Nghị lực phi thường của cô gái tàn tật ở Ninh Bình

Mặc dù không được như người bình thường khác, nhưng chị Cao Thị Út (Ninh Bình) vẫn tự kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau, để tự trang trải cho cuộc sống.

Về xã Tân Thành (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), hỏi thăm chị Cao Thị Út thì không ai là không biết. Chị được mọi người ở đây biết đến, bởi nghị lực "phi thường" vượt qua khó khăn của mình.

Ở tuổi 28, nhưng chị Cao Thị Út (thôn Xuân Thành, xã Tân Thành, Kim Sơn, Ninh Bình), không được may mắn như những người bình thường khác. Chị chỉ cao khoảng 60 cm và không thể đi lại được, đôi bàn tay nhỏ bé và mền nhũn, làm việc gì cũng rất khó khăn.

Cô gái da cam Cao Thị Út bị tàn nhưng không phế, em vẫn kiếm tiền mưu sinh như bao nhiêu người bình thường khác.

Cô gái da cam Cao Thị Út bị tàn nhưng không phế, em vẫn kiếm tiền mưu sinh như bao nhiêu người bình thường khác.

Sinh ra trong một gia đình có ba chị em, hai chị của Út thì khỏe mạnh như bao người khác. Còn số phận của Út lại không được may mắn như thế, lớn lên với thân hình tàn tật, chân tay teo tóp.

Theo ông Cao Văn Biền (62 tuổi, bố của Út) cho biết, " khi Út chào đời, dù lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng thấy con không phát triển, càng lớn cơ thể lại càng teo tóp, tay chân ngắn, thể trạng yếu ớt, gia đình đưa con đi khám thì phát hiện cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Bởi tôi từng có thời gian chiến đấu ở miền Nam."

" Biết bệnh của con không thể chữa khỏi, lúc đó tôi buồn chán lắm, hai vợ chồng tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc." ông Biền tâm sự.

Cứ như thế Út lớn lên với thân hình tàn tật, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ đến bố mẹ. Thấy bố mẹ vất vả kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, trong đầu Út lúc nào cũng muốn làm một cái gì đó để kiếm tiền.

Tuy bị tàn tật nhưng Cao Thị Út vẫn kiếm được tiền mưu sinh nhờ làm tranh giấy và quảng cáo các ứng dụng, tham gia trả lời các câu hỏi khảo sát.

Năm 2011, biết thông tin về một cơ sở làm tranh giấy của người khuyết tật ngoài Hà Nội, Út xin mẹ cho đi học. Với tố chất thông minh Út học rất nhanh, chỉ hai tháng sau em đã làm ra bức tranh đầu tiên và bán với giá một triệu đồng. Những bức tranh của Út làm rất đa dạng như tranh hoa sen, con công, phượng, tranh gia đình, phong cảnh… Có tháng em kiếm được 3 – 4 triệu

" Lúc đó, em vui mừng lắm!. Mừng vì em có thể kiếm được tiền và cảm thấy yêu cuộc sống hơn, bố mẹ cũng đỡ vất vả vì em hơn", Út chia sẻ.

Sau khi tích góp được một khoản tiền lớn từ làm tranh giấy, Út mua một chiếc máy tính để tìm hiểu những kiến thức bổ ích. Cũng từ chiếc máy tính này, Út biết được nhiều cách kiếm tiền phù hợp với hoàn cảnh của mình. Đó là quảng cáo các ứng dụng để tăng lượt truy cập và tham gia trả lời các câu hỏi để tích điểm lấy tiền thưởng.

Nguồn thu từ 2 mảng trên thường bếp bênh, trung bình mỗi tháng được từ 2- 3 triệu đồng, tuy không phải là số tiền lớn nhưng là niềm động viên rất lớn đối với em.

"Số tiền em kiếm được 1 phần đưa mẹ một phần trang trải cuộc sống, còn lại dành dụm để sau này mở cửa hàng buôn bán đồ gia dụng, tạp hóa", Út chia sẻ ước mơ

Bà Thơm chỉ những bức tranh của con gái mình làm ra.

"Tuy số phận cháu kém may mắn, nhưng cháu biết vươn lên, vượt qua khó khăn là một hạnh phúc rất lớn và cũng là niềm tự hào lớn nhất với gia đình tôi", bà Thơm mẹ của Út chia sẻ.

Ông Trần Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Út là trường hợp nhiễm chất độc da cam khá nặng và không thể đi lại được. Nhưng em Út biết vượt lên hoàn cảnh để tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Em cũng là tấm gương tiêu biểu của xã và cũng là tấm gương cho nhiều mảnh đời bất hạnh ở trên cả nước học tập.

Phạm Quân

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-tan-tat-o-ninh-binh-d30736.html