“Nghỉ hè” trên cánh đồng muối

Những ngày hè nóng như đổ lửa, trên cánh đồng muối xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An luôn có hàng nghìn diêm dân lao động, làm nên những hạt muối trắng tinh. Trong số đó, có không ít “diêm dân nhí” được nghỉ hè ra đồng muối giúp đỡ bố mẹ.

Những “diêm dân nhí”

Diêm dân nhí” Lê Văn Khánh, 6 tuổi, đang nỗ lực giúp mẹ thu gom muối trên sân phơi. Ảnh: Viết Lam

Hàng nghìn con người đang lao động trên cánh đồng muối xã Quỳnh Thuận nói cười rôm rả như muốn quên đi cái nắng nóng gần 40oC của những ngày hè ở mảnh đất miền Trung khó nhọc này. Từ xa, chúng tôi nhìn thấy một diêm dân dáng người nhỏ bé, mặt trùm kín khăn, liên tục đẩy những xe cát cao gần quá đầu người rải đều khắp ruộng muối. Lại gần mới nhìn rõ, tấm áo trắng ướt đẫm mồ hôi của “diêm dân” đang mặc có phù hiệu Trường THCS Quỳnh Thuận. Hỏi ra mới biết, em là Lê Thị Trinh, 14 tuổi, đang là học sinh lớp 7, Trường THCS Quỳnh Thuận. Khi được hỏi về công việc đang làm, Trinh phân trần: “Tuổi như em là lớn rồi đó. Ở đây có nhiều học sinh tiểu học đã theo mẹ ra đồng làm muối. Các anh cứ đi một vòng quanh đồng mà xem, các bạn học sinh nhiều lắm!” .

Nghề làm muối ở Quỳnh Thuận thường bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 hàng năm khi những cơn bão bắt đầu đổ về. Diêm dân làm muối thủ công, chẳng cần bảo hộ lao động, chỉ độc cái xẻng, đôi quang gánh, chiếc xe cút kít... miệt mài qua các công đoạn làm nên hạt muối. Họ ra đồng từ khi còn mờ sáng đến tối sẩm. Thời gian lao động một ngày của diêm dân không được đo bằng giờ, bằng phút cố định mà bằng hiệu quả công việc. Họ gần như cả ngày trên đồng muối. Đặc biệt, cường độ lao động cao của diêm dân lại rơi vào thời điểm nắng nóng nhất của một ngày. Thời điểm chúng tôi có mặt ở đồng muối Quỳnh Thuận vào khoảng gần 13 giờ, trên cánh đồng, người đông như trẩy hội. Diêm dân Lê Thị Vân cho biết: “Đây là thời điểm diêm dân trên đồng muối bận rộn nhất. Nhân lực của gia đình đều được huy động để làm việc. Phơi cát cho đợt muối ngày mai, gom muối của cả ngày hôm nay đưa vào kho hoặc mang bán cho tư thương”.

Lội một vòng trên cánh đồng muối của xã Quỳnh Thuận mới biết lời của cô học trò Lê Thị Trinh là hoàn toàn có thực. Trên ruộng muối của gia đình, em Hồ Văn Hùng, học sinh lớp 8, Trường THCS Quỳnh Thuận đang đều tay hắt những gàu nước biển để tăng độ mặn cho lớp cát vừa được em và bố dùng xe rải đều trên ruộng. “Diêm dân nhí” đáng chú ý nhất trên cánh đồng có lẽ là em Lê Văn Khánh, bởi cậu bé mới tròn 6 tuổi. Nếu không được tận mắt chứng kiến, ít ai dám tin điều chúng tôi nói là thực, Khánh có thể giúp mẹ gom toàn bộ số muối trên sân nề nhà mình với những động tác gọn gàng, nhanh nhẹn. “Trẻ em vùng khác ở tuổi như cu Khánh thì ăn còn phải chăm, phải đút nhưng ở làng muối này là thế. Theo mẹ ra đồng từ khi mới biết đi. Nhưng nhờ trời ban cho dân làng muối chúng tôi cái sức khỏe” . – Ông Nguyễn Văn Quế, một diêm dân lão làng ở Quỳnh Thuận cho biết.

