Nghi án tỷ phú Trung Quốc trốn thuế (Kỳ 1)

Tiền tỷ trong sa mạc (ĐTTCO) - Tỷ phú Liu Zhongtian (Lưu Trung Điền) là một trong những người giàu nhất thế giới. Tài sản của ông và gia đình được hãng Forbes ước tính vào khoảng 3 tỷ USD, đứng vị trí thứ 65 trong những người giàu nhất Trung Quốc. Ông là một tài phiệt trong ngành nhôm, các doanh nghiệp nhôm ở Hoa Kỳ cho biết ông giấu một lượng lớn nhôm ở Mexico nhằm trốn thuế.

Cách đây 2 năm, trong một lần lái máy bay sang Mexico, một giám đốc ngành nhôm ở California phát hiện một khu vực rộng lớn trong sa mạc miền Trung Mexico được phủ cỏ khô và bạt nhựa trông rất đáng ngờ. Những điều tra sau đó cho biết bên dưới lớp cỏ khô và bạt nhựa đó là số lượng lớn nhôm, tương đương 6% lượng nhôm nguyên liệu toàn thế giới.

Tăng trưởng đáng ngờ

Lưu Trung Điền hiện là Chủ tịch của Zhongwang Holdings, nhà sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai thế giới. Gần đây ông đã mở rộng “đế chế” của mình sang Hoa Kỳ và phát triển chân rết khắp nơi trên thế giới. Hoạt động kinh doanh của Zhongwang Hoa Kỳ chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ năm 2009, cùng thời điểm công ty được niêm yết tại Hồng Công. Trong năm 2009, doanh thu của công ty ở Hoa Kỳ đạt 5 tỷ NDT (740 triệu USD), so với 214 triệu NDT (31,6 triệu USD) trong năm 2008.

Sự gia tăng mạnh mẽ đó đã khiến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chú ý. Năm 2010 DOC đã điều tra tình trạng trợ cấp ngành nhôm ở Trung Quốc, và yêu cầu Zhongwang Hoa Kỳ giải thích, nhưng công ty này phớt lờ. Năm 2011, doanh thu ở Hoa Kỳ của công ty đã giảm còn 404 triệu NDT (59,7 triệu USD). Trong báo cáo thường niên 2011, công ty đổ lỗi cho hoạt động điều tra chống trợ cấp của DOC. Tuy nhiên, đến năm 2012 công ty lại bất ngờ có doanh thu nhảy vọt: đạt 1,1 tỷ NDT (160 triệu USD).

Điều này đã khiến các nhà chức trách vào cuộc. Năm 2015, Dupré Analytic - một công ty chuyên điều tra các công ty Trung Quốc - đã gửi báo cáo kiến nghị lên Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ. Theo đó, Zhongwang thành công trong việc phát triển nhanh chóng ở Hoa Kỳ do có liên quan đến mạng lưới toàn cầu bí mật ở Mexico, Hoa Kỳ, Việt Nam và Malaysia, nơi một số công ty con của Zhongwang nấu lại nhôm và xuất khẩu trở lại Hoa Kỳ nhằm thay đổi nguồn gốc để né thuế. Aluminicaste Group ở Mexico và Perfectus Aluminum ở Hoa Kỳ là 2 công ty nghi ngờ dưới quyền kiểm soát của gia đình Lưu Trung Điền. Báo cáo cho thấy cơ sở nấu nhôm Aluminicaste, thuộc sở hữu của con trai ông Lưu, nhập nhôm từ Zhongwang trong thời gian ngắn sau khi thành lập vào năm 2010. Tuy nhiên, quá trình tái nung chảy nhôm rất chậm, nên công ty phải để một lượng lớn nhôm tại cơ sở, thu hút sự chú ý của DOC.

Bãi nhôm lớn nhất thế giới

Sau khi một nhà kinh doanh nhôm ở California phát hiện kho nhôm 850.000 tấn ở vùng núi Sierra Gorda năm 2014, người ta cũng không mất nhiều thời gian để tìm ra người chủ bí ẩn của bãi nhôm này chính là Lưu Trung Điền. Jeff Henderson, Chủ tịch Hội đồng Nhôm (AEC), cũng tin chắc số nhôm có liên quan đến Công ty Zhongwang Holdings của ông Lưu. Báo cáo cũng cho biết Perfectus Aluminum có trụ sở tại California có liên kết với Zhongwang. Công ty này là kết quả sự sáp nhập giữa Peng Cheng Aluminum và Global Aluminum vào năm 2014. Con trai của ông Lưu hiện là Chủ tịch HĐQT của Perfectus. Trong năm nay, DOC bắt đầu điều tra một nhà máy ở New Jersey, Shapes LLC Aluminum, thuộc sở hữu Peng Cheng và Global Aluminum.

