Nghệ thuật truyền thống: Phải hiểu mới yêu

(GD&TĐ) - Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, và một trong những hậu quả của quá trình này là sân khấu nghệ thuật truyền thống ngày càng bị mai một. Xung quanh vấn đề này, GD&TĐ có cuộc trao đổi với Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt Nam - về vấn đề bảo tồn nghệ thuật Tuồng và dân ca hiện nay.

Được biết Giáo sư là người rất tâm huyết với nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống, xin Giáo sư cho một vài đánh giá về nền nghệ thuật Tuồng cả nước trong những thập niên vừa qua?

Giáo sư Hoàng Chương

Tuồng (hát Bội) được đánh giá là bộ môn nghệ thuật mang tính cổ điển và bác học, đứng hàng đầu của nền nghệ thuật dân tộc . Các nước đã đánh giá nghệ thuật Tuồng ngang hàng với Kinh kịch của Bắc Kinh, nghệ thuật Noh của Nhật Bản.

Phương pháp nghệ thuật là cách điệu, ước lệ và tượng trưng. Tuồng ra đời cách nay khoảng 500-700 năm, tích lũy vô số tinh hoa văn hóa dân tộc. Một vở Tuồng cổ phản ánh quá khứ nhưng mang tính hiện đại, soi rọi con người hôm nay, hội đủ những thiện – ác – tôi – trung…

Tuy nhiên, chúng ta đã mất mát quá nhiều! Tuồng cổ có khoảng 500-600 vở. Không có loại hình nghệ thuật nào có nhiều đến như vậy, nhưng các vở Tuồng đó chủ yếu nằm ở Thư viện Hoàng gia Anh.

Trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam, nhiều vở Tuồng đã bị mang về nước Pháp, lưu trữ ở các thư viện nước họ. Còn ở ta, các nghệ nhân Việt Nam đã phục hồi được khoảng 100 vở, chừng ấy đã thấy vốn tuồng của dân tộc phong phú như thế nào.

Thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt công tác bảo lưu những vở Tuồng cổ trong các đơn vị Tuồng và những kịch bản văn học Tuồng cũng chưa được lưu giữ đầy đủ ở các thư viện trong nước. Những vở Tuồng được các nghệ nhân khai thác cũng không được bảo quản một cách bài bản thì thật đáng tiếc.

Hiện nay, vốn kịch bản sân khấu Tuồng truyền thống đã phục hồi cũng chưa được bảo tồn đầy đủ dẫn đến tình trạng mai một rất nhiều. Mặt khác, đội ngũ nghệ nhân giỏi nghề nhưng không có cơ hội để truyền nghề, bị lãng quên, hoặc không có chế độ trả thù lao. Một số nghệ nhân lớn tuổi chưa kịp truyền lại ngọn lửa đam mê của mình, đã mất đi, mang theo cả vốn liếng quý báu không có gì thay thế được.

Thực trạng nền sân khấu Tuồng cả nước hiện nay như thế nào, thưa giáo sư?

Thực trạng sân khấu Tuồng hiện nay thưa vắng khán giả. Ở Hà Nội, trong rạp hát sang trọng, nghệ sĩ biểu diễn rất tốt nhưng không bán được vé, thậm chí miễn phí vẫn thưa vắng người xem. May sao ở một số vùng nông thôn, nhân dân vẫn còn hăng hái xem Tuồng. Cơ chế thị trường tác động khá mạnh vào nền nghệ thuật truyền thống cùng với nghệ thuật giải trí đơn thuần thu hút giới trẻ làm cho nghệ thuật truyền thống bị cô lập. Phần lớn khán giả không còn yêu thích Tuồng nữa.

Trong xu thế mở cửa, hội nhập, thị hiếu thẩm mỹ của người dân theo chiều hướng khác, họ thích xem phim Trung Quốc, Hàn Quốc… và ca nhạc hiện đại hơn là đến với sân khấu truyền thống. Một phần khán giả không yêu thích, một phần đồng lương của diễn viên thấp nên người có thanh - sắc sẽ không theo học nghệ thuật truyền thống vì không đảm bảo cuộc sống.

