Nghề "lồng son" Phố núi

Ngoài việc luyện tập, chăm sóc cho những chú chim quý của mình thì người chơi sẵn sàng bỏ số tiền lớn để lựa chọn những chiếc lồng đáp ứng các tiêu chí sang, bền, đẹp, hoa văn tinh vi... với giá “ngất ngưởng”.

Tại Gia Lai hàng năm có đến hàng trăm cuộc thi chim chào mào, từ cấp xã, huyện cho đến cấp tỉnh, rồi liên tỉnh; có cuộc thi quy tụ hơn 800 lồng chim từ các tỉnh trong khu vực về dự thi. Ngoài việc đưa chim quý đi tranh tài thì đây cũng là dịp để người chơi khẳng định “đẳng cấp” của mình bằng những chiếc lồng đẹp, với quan niệm giản đơn: “Chim quý phải ở lồng son”.

Nghề “du nhập” theo thị trường

Những chiếc lồng sắt với giá bình dân vài chục ngàn đồng dần được thay thế bằng lồng tre, lồng gỗ giá vài trăm ngàn đồng, rồi đến lồng gỗ cao cấp hàng chục triệu đồng. Ở Gia Lai, những chiếc lồng gỗ có giá từ vài triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng thì không thiếu.

(Ảnh: M.T)

Vừa tậu được chú chim chào mào với giá hơn 40 triệu đồng, anh Bạch Kim Cương (số 80 Trần Quý Cáp, TP.Pleiku) đã đặt thợ làm ngay một “ngôi nhà” bằng gỗ trắc dây với giá hơn 10 triệu đồng cho chú chim xinh xắn của mình. Với anh, chiếc lồng đẹp được làm bằng chất liệu gỗ quý không những nâng giá trị cho chú chim mà còn đưa người chơi lên một đẳng cấp cao hơn.

Chính vì vậy, mặc dù mới “du nhập” vào Gia Lai trong những năm gần đây nhưng nghề làm lồng chim đang rất phát triển. Anh Phan Văn Thành (thôn 6, xã Trà Đa, TP.Pleiku) chia sẻ: Hai năm trước, anh vốn làm nghề cơ điện, không biết gì đến nghề mộc. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường lồng chim đầy tiềm năng, người chơi bắt đầu tìm đến chiếc lồng gỗ sang trọng và cầu kỳ, thế là anh bỏ công mày mò, lặn lội khắp nơi để học nghề mộc. Sau hơn 1 tháng xoay xở khá vất vả, chiếc lồng gỗ đầu tiên của anh cũng hoàn thành. “Trăm hay không bằng tay quen”, giờ đây anh đã khẳng định được “thương hiệu” của mình, nhận đặt làm lồng chim theo mọi yêu cầu của khách hàng.

Để làm được một chiếc lồng đẹp, người thợ mất đến hàng tháng trời. (Ảnh: M.T)

Theo anh Thành, nghề làm lồng chim thoạt nhìn thì rất đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy sự công phu. Ngoài những công đoạn chính như vót nan, làm đáy lồng, vành, cửa cầu, ráp lồng, trang trí hoa văn thì còn có nhiều công đoạn nhỏ khác đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, sự nhẫn nại, tỉ mẩn của người thợ. Ngoài những chiếc lồng với chất liệu gỗ quý như trắc, cẩm, hương, huỳnh đàn trắng…, khách hàng còn yêu cầu cao về tính mỹ thuật, hoa văn tinh xảo. Do vậy, để làm được một chiếc lồng đẹp mất đến hàng tháng trời.

Còn với anh Vũ Đình Định-chủ cơ sở sản xuất lồng chim Vũ Nguyễn (xã Trà Đa, TP.Pleiku) thì nghề làm lồng chim đến với anh một cách rất tình cờ. Trong một lần đưa vợ con từ Đồng Nai lên Gia Lai thăm cậu, bất ngờ con anh ngã bệnh phải nhập viện điều trị dài ngày. Thấy phong trào nuôi chim ở đây nở rộ, nhân lúc rảnh rỗi, sẵn nghề mộc trong tay anh làm vài chiếc lồng chim rồi đem đến ký gửi ở một số nơi trên địa bàn TP.Pleiku. Ban đầu, anh chỉ nghĩ là làm cho vui, không hy vọng gì nhiều. Thế nhưng, bất ngờ lại đến, sản phẩm bán được, thị trường ổn định đã khiến anh gắn bó với nghề làm lồng với mảnh đất Tây Nguyên này đã hơn 4 năm nay.

