Nghệ thuật công cộng với vai trò hình thành không gian văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nghệ thuật công cộng góp phần tạo nên diện mạo các đô thị trên thế giới, hình thành các không gian thẩm mỹ nơi chúng hiện hữu. Với khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào các loại hình nghệ thuật công cộng, mà chỉ đề cập đến mảng điêu khắc ngoài trời có liên quan đến việc hình thành không gian văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tượng đài Hồ Chí Minh tại Quảng trường - Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Thanh Nam)

Tượng đài Hồ Chí Minh tại Quảng trường - Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Thanh Nam)

NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHÔNG GIAN NGOÀI TRỜI

Nghệ thuật công cộng(Public Art)là một khái niệm mở, có tính bao hàm để chỉ các loại hình nghệ thuật được cài đặt, bố trí trong các không gian công cộng. Nghệ thuật công cộng thường phô diễn và phát huy giá trị nơi không gian ngoài trời. Có nhiều loại hình nghệ thuật nằm trong nhóm nghệ thuật công cộng như: Nghệ thuật sắp đặt (Installation); Nghệ thuật địa hình (Land art); Nghệ thuật điêu khắc ngoài trời (Outdoor Sculpture); Điêu khắc hoành tráng (Monumental Sculpture), Hội họa hoành tráng (Monumental Painting); Nghệ thuật vẽ tranh tường (Graffiti); Nghệ thuật thiết kế đồ họa - quảng cáo (Graphic Design Art - Advertising); Nghệ thuật chiếu sáng (Light-ing Art); Thiết kế trang trí nội - ngoại thất (Decoration design interior and exterior); Nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan, môi trường (Architectural Art and Landscape); Nghệ thuật thị giác (Visual Art); Nghệ thuật môi trường (EnvironmentArt); Nghệ thuật biểu diễn (Performing Arts)...

Nghệ thuật công cộng có ý nghĩa trong thế giới nghệ thuật vì nó có sự cộng tác của cộng đồng. Khi đề cập đến nghệ thuật công cộng thì vị trí lắp đặt của tác phẩm trong không gian công cộng đóng vai trò rất quan trọng, nó có thể có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, mang tính độc đáo, làm sinh động không gian bằng cách tạo ra một môi trường kích thích thị giác. Như vậy, nghệ thuật công cộng có hình thái, phương thức thể hiện khá phong phú, đa dạng bởi nó có thể trở thành một hợp thể nghệ thuật tạo hình, tương tác đan xen và hợp thành từ nhiều loại hình khác nhau, thậm chí không còn giữ nguyên dạng đúng như đặc điểm, tính chất đặc trưng riêng như ban đầu vốn có. Theo đó, nghệ thuật công cộng có thể dung nạp, tổng hợp, tương tác, hòa quyện, đan xen nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Trên thế giới, nghệ thuật công cộng được chú trọng và đưa vào quy hoạch tổng thể trong định hướng xây dựng và phát triển đô thị. Những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời là những điểm nhấn trong các trung tâm thành phố, các không gian cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, giải trí tinh thần của con người như công viên, quảng trường, tiểu đảo giao thông, các con đường dành cho người đi bộ hay các công viên đặc biệt được chú trọng. Nghệ thuật công cộng thể hiện trình độ văn hóa thẩm mỹ của cư dân thành phố, cách ứng xử với môi trường và khộng gian sống. Đây cũng là xu hướng chung của các đô thị hiện đại và phát triển bền vững.

Suy cho cùng, các loại hình nghệ thuật công cộng vô cùng đa dạng và phong phú, cũng như những hình thức mới của loại hình này không ngừng nở rộ. Bởi lẽ bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, tìm tòi, phù hợp với quy luật phát triển chung của nhân loại trong xu hướng toàn cầu hóa.

Với khuôn khổ bài viết này, người viết không có tham vọng đi sâu vào các loại hình nghệ thuật công cộng, mà chỉ đề cập đến mảng điêu khắc ngoài trời có liên quan đến việc hình thành không gian văn hóa.