Hàng năm, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh được một chỉ tiêu Tuồng nào, đội ngũ diễn viên trẻ có thanh có sắc ngày càng hẫng hụt, nguyên nhân là chế độ, chính sách đãi ngộ chưa công bằng. Một diễn viên Tuồng đảm nhiệm vai chính đêm diễn ướt đầm mồ hôi trên sân khấu nhưng thù lao cũng chỉ từ 100 đến 200.000 đ/ suất diễn.

Còn với ca sĩ một bài hát phải tính từ 5 đến 10 triệu trở lên. Sự mâu thuẫn trong doanh thu với khoảng cách khá xa, nhưng đến nay, nhà nước chưa có biện pháp nào giúp nghệ sĩ Tuồng đảm bảo đời sống để họ dồn sức lực cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn sân khấu truyền thống và phục vụ nhân dân.

Đội ngũ sáng tác cho Tuồng chỉ tính trên đầu ngón tay. Thực trạng này báo động một điều rằng: đào tạo đạo diễn tài năng, diễn viên giỏi và có vở diễn hay với nghệ thuật Tuồng là cực kỳ khó khăn.

Sân khấu tuồng đang thưa vắng khán giả. Ảnh minh họa/internet

Công tác tuyên truyền, quảng bá của chúng ta trong thời gian qua về nghệ thuật Tuồng đã làm tốt chưa?

Giá như chúng ta làm tốt hơn công tác tuyên truyền, sẽ huy động được một lượng khán giả đáng kể đến với sân khấu Tuồng. Người dân hưởng thụ văn hóa tốt sẽ nâng cao đời sống tinh thần. Theo tôi, một vở Tuồng hay nên diễn nhiều lần ở nhiều điểm để công chúng yêu nghệ thuật có cơ hội thưởng thức, đỡ gây lãng phí cho Nhà nước và phát huy được tác dụng. Liên hoan, hội diễn tổ chức ở địa phương nào là người dân ở đó được hưởng thụ văn hóa. Mặt khác, người xem càng đông càng cổ vũ khích lệ cho người biểu diễn trên sân khấu. Tuyên truyền, quảng bá là biện pháp tốt nhất để thu hút khán giả nói chung, và là một công việc cực kỳ quan trọng. Nghệ thuật sân khấu ngoài việc viết kịch bản hay, diễn xuất hay còn phải biết cách tuyên truyền để thu hút khán giả.

Sự tồn tại của sân khấu phụ thuộc vào công chúng. Vậy làm thế nào để thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống, thưa Giáo sư?

Một bộ phận không nhỏ khán giả trẻ Việt Nam quay lưng với nghệ thuật truyền thống vì họ chưa hiểu được hết cái hay cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Làm thế nào để thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc một cách hiệu quả nhất là vấn đề khó nhưng chúng ta cần phải làm. Giáo dục nghệ thuật truyền thống và định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Văn chương trong các vở Tuồng cổ rất sâu và hay mà các loại hình nghệ thuật khác phải học. Không hiểu được cái hay của nó thì làm sao yêu được? Chúng ta cần có những buổi giảng cho lớp trẻ hiểu cái sâu sắc, cái hay của nghệ thuật truyền thống.

Nhà nước cần có chính sách đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc, đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường thì mới có khán giả trẻ. Chúng ta cần có sự đào tạo liên tục, bài bản, có lực lượng nghệ sĩ truyền lửa, truyền niềm đam mê cho thế hệ trẻ. Hiện nay, đội ngũ những nghệ sĩ lớn tuổi nghỉ hưu rất nhiều, họ cũng muốn truyền nghề, nhưng Nhà nước cần có chế độ, chế sách cho lực lượng nghệ sĩ nghỉ hưu để họ có động lực làm tốt công tác này.

Trân trọng cám ơn Giáo sư!

Thanh Vân thực hiện

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/201308/giao-su-hoang-chuong-tong-giam-doc-trung-tam-bao-ton-nghien-cuu-van-hoa-dan-toc-viet-nam-nghe-thuat-truyen-thong-phai-hieu-moi-yeu-1971856/