Nghề giấy vùng Bưởi: Dùng in tiền, được đưa vào vũ trụ!

- "Tiếng chày giã dó trong sương. Tiếng ai xeo giấy để vương vấn lòng. Cho người chắp bút chép kinh. Đẹp vần thơ lại đẹp mình đẹp ta" - ca dao xưa đã ca ngợi cái vui, cái đẹp của làng nghề giấy vùng Bưởi là thế.

Công đoạn Từ 3 - 4h sáng, người làng giấy đã bắt đầu công việc của mình. Người ta bóc vỏ dó ra, đem ngâm nước lã một ngày, rồi lại ngâm trong nước vôi hai ngày, sau đó đem nhúng vào nước vôi đặc rồi xếp vào lò nấu theo kiểu chín bằng hơi, phía dưới có cái chảo gang, phía trên đậy lá, trát bùn cho kín lại. Đun lửa phía dưới cho bốc hơi lên chừng 10 - 12 tiếng thì dỡ con dó ra, lúc chín rồi thì gọi con dó này là con bìa. Lại cho xuống vôi, rồi đem xuống ao giũ sạch, dùng dao con tước vỏ đen bên ngoài, lấy nguyên ruột trắng bên trong. Rửa sạch cho hết vôi, ngâm vào nước ao cho nó thôi ra chừng hai hôm mới chọn bìa. Những mấu còn sót lại thì bỏ đi lấy phần bìa trắng mang đi rửa sạch cho vào cối giã bằng chày nặng và giã bằng chân. Sau này thời kỳ có hợp tác xã giấy mới cải tiến xay bằng điện và bằng máy nghiền. Cứ một cối bìa thì giã trong chừng 2, 3 tiếng, được một cối mịn như bột. Đem đãi bìa bằng cách cho vào một cái rá to đường kính 1,2m cho xuống ao dùng tay đãi sạch rồi đem xeo thành giấy. Tức là đem bột dó đã đãi vào bể (tàu xeo) múc nước đổ vào cái tàu chừng 3 khối nước. Tàu dài chừng 2,5 x 1,2m sâu chừng 60cm. Hai thanh niên khỏe mạnh đứng hai bên dùng gậy đánh tan ra, cho thêm nhựa cây gỗ mò để chống dính. Cứ thế xeo thành từng tờ. Xeo mất cả một ngày mới xong thì lại mang đi ép cho hết nước. Xeo xong gọi là mớ uốn (giấy ướt gọi là uốn, mớ là từng xấp). Một ngày có khi chỉ được chừng 1.000 tờ giấy. Ép khô bằng cây uốn có trụ là cây gỗ đục lỗ ở phần thân cho cần bằng gỗ xoan đào đeo đá bên đầu để nén lên mớ uốn cho ráo nước. Khô rồi lại bóc từng tờ. Bóc xong dán vào lò gọi là can. Lò xây bằng tường gạch trát nhẵn trong đốt củi hay than cho nóng. Phết giấy vào đó khô rồi lại lột từng tờ xếp thành bó đem tiêu thụ. Công đoạn chung là như vậy, còn giấy tốt phụ thuộc vào nguyên liệu. Dó tốt và dùng hoàn toàn dó thì ra giấy tốt gọi là giấy dó lụa. Tự hào Một thời gian, toàn bộ giấy vùng Bưởi phục vụ cho kháng chiến. Cho thêm chất không thấm nước để làm giấy pơ luya, giấy đánh máy... Tất cả dân vùng Bưởi đi theo kháng chiến. Các nhà máy giấy ở các vùng Phú Thọ, Việt Trì, Thái Nguyên đều có bàn tay người thợ giấy vùng Bưởi xây dựng đầu tiên. Giấy phục vụ bình dân học vụ được bà con làng giấy Bưởi cho thêm phèn chua để giấy dầy lên mà không thấm nước. Giấy vùng Bưởi lại pha thêm bột giang để làm giấy in tiền tài chính lưu hành trong thời kháng chiến. Hòa bình lập lại, bà con đi tản cư lại quay về làng khôi phục nghề giấy tại vùng Bưởi, thành lập hợp tác xã Cộng Lực (làng Yên Thái và An Thọ), HTX Đông Thành (làng Hồ Khẩu), HTX Đông Hòa (làng Đông Xã), HTX Dân Chủ (làng Yên Hòa, Cầu Giấy). Người dân Bưởi còn rất tự hào là năm 1970, giấy vùng này được chọn để in di chúc, điếu văn của Bác... Hợp tác xã giấy vùng Bưởi được thành lập trong khoảng thời gian 1958 - 1990, trong đó sản xuất phục vụ cả xuất khẩu. Từ năm 1990, nhu cầu về giấy không còn nữa, cộng với sự hoạt động mạnh của các nhà máy giấy, các hợp tác xã giấy bị giải thể nên nghề giấy cũng mai một theo năm tháng. Việt Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201005/Nghe-giay-vung-Buoi-Dung-in-tien-duoc-dua-vao-vu-tru-1755105/