Nghi vấn cảnh sát tra tấn buộc nghi phạm nhận tội giết người

(PLO) - Hiệp hội người lao động Myanmar tại Thái Lan (MMLA) cáo buộc cảnh sát nước này đã ép cung hai người đàn ông Myanmar bằng hình thức tra tấn hòng buộc nạn nhân nhận tội sát hại hai công dân người Anh ở đảo Koh Tao.

Theo tờ Bangkok Post đăng tải thông tin ngày 4-10, MMLA đã kêu gọi mở một đợt phúc thẩm độc lập về hàng loạt các tình tiết điều tra do phía cảnh sát cung cấp về hai người đàn ông Myanmar phạm tội sát hại hai công dân Anh trên đảo Koh Tao.

Theo họ, nhà báo “lão làng” tại Thái Lan Andrew Drummond đã tiết lộ “tội trạng” của đơn vị thụ lý vụ án sát hại công dân Anh trên trang cá nhân của ông. Trong đó, hàng loạt tình tiết bất thường được nêu ra như đánh đấm và sử dụng nước sôi trong quá trình lấy cung. Được biết đại sứ Anh Mark Kent vừa xác nhận là đã đọc qua nội dung được gửi.

Một trong những nghi phạm tại phòng giam ở đảo Koh Samui ngày 4-10 (Ảnh: Bangkok Post)

Trong khi đó, giới cảnh sát nói rằng hai công nhân nhập cư có tên Wyn và Saw (họ của nghi phạm không được tiết lộ) đã đến sở cảnh sát đầu thú về những gì họ đã làm với hai hành khách du lịch Anh. Theo mô tả, Wyn và Saw đã cưỡng hiếp nạn nhân nữ 23 tuổi Hannah Witheridge, đánh chết nạn nhân và người đàn ông đi với cô là David Miller (24 tuổi) bằng dùi cui vào ngày 15-9.

Bản cáo trạng của cảnh sát ghi rõ mẫu ADN được tìm thấy trên người của nạn nhân nữ khá trùng khớp với hai nghi phạm mà cảnh sát bắt được trước đó.

Một công dân Myanmar thứ ba được xác minh với cái tên Mao là người đã chứng kiến toàn bộ quá trình thủ ác và có thể là “tòng phạm”, tuy nhiên cảnh sát đang tìm kiếm vì nguồn tin tiết lộ người này đã rời khỏi đảo Koh Tao.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của MMLA Aung Kyaw đã nói với ông Drummond rằng tổ chức không tin hai người đàn ông này thực sự có tội.

“Chúng tôi kiến nghị lên Đại sứ quán Myanmar tại Bangkok yêu cầu một đợt điều tra độc lập và tiến hành xác minh những bằng cớ mà phía cảnh sát Thái thu thập được.” Bà Kyaw nói.

Có nhiều chuyện xảy ra trên đảo mà cảnh sát Thái cần phải điều trần, bao gồm cả các cáo buộc sử dụng tra tấn nhục hình với hai nghi phạm. Ngoài tình tiết gây chấn động liên quan đến bạo lực, bản tố cáo của ông Drummond còn đề cập đến thời điểm cảnh sát ập đến và bắt bớ 9 người nhập cư hôm 27-9. Chi tiết hơn, 6 người trong số họ bị vây bắt trong khi 3 người còn lại gồm Wyn, Saw và Mau trốn chạy vào rừng.

Vài ngày sau, 6 người bị bắt đều được thả. 3 đối tượng còn lại, hai trong số họ được cảnh sát báo cáo là đã tự nguyện đầu thú thì bị tra tấn bằng nắm đấm và nước sôi hòng moi cho được lời khai. Những bức ảnh ghi lại quá trình này đã được gửi đến đại sứ quán Myanmar.

Trong diễn biến khác, truyền thông Anh và nhiều hãng truyền thông khác đang đặt nghi vấn về nhiều tình tiết bất hợp lý trong quá trình điều tra vụ án. Trong số nghi vấn này, phần đông đều đang có mối nghi ngờ về việc làm thế nào mà cảnh sát lại khẳng định được điện thoại di động của cô Witheridge nằm tại chổ ở của nghi phạm, trong khi trên thực tế bạn của nạn nhân đã gửi nó cho cảnh sát một ngày sau khi án mạng xảy ra?

Không những vậy, những nhà bảo vệ nhân quyền trong đó có nhà vận động xã hội Pornpen Khongkachonkiet đều lên tiếng thắc mắc về việc chính phủ thiếu những qui định cho phép những người bị bắt có đại diện pháp luật bào chữa để những người đại diện này theo dõi sát sao quá trình điều tra và xét xử vụ án.

Hồng Phạm (theo Bangkok Post)

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-gioi/nghi-van-canh-sat-tra-tan-buoc-nghi-pham-nhan-toi-giet-nguoi-500624.html