Trăn trở với nghề

Tuy có một thị trường khá sôi động, đặc biệt là nhu cầu về lồng gỗ cao cấp phục vụ thú chơi chim, nhưng như anh Phan Văn Thành chia sẻ thì việc làm lồng gỗ loại này lại có cái khó ở chỗ lồng gỗ tròn phải cần đến sự phụ trợ của máy móc ở khâu ép khung làm lộng, làm nan gỗ, chạm trổ hoa văn. “Hiện tại, tôi chỉ nhận làm kiểu lồng vuông cho khách. Nếu người chơi có nhu cầu đặt lồng gỗ tròn, họa tiết phức tạp thì tôi phải đặt hàng từ Huế hay Hà Nội chứ ở Gia Lai cũng chưa thấy ai làm loại lồng này”-anh Thành khẳng định.

Còn với anh Định, dù nhận thấy thị trường lồng gỗ cao cấp rất tiềm năng, lợi nhuận thu về cũng rất cao nhưng hiện tại cơ sở sản xuất của anh chỉ dừng lại ở việc làm lồng “chợ” với giá bình dân từ 250.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chiếc. Thỉnh thoảng, gặp khách hàng thân thiết lắm anh mới nhận làm lồng gỗ vuông với giá vài triệu đồng/chiếc. Bởi lẽ, lồng gỗ cao cấp đòi hỏi bàn tay khéo léo của những người thợ mộc lành nghề với độ chính xác và tỉ mỉ cao, đồng thời cũng rất kỳ công nên tốn nhiều thời gian; sản phẩm làm ra buộc ký gửi cho người khác bán nên người thợ phải bỏ ra số vốn ban đầu rất lớn.

Tuy vậy, đó chưa phải là điều mà anh Đinh quan tâm, quan trọng hơn cơ sở sản xuất lồng chim của anh đang tạo ra việc làm ổn định cho 2 người thợ khuyết tật với thu nhập mỗi ngày từ 140.000 đồng đến 160.000 đồng. Có thời điểm số lượng hàng lớn cơ sở anh nhận 6-7 người khuyết tật, người già yếu làm những công việc nhẹ như xỏ nan, ráp lồng. “Nếu giờ chuyển sang lồng gỗ cao cấp thì chỉ mỗi mình làm được, những người thợ này buộc phải nghỉ”-anh Định chia sẻ thêm.

Ngoài việc đưa chim quý đi tranh tài thì đây cũng là dịp để người chơi khẳng định “đẳng cấp” của mình bằng những chiếc lồng đẹp. (Ảnh: M.T)

Chính vì vậy, hơn 4 năm nay, cơ sở của anh chủ yếu làm lồng “chợ” để bán, vừa nhanh xoay vòng vốn, vừa kịp thời trả lương cho nhân công. Đặc biệt, tận dụng nguồn gỗ vụn thải ra từ các xưởng mộc, anh mua lại với giá rẻ, chủ yếu đổi công làm lời. Những thanh gỗ vụn tưởng chừng bỏ đi hoặc chỉ làm củi, nhưng qua đôi tay điêu luyện của anh Định, đã trở thành các vanh lồng thanh mảnh, ngay ngắn. Công đoạn này cần có sự chính xác cao, chỉ cần lơ là một chút là đứt tay, hoặc thanh gỗ bị sốc là gãy ngay vì rất mảnh. Những chiếc lồng đủ hình dạng, kích cỡ, từ lồng tre tròn, lồng gỗ vuông, hình tháp, vòm, lục lăng… từ đó được hoàn thành. Mỗi tháng cơ sở anh sản xuất từ 300 đến 400 lồng chim bán đi khắp nơi, mức giá dao động từ 250 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/chiếc.

Gắn bó với nghề làm lồng chim được gần 4 năm nay, anh Nguyễn Văn Nghĩa (2 chân bị tật phải ngồi xe lăn) được sự chỉ dẫn tận tình của anh Định, đã có thể tự mình làm được những lồng gỗ đơn giản, thu nhập mỗi tuần gần 1 triệu đồng. “Trước tôi cứ nghĩ cuộc đời mình đã bỏ đi, giờ chẳng những tôi có nguồn thu nhập ổn định mà còn trang bị cho mình được cái nghề”-anh Nghĩa nói.

Cứ nghĩ là đơn giản, nhưng nghề làm lồng chim-ngoài việc cho thu nhập, còn là một thú chơi thanh tao. Chính những đôi tay khéo léo cùng với sự cần mẫn của những người thợ này đã tô điểm cho Phố núi Pleiku có thêm những nét độc đáo riêng, sinh động và hấp dẫn hơn...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/que-nha/nghe-long-son-pho-nui-664151.html