Nghệ nhân áo dài Lan Hương: Thời trang cũng cần có văn hóa!

“Hôm nay làm ra một sản phẩm lấy cảm hứng từ biểu tương mẹ Âu Cơ. Ngày mai chọn Bà Trưng, Bà Triệu. Ngày kia lại chọn một nhân vật hay biểu tượng khác. Rồi thiết kế nào lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc cũng gọi là quốc phục hết, thì thử hỏi Việt Nam sẽ có bao nhiêu quốc phục. Tôi mong các bạn trẻ, có thời trang, phá cách đến đâu cũng cần có văn hóa, tôn trọng truyền thống dân tộc” - nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài Lan Hương chia sẻ về câu chuyện hai chữ "quốc phục" đang bị lạm dụng quá nhiều trong thời gian vừa qua.

Nguyễn Thị Loan tại phần thi trang phục dân tộc ‘Hoa hậu Hòa bình Thế giới’ 2016.

Gần đây có ý kiến cho rằng, không nên gọi bộ “Sen vàng Việt Nam” của người mẫu Khả Trang và các trang phục lấy cảm hứng từ văn hóa Việt để các cô gái tham dự đấu trường nhan sắc quốc tế… là quốc phục. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?

- Theo tôi thì gọi là gì cũng được, nhưng không thể gọi là quốc phục. Bởi từ quốc phục là những gì thiêng liêng, nó chứa đựng cả bản ngã văn hóa rất sâu và dày. Mỗi nhà thiết kế đều có ý đồ riêng của họ, khi ra thế giới thì càng cần tạo ấn tượng và chú ý đến mình. Trong cuộc thi ban giám khảo chỉ đánh giá những gì là khác biệt, theo cảm quan, thì đương nhiên các nhà thiết kế, thí sinh đều nhìn đến điều này và đi theo hướng đó. Các nhà thiết kế cứ sáng tạo, cứ cách tân, nhưng đừng gọi nó quốc phục là được. Nó sẽ phù hợp hơn nếu gọi là trang phục ấn tượng.

Tôi cũng không hiểu vì sao bây giờ từ quốc phục lại xuất hiện nhiều thế. Trang phục của bất kỳ cô gái Việt Nam nào đại diện thi hoa hậu quốc tế đều thấy gọi là quốc phục. Không biết do nhà thiết kế tự đặt cho sản phẩm của mình, hay lý do gì. Nhưng không thể đánh đồng khái niệm quốc phục và thời trang được, khập khiễng lắm.

Bà nghĩ sao về quan điểm “trang phục càng cách tân, cầu kỳ thì càng có cơ hội đoạt giải ở một cuộc thi nhan sắc quốc tế”?

- Cảm nhận của người dân trong nước và góc nhìn của thế giới về văn hóa của người Việt mình khác nhau. Mỗi cuộc thi cũng có tiêu chí, ban giám khảo riêng và những người ở ban giám khảo cũng chỉ đại diện cho số ít người chấm thi mà thôi. Họ cũng không phải là những nhà nghiên cứu, thiết kế, học thuật gì về thời trang, nhất là đánh giá về trang phục truyền thống.

Trong trường hợp của Khả Trang, sự cố rất đáng tiếc đã xảy ra là bạn ấy bị ngã, vì trang phục quá nặng, quá rườm rà. Đó là sự trả lời cho tất cả sự sáng tạo của các bạn. Các bạn đã mạo hiểm. Sự sáng tạo của các bạn đã vượt tầm cho phép trong cái gọi là giá trị truyền thống. Đó là lời nhắc nhở cho các thí sinh sau này nữa, chứ không riêng gì Khả Trang.

20 năm làm trong lĩnh vực thời trang, bà đã bao giờ ở vào hoàn cảnh: Nghệ nhân, nhà thiết kế biết thế nào là đẹp, là truyền thống, nhưng các cô gái đi thi nhan sắc quốc tế - khách hàng của bà - lại thích cách tân?

- Không bao giờ tôi làm theo bất cứ yêu cầu nào của khách. Bởi tôi không thương mại hóa câu chuyện thiết kế, mọi người yêu thích thì tìm đến, sử dụng. Tôi nghĩ các nhà thiết kế trẻ đừng chỉ đóng vai trò là người tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của khách, mà phải biết định hướng, dẫn dắt, đưa ra xu hướng cho khách hàng. Và quan trọng nhất là cần tôn trọng văn hóa.

Nhưng cứ đi theo truyền thống, như bao năm vẫn mang áo dài ra đấu trường nhan sắc quốc tế chẳng hạn, thì có sợ bị nhàm không?

- Tôi nghĩ áo dài không bao giờ bị nhàm cả, nó rất đẹp. Dù chưa chính thức được chọn là quốc phục của Việt Nam, nhưng bao năm nay nó đã nằm trong tiềm thức của mỗi người dân. Trong dịp lễ, ngày trọng đại, áo dài đều được sử dụng. Tôi nghĩ chúng ta hãy chọn ra một con đường đúng để đi.

Đi thi nước ngoài cũng là một kênh quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, nên các thí sinh hãy mang những gì tinh túy nhất, đẹp nhất của văn hóa Việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Cái khó nhất của trang phục truyền thống là nó chỉ là như thế thôi, bao đời nay vẫn thế. Chúng ta ngoài việc làm mới thì rất cần phát huy giá trị của nó. Đó là thử thách rất lớn cho những nhà thiết kế có tâm với nghề, với lịch sử.

Nếu được chọn một trang phục làm quốc phục Việt Nam, bà sẽ chọn…?

- Tôi nghĩ không gì phù hợp bằng áo dài. Những dịp lễ lạt quan trọng, trang phục này vẫn thể hiện nét đẹp riêng. Câu chuyện lúng túng ở đây là, mẫu áo dài như thế nào thì phù hợp, truyền thống hay hiện đại. Vì mỗi người một ý nên gần hai chục năm nay, chúng ta vẫn chưa tìm được trang phục chọn làm quốc phục.

Cũng có một thực tế, ngày càng xuất hiện những mẫu áo dài cách tân đến vô lối, từ xẻ ngực, xẻ eo đến dát vàng, đính kim cương… chỉ để khoa trương hơn là mang sự tinh tế của áo dài. Muốn khắc phục được “thảm họa áo dài”, nhà thiết kế phải thực sự xem việc thiết kế áo dài là sáng tạo nghệ thuật và trân trọng những giá trị truyền thống.

Bích Hà thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nghe-nhan-ao-dai-lan-huong-thoi-trang-cung-can-co-van-hoa-626107.bld