Nghệ thuật điêu khắc công cộng ở nước ta đã khẳng định được nhiều vai trò và chức năng như: góp phần hồi sinh đô thị, kích thích phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư vào khu vực. Các lợi ích xã hội mang lại như: niềm tự hào và trách nhiệm công dân; mở rộng giao tiếp xã hội; ý thức về không gian cộng đồng và bản sắc địa phương; tăng cường các lợi ích công cộng cho cư dân trên địa bàn...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những loại hình nghệ thuật công cộng phổ biến nhất là mảng điêu khắc ngoài trời. Chúng xuất hiện và phát triển song hành cùng lịch sử đô thị từ Sài Gòn - Gia Định đến Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ riêng loại hình điêu khắc này cũng đã có rất nhiều thể loại rất phong phú và đa dạng, tùy thuộc vào chức năng và mối quan hệ với môi trường, không gian hoặc công trình kiến trúc cụ thể mà chúng gắn kết. Điêu khắc trang trí công cộng (Public sculpture) thường được đặt ở các công viên, các không gian cộng đồng, quảng trường, tiểu đảo giao thông, các con đường dành cho người đi bộ; Điêu khắc trang trí kiến trúc (Decorative architecture sculpture) gắn với các mặt tiền, hệ mái, không gian bên trong của các công trình kiến trúc; Điêu khắc trang trí đường phố là một phần của nghệ thuật đường phố (Street art); các Bảo tàng điêu khắc ngoài trời (Open - air sculpture museum); Điêu khắc môi trường (Enviromental sculpture) góp phần kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng.

Ngoài ra, một mảng quan trọng của nghệ thuật điêu khắc công cộng trong việc hình thành điểm nhấn, chi phối đời sống tinh thần của người dân Thành phố là Điêu khắc hoành tráng (Monumental sculpture). Đó là những công trình điêu khắc ngoài trời bao gồm: tượng tròn, phù điêu và khối biểu tượng điêu khắc. Điêu khắc Hoành tráng nhằm tôn vinh những nhân vật ưu tú, những sự kiện lịch sử... tạo các điểm nhấn ở các quảng trường, không gian cộng đồng và là bài học lịch sử bằng ngôn ngữ điêu khắc.

Nghệ thuật điêu khắc ngoài trời trong không gian cộng đồng có vai trò quan trọng trong môi trường sống của xã hội hiện đại. Trong quy hoạch đô thị cần nhiều hơn nữa những khoảng không gian cộng đồng, trong đó có không thể thiếu điêu khắc trang trí, nó làm đẹp cho bộ mặt Thành phố và góp phần phục vụ đời sống tinh thần của quảng đại quần chúng nhân dân.

KHÔNG GIAN VĂN HÓA VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT

Khi đề cập đến không gian văn hóa là nói đến một không gian được xác định trên một khu vực địa lý cụ thể. Do đó, không gian văn hóa phải gắn kết với lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội… của cộng đồng dân cư sinh sống trên mảnh đất ấy. Ví dụ, nói đến nền văn hóa lúa nước là nói đến cộng đồng dân cư sinh sống trên một vùng đất cụ thể, với những đặc điểm riêng về khí hậu, địa lý, tập quán sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng… gắn với lúa nước. Không gian văn hóa Huế không chỉ giới hạn trong phạm vi thành phố Huế mà còn phải bàn đến các địa phương lân cận có chung tập tục, tôn giáo, thói quen, phương ngữ, ẩm thực... Hay nói đến văn hóa cồng chiêng người ta hiểu và nghĩ ngay đến vùng đất Tây Nguyên có các tộc người sử dụng loại nhạc khí này trong các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng... Như vậy, mọi không gian văn hóa phải được gắn với lãnh thổ về mặt địa giới hành chính cụ thể, với những đặc điểm riêng thể hiện trong mọi mặt về lao động, sinh hoạt, vui chơi, giải trí… của cộng đồng dân cư cụ thể nào đó. Với những biểu hiện về vật chất cũng như tinh thần của người dân có tính đặc thù, khu biệt, được phản ánh trong mọi mặt của đời sống.

