Nghị lực của chị Hạnh

Vượt qua bất hạnh, chị nỗ lực học tập, làm việc và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục người khiếm thính để hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ

Chị Dương Phương Hạnh nhận giải thưởng tạo việc làm cho người khuyết tật

Tính tình cởi mở, thích trò chuyện, khó ai biết được chị Dương Phương Hạnh là người khiếm thính và còn giúp nhiều người khiếm thính có việc làm, hòa nhập cộng đồng.

Vượt lên nỗi đau

Sinh ra trong một gia đình người Hoa ở Vĩnh Long, cô bé Hạnh có một tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm lên 6, sau một cơn bệnh nặng phải dùng thuốc kháng sinh quá liều, Hạnh hoàn toàn mất thính lực. “Có lẽ lúc đó còn nhỏ quá nên chưa biết đau khổ là gì, chỉ biết phải cố gắng luyện tập nhìn khẩu hình để đoán được lời nói của người đối diện”- chị kể.

Để học được cùng những đứa trẻ bình thường, Hạnh càng phải nỗ lực nhiều. Ở lớp, cô nhìn bạn chép bài, không hiểu thì nhờ bạn bè giảng lại. Không nghe được nhưng bằng ý chí và khả năng tự học, năm nào Hạnh cũng là học sinh xuất sắc. Cứ thế, Hạnh tốt nghiệp Khoa Hóa Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Trải qua nhiều công việc như giúp việc tiệm chụp ảnh gia đình, làm kỹ sư hóa cho một công ty tại Vĩnh Long, chị nhận ra công việc không phù hợp vì không thể nghe được...

Đọc báo, thấy một công ty tư vấn du học tại TPHCM cần tuyển người dịch thuật, chị đăng ký dự thi. Nhưng làm được một thời gian, chị lại gặp khó khăn khi công việc đòi hỏi phải nghe được điện thoại. Chị tâm sự: “Tôi hoang mang và có phần kém tự tin về bản thân. Thật may, khi lang thang trên mạng, tôi tìm được chương trình “Chuyến bay vòng quanh thế giới cho người khiếm thính” của một người khiếm thính Thụy Điển tài trợ. Chuyến đi này đã làm thay đổi cuộc đời tôi”. Chị đã gia nhập Liên đoàn Khiếm thính Thế giới.

Giúp hòa nhập xã hội

Chị nhận ra nhu cầu của người khiếm thính rất nhiều nhưng xã hội không có gì ngoài các trường chuyên biệt. “Cái nhìn công bằng của xã hội đối với người khiếm thính cũng chưa có. Ngay cả cha mẹ cũng nghĩ con mình khuyết tật nên thương nhiều hơn mà quên họ cũng cần có một cuộc sống độc lập. Điều này càng làm cho người khiếm thính kém tự tin, khó hòa nhập xã hội vàthường có tâm lý trông chờ vào người khác… Nếu có cơ hội học tập và làm việc, người khiếm thính cũng có thể làm được mọi việc”- chị tâm sự.

Năm 2010, chị Hạnh thành lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục người khiếm thính. Trung tâm ra đời với chức năng đào tạo ngôn ngữ ký hiệu, đọc tín hiệu môi, tiếng Anh, tiếng Việt, kỹ năng sống, giao tiếp, việc làm… cho người khiếm thính.

Khi có con bị khiếm thính, phụ huynh vô cùng hoang mang, lo âu, không biết giao tiếp, giáo dục con như thế nào. Nếu không can thiệp sớm, đứa bé đó có thểhoàn toàn bị câm, điếc. Trung tâm không chỉ dạy cho trẻ về giao tiếp, tư duy mà còn tư vấn cho phụ huynh cách giao tiếp với con, phương thức phát triển tư duy. Chị còn giữ chức chủ tịch Hội Người khiếm thính tại TPHCM. Ban đầu, hội viên là người không học vấn, không bằng cấp, không việc làm… chị cùng ban chấp hành mở lớp dạy chữ, kỹ năng sống cho người khiếm thính và giúp nhiều người có việc làm, tự tin, sống vui hơn. Chị còn viết rất nhiều sách dạy kỹ năng sống cho người khuyết tật.

“Hiện nay, mới chỉ có trường tiểu học và THCS cho người khiếm thính, tôi mong có nhiều trường hơn cho người khiếm thính để họ có thể nâng cao trình độ văn hóa, có nhiều cơ hội kiếm sống hơn. Tôi cũng mong muốn trung tâm của mình có một cơ sở ổn định để hỗ trợ nhiều hơn cho người khiếm thính”- chị Hạnh nói.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111117085148844p0c1030/nghi-luc-cua-chi-hanh.htm