Công ty Zhongwang đã đình chỉ giao dịch cổ phiếu ở Hồng Công 1 ngày sau khi báo cáo Dupré Analytic được công bố. Dù vậy, cổ phiếu này vẫn lao dốc 18% sau khi được giao dịch trở lại. Vào tháng 8-2015, công ty ra thông báo phủ nhận tất cả những cáo buộc của Dupré Analytic, đồng thời lên án Dupré Analytic đã gây ra những tổn thất tài chính cho công ty trên thị trường chứng khoán. Zhongwang lập luận rằng những công ty đã giúp họ trong hoạt động làm ăn ở nước ngoài là hoàn toàn độc lập với ông Lưu và Zhongwang. Zhongwang cho biết 5 trong số các công ty này là nhà cung cấp của họ, và 2 là khách hàng.

Về cáo buộc công ty đã chuyển nhôm sang Mexico nhằm né thuế, Hiệp hội Công nghiệp kim loại màu của Trung Quốc (NFMIA) đã lên tiếng, gọi đó là những cáo buộc “quá sai lệch sự thật”. NFMIA đưa ra một số lập luận. Thứ nhất, nếu Zhongwang trung chuyển nhôm đùn (nhôm nguyên liệu) thì họ sẽ bị giảm lợi nhuận, vì chính phủ Trung Quốc đánh thuế xuất khẩu tới 15%. Thứ hai, nếu Zhongwang xuất khẩu nhôm thành phẩm, dựa trên các quy tắc của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), việc đóng thuế cho nhôm thành phẩm không vi phạm cả luật pháp Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Năm nay, công ty không chú trọng việc mở rộng kinh doanh ở Hoa Kỳ, mà theo đuổi chiến lược “tập trung chủ yếu vào Trung Quốc và giảm bớt hoạt động ở nước ngoài”. Dựa trên báo cáo tạm thời của Zhongwang năm 2016, 84% doanh thu của công ty đến từ Trung Quốc và chỉ 12% từ Hoa Kỳ.

Tỷ phú Lưu Trung Điền (giữa).

Người đứng sau Zhongwang

Khi Lưu 14 tuổi, Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế. Ông đã nhanh chóng hòa nhập bằng việc buôn bán gỗ trên núi Trường Bạch. Sau đó, ông làm việc trong ngành thép và kinh doanh xi măng, trước khi đến Hồng Công trong thập niên 90. Tại đó, ông đã kiếm được số tiền kếch xù từ việc buôn bán bất động sản. Năm 1993, khi mới 29 tuổi, Lưu thành lập Zhongwang Holdings. Hiện ông sống ở tỉnh Liêu Ninh, nơi đặt trụ sở Zhongwang. Zhongwang sản xuất các sản phẩm trọng lượng nhẹ trong ngành vận tải, cơ khí và các ngành kỹ thuật điện-phát điện. Vào tháng 5-2009, công ty tiến hành vụ IPO lớn nhất thế giới trong năm, huy động được 9,8 tỷ HKD (1,26 tỷ USD). Sở hữu 74% cổ phần của công ty và tài sản ròng trị giá 3,79 tỷ USD, Lưu đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất châu Á năm 2009 của Forbes. Nay tài sản của ông giảm còn 3,1 tỷ USD.

Một số người nói rằng thành công của Zhongwang do một quá trình chuyển đổi táo bạo trong đầu những năm 2000. Ông Lưu đã đặt cược lớn vào việc thay đổi từ sản xuất nhôm xây dựng sang nhôm cho công nghiệp. Bước đi của Lưu có vẻ kỳ quặc vào thời điểm đó. Dù khi đó Zhongwang là 1 trong 3 nhà sản xuất hàng đầu trong kinh doanh nhôm xây dựng tại Trung Quốc, nhưng công ty hoàn toàn lạ lẫm với lĩnh vực nhôm công nghiệp. Vì vậy, việc chuyển hướng đã vấp nhiều phản đối, khiến Lưu phải đuổi những người thân trong gia đình ra khỏi công ty. Năm 2002, Lưu sa thải anh trai của ông là Liu Zhongsuo và trả mỗi thành viên trong các gia đình thân nhân của mình 5 triệu NDT (740.000USD) để đổi lấy cổ phần công ty của họ. Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Sina.com năm 2009, Lưu nói: “Bạn cứ cho tiền người thân của mình, nhưng đừng để họ làm việc cùng mìinh”.

(Còn tiếp)

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161214/ky-1-tien-ty-trong-sa-mac.aspx