Trong không gian văn hóa truyền thống Việt, các đình, chùa, miếu… là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của làng, xã. Nghệ thuật điêu khắc công cộng góp phần hình thành nên những không gian văn hóa đó. Trong nghệ thuật tạo hình của người Việt xưa, hình tượng tứ linh, hoa lá là những đề tài được sử dụng rất phổ biến. Người dân Việt sống tập trung chủ yếu ở khắp làng mạc, làm công việc trồng trọt nên họ sống hòa đồng với thiên nhiên, cây cỏ. Cây tượng trưng cho sự sống, đem lại cho người sự no ấm và niềm hạnh phúc. Rồng biểu tượng cho ước vọng cầu mưa để cây cối đâm chồi, nảy lộc... Chính vì thế con người sống hòa đồng với thiên nhiên. Điều này phản ánh tư tưởng Á Đông, đó là “Thiên nhân tương dữ” (thiên nhiên và con người liên quan đến nhau). Sẽ ra sao khi bóc tách những mảng điêu khắc trang trí ra khỏi các công trình trên, chúng chỉ còn những hình khối vô cảm của vật liệu xây dựng. Ông cha ta đã biết khai thác thế mạnh của loại hình nghệ thuật này, để nâng những giá trị tinh thần cho kiến trúc, trong đó có giá trị thẩm mỹ. Nghệ thuật điêu khắc trang trí đình, chùa đóng vai trò như “những bảo tàng điêu khắc của làng” thu hút người nông dân đến vãn cảnh, tìm sự thanh thản cho tâm hồn sau những ngày lao động mệt nhọc. Đó cũng là nơi lưu giữ giá trị văn hóa từ xa xưa của tiền nhân, và cũng là nơi nhân dân gửi gắm những khát vọng về một sống bình yên và no đủ. Điêu khắc trang trí hòa quyện với kiến trúc thành một hợp thể nghệ thuật tạo hình, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ cho cộng đồng dân cư.

Trong bước đi của kiến trúc Việt truyền thống, điêu khắc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng không gian lễ hội tạo nên cái nền cho những hoạt động tinh thần như múa, hát và lễ nghi... Điêu khắc trang trí xuất hiện trong các cấu kiện kiến trúc, các mảng chạm khắc ở nội, ngoại diện công trình và trên hệ mái kiến trúc. Đình, chùa, miếu... với giá trị tự thân, chúng trở thành các không gian văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động lễ, hội, sinh hoạt tâm linh của người Việt. Do đó, trong mỹ thuật truyền thống Việt, điêu khắc đã góp phần tạo dựng nên những không gian văn hóa.

Có thể nói rằng, nghệ thuật điêu khắc trang trí tại các công trình kiến trúc công cộng tạo nên những giá trị văn hóa, thẩm mỹ và tinh thần. Hòa quyện với kiến trúc truyền thống, nghệ thuật điêu khắc ở đình, chùa, miếu với những giá trị tự thân trở thành những di sản vật thể tạo dựng nên những không gian cho các lễ hội với các hình thức nghệ thuật diễn xướng như: ca trù, hát quan họ, hát chèo... là những di sản phi vật thể lan tỏa những giá trị văn hóa.

ĐIÊU KHẮC NGOÀI TRỜI VỚI KHÔNG GIAN VĂN HÓA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lịch sử phát triển của văn minh nhân loại luôn đồng hành cùng sự hình thành các đô thị. Môi trường đô thị chính là môi trường nhân tạo trong đó không gian công cộng và không gian văn hóa cộng đồng luôn được chú trọng trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng. Cụ thể là: không gian công ích là nơi chốn mà tất cả mọi người (cả cư dân đô thị lẫn du khách) đều có thể đến và sử dụng như quảng trường, khu chức năng hành chính…, không gian đi bộ; không gian văn hóa; không gian nghệ thuật; không gian ẩm thực; không gian dành cho thanh, thiếu nhi… nhằm đáp ứng như cầu mọi mặt của cư dân đô thị.

