó với nghề khắc bút, bên góc hồ Hoàn Kiếm. Những năm chiến tranh là thời "hoàng kim" của nghề khắc bút. Những chàng trai, cô gái chia tay nhau lên đường làm nhiệm vụ Tổ quốc, cùng với những chiếc khăn thêu, họ hay tặng nhau chiếc bút máy Trường Sơn, Hồng Hà. Và người ta lưu lại trên đó những dòng tên, những kỷ niệm, những hình ảnh mơ ước hòa bình, mơ ước tình yêu... Từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông Quý đã ngồi bên gốc đa này. Khéo tay, giá cả phải chăng, cho nên nghĩ đến khắc bút, người ta nghĩ ngay đến việc đạp xe ra gốc đa đền Bà Kiệu. Biết bao buồn vui gắn với những họa phẩm tí hon mà ông tạo ra trên cây bút. Nhưng có một kỷ niệm mà cả đời ông không quên được, khi có lần chiếc bút ông khắc đã giúp một gia đình ở Thái Bình tìm ra hài cốt liệt sĩ. Ðó là khi người ta thu thập được hài cốt liệt sĩ mà tư trang đã nát thành cát bụi, thì bất ngờ tìm được một cây bút có khắc tên con trai, ngày, tháng, năm sinh và quê hương người chiến sĩ... Nhờ thế, bà Nguyễn Thị Hồng ở Kiến Xương, tìm được mộ chồng... Cuộc sống đổi thay. Chiếc bút không còn là vật thân thiết như xưa. Người ta có vô vàn cách khác nhau để làm quà kỷ niệm. Mươi năm trước, nhiều người ưa hoài cổ đã nghĩ, rồi hình ảnh ông Quý khắc bút bên hồ Hoàn Kiếm cũng sẽ thành quá khứ. Rồi thời gian qua đi, ông Quý vẫn ngồi đó, giữ cái nghề "rất cũ".

Ông Lê Văn Quý, người cuối cùng giữ nghề khắc bút ở Hà Nội. Ảnh: LÊ BÍCH

Khéo tay nghề, đất lề Kẻ Chợ. Thăng Long - Hà Nội nổi danh với những "phố Hàng". Nhưng có những nghề không được xếp vào hạng di sản, cũng chẳng thuộc diện được bảo tồn như chạm bạc, nghề thêu, nghề bốc thuốc... trong phố cổ. Dẫu vậy, nó lại mang một nét gì đó rất Hà Nội, như chuyện nghề của bà Thu bán hoa cúng, của ông Quý khắc bút. Còn bao nhiêu người đang gắn bó với những "nghề cũ" ở mảnh đất này? Phố cổ Hà Nội dẫu nhỏ bé như lòng bàn tay, vẫn luôn ẩn chứa những bất ngờ. Một ngày nào đó đi trên phố Hàng Quạt, người ta sẽ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy, cuối phố, có những bức tường nom tựa những "bức phù điêu", tạo thành từ những chiếc khuôn bánh Trung thu. Đấy là cửa hàng của ông Nguyễn Văn Quang - người đục khuôn bánh Trung thu trong phố. Cái nghề cũng qua những quãng thăng, rồi giáng. Xưa thợ giỏi nhất thiết cần khuôn bánh đẹp mới nên nghề. Bánh Trung thu dần chuyển sang làm bằng máy móc, dây chuyền. Khuôn bánh gỗ ít người dùng, hoặc cũng bị cạnh tranh bởi các loại đục máy. Người làm nghề đục khuôn bánh rơi rụng dần. Ông Quang vẫn trụ lại. Cái nghề này không chỉ đòi hỏi hoa tay. Không có "gia vị" là tâm hồn lãng mạn, những hình ảnh trên sẽ khô cứng, kém sinh động. Cái cửa hàng nhỏ xíu, chỉ rộng hơn chục mét vuông. Không có đủ diện tích, ông Quang treo khuôn bánh lên tường làm mẫu. Những bức hình hoa lá, chim muông, cá chép hay hình 12 con giáp... xếp cạnh nhau vô tình tạo nên bức phù điêu cảm xúc. Không chắc ông Quang là người cuối cùng. Nhưng là người hiếm hoi còn làm cái nghề này trong phố cổ. Nói về Trung thu, câu chuyện về nghề cũ được nối dài với bà Vũ Thị Thanh Tâm ở Hàng Lược, chuyên làm thiên nga bông; vợ chồng ông Hòa - bà Lan ở phố Hàng Than giữ nghề mặt nạ giấy bồi...

Những con người làm công việc rất bình thường, song dường như, những con người ấy đã vượt qua cái ranh giới của cuộc mưu sinh, để góp phần tạo ra nét riêng Hà Nội. Đôi khi, tôi vẫn ước thời gian cứ "bỏ quên" những người cũ - nghề cũ kỹ ấy. Nhưng cuộc sống vẫn cứ vận hành, vẫn cứ đổi thay. Những câu chuyện của bà Thu, ông Quý, ông Quang, bà Tâm... có thể sớm thành ký ức. Tôi ngờ rằng, khi ấy, nhiều người sẽ thảng thốt nhận ra: Cái chỗ của những người cũ - nghề cũ ấy, sẽ là những khoảng trống mênh mông...

DÃ LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33766702-nghe-cu-ke-cho.html