Nghẹn ngào tái hiện 'Vòng tròn bất tử' giữa bệnh viện

Để giúp đồng đội yên tâm nhắm mắt xuôi tay, Ban liên lạc đã tổ chức cuộc gặp mặt của tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ngày 19.11.2016, có 6 đồng đội của anh Dũng đã vượt những chặng đường khác nhau từ Hà Nam tới Đắk Lắk, Bình Định… để cùng có mặt tại bệnh viện, nắm tay nhau tái hiện “Vòng tròn bất tử” năm nào trong nước mắt.

Một thời hoa lửa

Cựu binh Dương Văn Dũng đã mất cách đây ít ngày (26.2.2017), nhưng câu chuyện anh cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 29 năm trước vẫn làm lay động lòng người.

Từ nay, cựu binh Dương Văn Dũng (ngoài cùng bên phải) sẽ không có mặt trong lễ thả hoa đăng hàng năm nhân dịp 14.3. Ảnh: Đình Thiên

Tôi và một số đồng nghiệp gặp anh Dũng vào một ngày tháng 3 cách đây 4 năm. Khi đó anh chưa ngã bệnh, đang cùng gia đình sống tại căn nhà cấp 4 chỉ mới xong được phần thô, nằm ở phía nam cầu Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.

Thời điểm đó, trận chiến Gạc Ma đã trôi qua 25 năm nhưng vẫn rành rọt trong ký ức người cựu binh.

Anh Dũng nhớ lại, ngày 12.3.1988, anh cùng 9 đồng đội khác, đều cùng quê Đà Nẵng, trên con tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

“Đến sáng 13.3.1988, chúng tôi có mặt tại đảo Trường Sa Lớn. Đến chiều 13.3.1988, tàu chúng tôi được điều ra xây dựng đảo Gạc Ma. Khoảng 5h sáng 14.3.1988, tôi cùng hơn 30 đồng đội vận chuyển vật liệu và ra cắm cờ ở bãi Gạc Ma. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, 3 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, thả ca nô cao tốc chạy vòng quanh uy hiếp, cắt dây, phá không cho ta chuyển vật liệu vào bờ.

Đến tầm 7h sáng thì 3 tiểu đội lính Trung Quốc đổ bộ xuống đảo, lao vào giật cờ Tổ quốc. Anh em chống trả trong tiếng súng nổ dồn dập. Cứ thế, quân Trung Quốc xả súng vào bộ đội ta đang ngâm mình dưới biển. Súng nổ, máu nhuốm đỏ cả đảo đá. Tiếp đó, tàu HQ 604 bị các chiến hạm Trung Quốc nã pháo dồn dập. Trong tích tắc, tất cả nhuốm màu đỏ rực. Máu đồng đội, lửa đạn bùng lên trên tàu HQ 604. Chiếc tàu lật úp, rồi chìm nhanh sau đó.

Đạn như mưa, máu chảy, lửa đỏ rực khắp boong tàu, đồng đội tôi ngã xuống gần hết... Giây phút đó, tôi lao vào buồng cẩu thì gặp thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị trúng đạn, máu chảy ướt áo. Vừa xé áo băng bó vết thương cho anh Trừ thì chiếc tàu ngập nước, chìm rất nhanh, cuốn luôn anh Trừ theo mình xuống biển.

Tôi ghì chặt thang trụ cẩu rồi cố đạp người ngoi lên trên. Vừa ngoi lên mặt nước, liên tiếp các loạt đạn AK lia tới truy sát. Trong giây phút giữa sống chết, tôi may mắn vớ được thùng lương khô và bám chặt vào rồi bơi ra xa đảo. Nhìn từ xa, Gạc Ma đỏ trong đạn lửa, tàu HQ 604 cháy ngùn ngụt rồi chìm hẳn. HQ 505 gần đó cũng bị pháo Trung Quốc dội liên tiếp, cố lao lên Cô Lin” - anh Dũng nhớ lại.

Cuối ngày đó, anh Dũng cùng 9 đồng đội khác bị lính Trung Quốc bắt đem giam giữ ở Quảng Đông.

Nghĩa tình của những người ở lại

Tháng 9.1991, sau nhiều cuộc đàm phán ngoại giao, anh Dũng cùng đồng đội được trao trả về nước. Trở về quê hương, anh lập gia đình và có 3 người con (1 trai, 2 gái). Tưởng như từ đây gia đình anh sẽ có cuộc sống bình yên. Ai ngờ biến cố ập đến khi đứa con trai duy nhất của anh đột ngột mất sau một vụ tai nạn.

Cựu binh Dương Văn Dũng trong vòng tay đồng đội. Ảnh: Đình Thiên

Sức khỏe suy yếu nhiều sau quãng thời gian bị giam giữ ở Trung Quốc, anh gần như quỵ ngã và đến năm 2014 thì phát hiện bị bệnh ung thư.

Anh Nguyễn Văn Tấn - Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988 ở Đà Nẵng - nhớ rõ nhất quãng đời cuối của người cựu binh Gạc Ma năm xưa.

“Gần 2 năm điều trị tại Bệnh viên Ung thư Đà Nẵng, Dũng biết mình sẽ không qua khỏi nên cứ đau đáu hai chuyện. Đó là anh muốn gặp đồng đội đã vào sinh ra tử với mình lần cuối. Thứ hai, anh muốn 2 đứa nhỏ dù mất cha vẫn được học hành đàng hoàng”, anh Tấn kể.

Để giúp đồng đội yên tâm nhắm mắt xuôi tay, Ban liên lạc đã tổ chức cuộc gặp mặt tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ngày 19.11.2016, có 6 đồng đội của Dũng đã vượt những chặng đường khác nhau từ Hà Nam tới Đắk Lắk, Bình Định… để cùng có mặt tại bệnh viện, nắm tay nhau tái hiện “Vòng tròn bất tử” năm nào trong nghẹn ngào nước mắt. Họ muốn tiễn đưa người đồng đội bằng những ký ức bi tráng của gần 30 năm trước.

Cũng dịp này, nhiều nhà báo cùng các nhà tài trợ đã chung tay ủng hộ gia đình anh Dũng số tiền gần 200 triệu đồng.

Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa - tâm sự: “Những cống hiến của các anh sẽ mãi là bản hùng ca bất tử. Tổ quốc, con dân Việt Nam sẽ mãi nhớ về các anh… Tôi tin rằng, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước các anh, đấu tranh đến cùng để bảo vệ cho được chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Và hôm nay, cũng như mọi năm, những cựu binh Trường Sa thuộc Trung đoàn E83 tham gia chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ88) tại Đà Nẵng lại tổ chức lễ thắp hương, thả hoa đăng để tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma (Trường Sa).

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nghen-ngao-tai-hien-vong-tron-bat-tu-giua-benh-vien-753132.html