Trong không gian đô thị, nghệ thuật công cộng góp phần tạo nên diện mạo cho cảnh quan đô thị; tạo điểm đến và trở thành những biểu tượng đem lại sự độc đáo, khác biệt cho các đô thị và hình thành mỹ quan đô thị đặc thù.

Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, từ khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) đặt ra phủ Gia Định, đến khi chính thức lập thành phố Sài Gòn (15/6/1865) và ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh (7/1976), với bề dày lịch sử hơn 300 năm nhiều biến động và thăng trầm, với đặc trưng của vùng đất có nhiều lợi thế về mặt địa lý, khí hậu và môi sinh… Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và trở thành một trong những trung tâm kinh tế, khoa học, văn hóa... lớn của cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị năng động và đang trên đà phát triển. Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc, được bổ sung thêm ở giai đoạn trước năm 1975 và ngày nay nhiều tòa nhà, quảng trường, công viên… vẫn đang tiếp tục xuất hiện, cho thấy một diện mạo của một thành phố đa phong cách, đa văn hóa trong kiến trúc, quy hoạch.

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (tác phẩm của Nhà điêu khắc Phạm Thông, năm 1967).

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (tác phẩm của Nhà điêu khắc Phạm Thông, năm 1967).

Nghệ thuật điêu khắc công cộng góp phần tạo nên diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành nên những không gian thẩm mỹ với những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, các không gian văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có những nét tương đồng với các thành phố khác trong cả nước. Trước hết, đó là sự kế thừa những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam trong suốt 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những giá trị quý báu được đúc kết từ ngàn xưa vẫn được bồi đắp trong tiến trình phát triển của đất nước ta, được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, các không gian văn hóa là nơi thể hiện các giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng đáp ứng những nhu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các không gian văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ gắn kết với cuộc sống lao động và nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần của cư dân đô thị, mà còn là nơi phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó của mọi tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng... của mọi công dân Việt Nam.

Điêu khắc trang trí ngoài trời chi phối những khoảng không gian nhất định, tạo những điểm nhấn trong Thành phố, có tác động lớn đến nhận thức, tư duy và tình cảm của quần chúng nhân dân. Trước đây, tại công viên Tao Đàn thường là nơi thường xảy ra các tệ nạn xã hội. Chính quyền thành phố đã chỉ đạo, nâng cấp công viên thành một không gian văn hóa với sự góp mặt của các tác phẩm điêu khắc. Năm 2005, một trại sáng tác điêu khắc đã được tổ chức, quy tụ các nhà điêu khắc khắp ba miền trong cả nước, sáng tạo nên một vườn tượng sinh động, phong phú về hình tượng nghệ thuật. Các tác phẩm điêu khắc được trưng bày dọc theo những lối đi bộ, rất gần gũi với công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật. Nơi đây đã trở thành một điểm đến thú vị của cư dân thành phố và khách du lịch. Như vậy, xây dựng không gian văn hóa trước hết là nhằm mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Những công viên, bờ kênh, đường bộ... ngoài sự râm mát của cây xanh, hồ nước, bồn hoa… thì điêu khắc trang trí cũng góp phần tạo nên những mỹ cảm đẹp cho người thưởng ngoạn. Điêu khắc trang trí ngoài trời góp phần tạo nên những không gian thẩm mỹ, làm đẹp cho khuôn mặt thành phố và nâng cao chất lượng sống của người dân. Tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo từ đôi bàn tay, khối óc và nhất là từ cảm xúc thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Thông qua tác phẩm nghệ thuật, quần chúng thưởng ngoạn có thể tương tác, đón nhận những thăng hoa cảm xúc thẩm mỹ, thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm.

