Nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong chiến tranh giải phóng

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng, nghệ thuật tác chiến chiến dịch (TCCD) đã hình thành và phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Từ thực tiễn hơn 100 chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nghệ thuật TCCD Việt Nam đã phát triển phong phú, tập trung ở nhiều nội dung cơ bản, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thắng lợi của các chiến dịch quan trọng đều gắn liền với nghệ thuật chọn hướng mở chiến dịch và ngược lại. Trên cơ sở điều kiện địa lý, so sánh lực lượng và những dự báo quá trình tác động qua lại về hoạt động quân sự giữa ta và địch, vùng rừng núi với địa hình hiểm trở luôn là địa bàn thuận lợi cho ta chọn để mở các chiến dịch tiến công, phản công quy mô lớn. Trong Chiến dịch Biên Giới (năm 1950), khi bộ đội ta phát triển chưa đủ mạnh, trang bị còn thô sơ, nên chọn vào nơi địch phòng ngự mỏng yếu, kéo dài, kéo địch ra khỏi công sự để đánh và khu vực mở chiến dịch là rừng núi biên giới, phù hợp với lối đánh sở trường của bộ đội ta. Chiến dịch Quảng Trị (năm 1972), Chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975), khi bộ đội ta đã mạnh, trang bị vũ khí khá tốt, ta đã đột kích vào nơi phòng ngự cứng của địch. Thắng lợi của các chiến dịch này đã làm rung chuyển toàn bộ thế trận phòng ngự của địch, tạo ra phản ứng dây chuyền tiến tới sụp đổ (Chiến dịch Tây Nguyên) hoặc sụp đổ hoàn toàn (Chiến dịch Hồ Chí Minh). Khi ta đột phá địch trong công sự để khêu ngòi thì ta hơn hẳn địch, có thể 7/1 như trận Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới hoặc đột phá Điện Biên Phủ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). Nhưng khi đã kéo được địch ra khỏi công sự thì lực lượng ta chỉ cần bằng lực lượng địch, như trận Cốc Xá (trong Chiến dịch Biên Giới).

Xe tăng của Quân Giải phóng đánh chiếm Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Quân đội Sài Gòn tại Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 11-3-1975. Ảnh tư liệu

Cách đánh chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến là cách đánh của chiến tranh nhân dân phát triển cao, vận dụng tổng hợp cách đánh của nhiều lực lượng; kết hợp nhiều phương thức và quy mô tác chiến (đánh du kích, đánh vận động, đánh trận địa; đánh phân tán, đánh tập trung hiệp đồng binh chủng; đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn…). Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng, cơ sở hình thành và phát triển nghệ thuật TCCD. Tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch trong hai cuộc kháng chiến về tiềm lực kinh tế, quân sự và vũ khí trang bị cụ thể, ta thường kém hơn địch. Ở phạm vi chiến dịch ta đã tạo được so sánh tương đương 1/1. Tư tưởng chỉ đạo của ta là “lấy nhỏ thắng lớn", "lấy ít địch nhiều”. Tuy nhiên, quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua. Tương quan so sánh lực lượng là thế nhưng ta đã biết tạo ra ưu thế hơn hẳn địch ở những thời điểm, thời cơ, địa bàn, những trận then chốt, then chốt quyết định, cũng như ưu thế ở những chiến dịch quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi.

Kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của tổ tiên, nghệ thuật tác chiến trong các loại hình chiến dịch của ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã luôn coi trọng việc lập thế, tạo thế ở cả quy mô chiến lược và chiến dịch. Quá trình tạo lập thế trận của ta đồng thời cũng là quá trình phá thế địch. Quá trình tạo lập thế trận ban đầu, tạo lập thế trận đánh trận then chốt, trận then chốt quyết định để giành thắng lợi giòn giã trong TCCD. Các chiến dịch: Biên Giới 1950; các hoạt động nghi binh, tạo thế của các chiến dịch trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; Chiến dịch Plei-me năm 1965; Chiến dịch Sa Thầy năm 1966; Chiến dịch Đắc Tô 1 năm 1967 là những ví dụ điển hình.

Một trong những nét nổi bật của nghệ thuật TCCD của ta là nghi binh lừa địch, nhằm giữ được bí mật, bất ngờ trong chuẩn bị và thực hành chiến dịch; bảo toàn được lực lượng ta, có điều kiện, thời cơ để tạo lập thế trận vững chắc và chuyển hóa thế trận linh hoạt, nhanh chóng giành thắng lợi. Các hoạt động nghi binh, tạo thế của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972; Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975… là những điển hình về nghệ thuật nghi binh. Việc tạo lập thế trận ta, phá thế trận địch là một trong những thành phần không thể thiếu của nghệ thuật TCCD trong hai cuộc kháng chiến.

Tổ chức sử dụng lực lượng là khâu then chốt, quyết định trong quá trình phát triển TCCD. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ta luôn quán triệt, vận dụng quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Việc tổ chức, sử dụng lực lượng trong chiến dịch luôn gắn liền với quá trình phát triển, trưởng thành của lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, đặc biệt là bộ đội chủ lực cả về tổ chức biên chế, trang bị, trình độ, khả năng tác chiến. Bên cạnh đó, tổ chức chỉ huy cũng là một trong những vấn đề không thể thiếu trong nghệ thuật TCCD. Tổ chức chỉ huy TCCD đã từng bước phát triển và ngày càng hoàn thiện theo sự phát triển và trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta.

Thượng tá PHẠM THÀNH CÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-tac-chien-chien-dich-trong-chien-tranh-giai-phong-512481