“Cánh đồng” yêu thương

Em Lê Thị Trinh đẩy xe cát cao gần quá đầu người

Xã Quỳnh Thuận có cánh đồng muối rộng khoảng 120ha với trên 1.800 lao động thường xuyên tham gia sản xuất muối. Những năm được mùa người dân làm muối Quỳnh Thuận cũng chỉ kiếm được 5-6 triệu đồng/người/năm nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận chia sẻ: “Nghề muối được xác định là nghề truyền thống của địa phương, nhưng cùng với thời gian thì diêm dân khó sống được bằng nghề. Chúng tôi cũng ghi nhận một thực tế rằng, trên cánh đồng muối xã nhà giờ đông nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em. Bởi đàn ông khỏe mạnh phải tìm những việc khác để làm”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận được, việc học sinh ở Quỳnh Thuận nghỉ hè ra đồng tham gia làm muối cùng bố mẹ đã trở thành một thông lệ từ nhiều năm nay. Bao thế hệ tuổi thơ của làng muối ra đồng với mong muốn góp thêm sức mọn, sẻ chia công việc nặng nhọc với bố mẹ, tăng thêm thu nhập cho gia đình, cũng để các em có thêm tấm áo trước khi bước vào năm học mới. “Nhà đông anh chị em, bố phải đi làm thợ hồ để có tiền lo việc học cho bọn em, một mình mẹ làm 3 sào muối “đổi” gạo ăn hàng ngày cho cả gia đình. Nên hè năm nào cũng vậy, cháu và các em đều ra đồng giúp mẹ. Tuy vất vả thật nhưng vui vì đỡ được phần nào khó khăn cho mẹ”. - Em Lê Thị Trinh cho biết. Cô bé còn cho biết thêm: Hôm nào từ đồng muối trở về mà không mệt lắm thì em đưa sách vở ra ôn bài. Nhưng những đêm như thế của học sinh làng muối chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Theo một số liệu thống kê, ở làng muối Quỳnh Thuận, tỉ lệ học sinh bước vào được cổng trường đại học, cao đẳng trong những kì tuyển sinh hàng năm là khá thấp. Phần lớn các em khi tốt nghiệp THPT không thi đậu đại học, cao đẳng đều chọn con đường vào miền Nam làm công nhân, chứ tuyệt nhiên không ở nhà bám nghề truyền thống của làng. Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thị Hoa, 55 tuổi, có gần 25 năm làm nghề muối ở Quỳnh Thuận cho rằng: “Làm nghề muối vất vả lắm nhưng bây giờ thì không thể sống được bằng nghề, vì thế, lớp thanh niên đã trưởng thành bỏ làng đi hết. Chỉ còn đám học sinh đang theo học ở trường xã mới ra đồng phụ giúp bố mẹ thôi. Nhưng rồi chúng cũng sẽ đi xa khi không còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Đưa những điều bà Hoa nói, đi hỏi những “diêm dân nhí” đang lao động trên cánh đồng muối Quỳnh Thuận, các em cũng quả quyết như vậy. “Nếu sau này cháu không vào được đại học thì cũng đi xa làm nghề khác kiếm tiền gửi về phụ giúp bố mẹ thôi. Chứ làm muối vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu” – Em Hồ Văn Hùng, học sinh lớp 8, Trường THCS Quỳnh Thuận khẳng định.

Các bạn trẻ Quỳnh Thuận đều có chung một suy nghĩ sẽ không gắn bó với nghề truyền thống bao đời của quê hương. Nhưng hiện tại, khi các bạn cùng trang lứa ở các vùng quê khác đang tận hưởng kỳ nghỉ hè đầy thú vị, thì đám học trò xã nghèo Quỳnh Thuận lại hàng ngày vất vả trên cánh đồng muối để phụ giúp gia đình. Đồng muối là nơi các em thể hiện tình yêu thương với cha mẹ, quê hương.

Viết Lam

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/15035/Nghi-he-tren-canh-dong-muoi/bbp.aspx