Không thể phủ nhận vai trò của điêu khắc ngoài trời trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị. Chúng tạo nên các điểm nhấn về cảnh quan; hình thành những không gian văn hóa của Thành phố; xây dựng hình thành đặc thù cho đô thị; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thành phố.

Với những hiệu quả mà điêu khắc ngoài trời mang lại trong việc xây dựng các không gian văn hóa, Thành ủy và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng đẩy nhanh chương trình nghiên cứu định hướng phát triển tượng đài và tượng trang trí ngoài trời. Với một thành phố năng động, việc đưa điêu khắc vào không gian cộng đồng là nhu cầu tất yếu của một đô thị hiện đại. Quảng trường - Phố đi bộ Nguyễn Huệ được khánh thành ngày 29/4/2015 trở thành một điểm đến văn hóa cho du khách cả nước và quốc tế. Tâm điểm của quảng trường là tượng đài Hồ Chí Minh trước UBND Thành phố. Đây là tác phẩm điêu khắc hoành tráng của Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới. Bằng ngôn ngữ hình khối trong không gian ba chiều, điêu khắc hoành tráng chiếm lĩnh không gian, gây ấn tượng thị giác ngay cả khi quan sát từ xa. Phía trước tượng đài Bác Hồ là khoảng không gian hành lễ - nơi diễn ra các hoạt động tưởng niệm, dâng hoa và những hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Đây chính là không gian văn hóa diễn ra các sự kiện trọng đại của Thành phố, được sân khấu hóa và có sức hút đông đảo nhân dân đến tham dự, tương tác. Khu vục hành lễ có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân học tập và noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dọc theo quảng trường là các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật được bài trí thu hút du khác đến thưởng lãm và chụp hình lưu niệm. Quảng trường - Phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành một địa chỉ văn hóa, có tính biểu tượng gắn với hình ảnh, văn hóa, lịch sử của một thành phố. Không chỉ có vậy, không gian xung quanh tượng đài còn trở thành địa điểm diễn ra các hoạt động cộng đồng, từ vui chơi giải trí của người dân đến các hoạt động nghi thức, nghi lễ, sự kiện có ý nghĩa của Thành phố. Theo Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, “Trong nhịp sống đô thị hiện đại, các tác phẩm điêu khắc đương đại ở không gian công cộng đóng vai trò xoa dịu căng thẳng tinh thần của con người, chính vì thế sự hiện diện của các tác phẩm điêu khắc đương đại ngày càng thể hiện tính nhân văn”.

Một tác phẩm điêu khắc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Thanh Nam)

Một tác phẩm điêu khắc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trần Thanh Nam)

Tuy nhiên, ngoài những đóng góp cho việc hình thành các không gian văn hóa tại thành phố Hồ Chí Minh của điêu khắc ngoài trời, vẫn còn nhiều bất cập về khâu tổ chức, quy hoạch và triển khai khi đưa điêu khắc vào các không gian đô thị. Như trường hợp các tác phẩm điêu khắc tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2015, tại Khu di tích Lịch sử văn hóa dân tộc quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức). Kết thúc đợt sáng tác, 50 tác phẩm điêu khắc không có chỗ trưng bày, thiếu quy hoạch vị trí đặt tác phẩm, nên phần lớn không được quan tâm bảo quản; các tác phẩm xuống cấp, gãy đổ gây lãng phí tiền ngân sách của Thành phố.

Một số tượng đài xây dựng trước giải phóng về các anh hùng dân tộc bằng chất liệu bê tông đã bị phong hóa, gỉ sét, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào (như trường hợp tượng Trần Nguyễn Hãn ở quảng trường Quách Thị Trang, phía trước chợ Bến Thành). Nhìn chung, chất lượng nghệ thuật và ngôn ngữ tạo hình của các tượng đài cũ này không cao và không phù hợp với thời đại ngày nay.

Nhiều công viên trong thành phố, dọc kênh Nhiêu Lộc tuy được đầu tư về cây xanh, cảnh quan nhưng vẫn thiếu vắng những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Theo một số nhà nghiên cứu, không gian công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được quy hoạch, quản lý và phát triển đúng tầm tương xứng với tốc độ đô thị hóa và tầm nhìn trong chiến lược phát triển Thành phố; chưa có sự kết nối, liên thông, thật sự đồng bộ...

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, GIẢI PHÁP

Một là, để thực hiện thành công việc xây dựng các không gian văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, phải cụ thể hóa hơn nữa những chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố bằng những văn bản hướng dẫn. Xác định vai trò của các sở, ban, ngành liên quan như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Văn hóa Thể thao, Sở xây dựng; các Hội nghề nghiệp như: Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật. Nhiệm vụ của các cơ quan liên quan phải được phân công cụ thể, rõ ràng, đúng chức năng. Tránh tình trạng chồng chéo, thiếu khoa học, dẫn đến hiệu quả kém.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa phải lấy yếu tố con người làm trọng tâm. Cần có nhiều hơn nữa những công trình nghiên cứu về phong tục, tập quán, tôn giáo dân tộc, vui chơi giải trí, sở thích… của cư dân Thành phố thì mới hiểu được nguyện vọng, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân. Từ đó, tổ chức thi tuyển các tác phẩm điêu khắc ngoài trời, chọn lựa các phương án có tính khả thi, bám sát yêu cầu đặt ra có tính thiết thực phù hợp với văn hóa, sinh hoạt đặc thù của Thành phố.

Ba là, trong việc quy hoạch các không gian văn hóa của Thành phố, ngoài việc mời chuyên gia tư vấn về các lĩnh vực: quy hoạch, cảnh quan, thiết kế đô thị..., cần có sự đóng góp ý kiến của các nghệ sĩ tạo hình, các nhà điêu khắc. Bởisự kết hợp hài hòa giữa Điêu khắc - Kiến trúc - Quy hoạch, dành vị trí xứng đáng cho điêu khắc ngoài trời sẽ góp phần phát triển, tô điểm cảnh quan đô thị có chất lượng hơn.

Bốn là, tổ chức các hội thảo khoa học với sự tham gia góp ý của các nhà khoa học về: văn hóa, lịch sử, dân tộc, tôn giáo, du lịch… để làm rõ những khái niệm đặc thù của từng không gian công cộng, làm cơ sở lý luận khi lập dự án và tham mưu cho lãnh đạo Thành phố; các nhà quản lý đô thị, quản lý văn hóa triển khai xây dựng các không gian văn hóa.

Năm là, cần có quy hoạch từng địa điểm cụ thể, phân tích các khu đất, các công trình kiến trúc lân cận, cùng những ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch, thương mại…; đặc điểm của cộng đồng dân cư, văn hóa, tập tục, tôn giáo... trước khi tiến hành xây dựng các không gian văn hóa.

* * *

Cùng vớinền kinh tế phát triển, khoa học kỹ thuật và văn hóa - xã hội đạt được những thành tựu đáng kể, Thành phố Hồ Chí Minh đang chú trọng, phát triển và xây dựng các không gian văn hóa, cảnh quan đô thị. Đây cũng là xu hướng phát triển và hội nhập của các nước và các đô thị văn minh trên thế giới.

Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng; tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế - tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao, là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Để thực sự là một thành phố năng động trong việc đón nhận những xu hướng mới, tiến bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật, trong nhiều yếu tố liên quan đến “bộ mặt” cảnh quan, không gian công cộng, thì vai trò của điêu khắc ngoài trời càng phải được xác định bài bản, rõ nét hơn trong việc kết hợp với quy hoạch, thiết kế đô thị làm tăng tính đặc thù và thẩm mỹ của Thành phố. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo nên những khoảng không gian cộng đồng phục vụ nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí…, cũng như những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng cuộc sống, trong đó có đời sống tinh thần, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững.../.

TS. TRẦN THANH NAM
Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/nghe-thuat-cong-cong-voi-vai-tro-hinh-thanh-khong-gian-van-hoa-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-154311