Nghi vấn tên lửa liên lục địa mới của Triều Tiên chỉ có vỏ

Triều Tiên đã không thử bom hạt nhân như đồn đoán, thay vào đó, Bình Nhưỡng đã công bố nhiều loại tên lửa đạn đạo mới, trong đó có 2 loại được cho là tên lửa liên lục địa tại cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, nhà sáng lập đất nước Triều Tiên, đồng thời là ông nội của Kim Jong Un.

Washington Post cho biết trong bài diễn văn chào mừng kỷ niệm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói Triều Tiên đang bước vào giai đoạn cuối cùng chuẩn bị để phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng đạt đến lục địa Mỹ.

Giới phân tích hoài nghi bên trong ống phóng có chứa tên lửa. (Ảnh: SCMP)

Các chuyên gia đã dự đoán về một vụ phóng tên lửa vào ngày 15/4 nhưng giới phân tích dường như “bị choáng” bởi số lượng lớn các loại tên lửa mới mà Bình Nhưỡng lần đầu công bố.

Jeffrey Lewis, người đứng đầu chương trình Đông Á, Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân bày tỏ sự hoài nghi về 2 loại tên lửa mới.

Ông Lewis cho rằng, những loại vũ khí mới mà Triều Tiên công bố có thể chỉ là hộp phóng và không chắc chắn bên trong có tên lửa hay không. Vị chuyên gia nhận định, kích thước hộp phóng loại tên lửa đi thứ 2 sau tới trong đoàn diễu binh có thể phù hợp với tên lửa đạn đạo 3 giai đoạn mà Triều Tiên gọi là Hwasong-13, còn gọi là KN-08.

Tên lửa này có tầm bắn lý thuyết khoảng 12.000 km có thể tấn công toàn bộ nước Mỹ từ phía bắc Triều Tiên. Ông Lewis cho rằng, loại tên lửa này có thiết kế tương tự tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 của Trung Quốc. Ông Lewis nhận định, bên trong hộp phóng có thể là KN-08, hoặc một loại tên lửa mới hoặc không có gì.

Video: Triều Tiên duyệt binh hoành tráng ngày 15/4

Loại tên lửa mới đi sau cùng trong đoàn diễu hành có thiết kế khá giống tên lửa đạn đạo liên lục địa di động Topol-M của Nga, bên trong có tên lửa hay không cũng là điều bí ẩn. “Các loại tên lửa mới cho thấy, Triều Tiên sẽ có nhiều tên lửa nhiên liệu rắn hơn trong thời gian tới”, ông Lewis nói.

Melissa Hanham, thuộc Trung tâm James Martin, nhận xét tên lửa nhiên liệu rắn là rất quan trọng vì thời gian phóng ngắn hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lõng, điều đó khiến cho việc phát hiện sớm vụ phóng bằng vệ tinh trở nên khó khăn hơn.

Dù không chắc chắn về các loại tên lửa mới có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa, song các nhà phân tích đánh giá chương trình tên lửa của Triều Tiên ngày càng trở nên nguy hiểm và khó đoán.

>>> Đọc thêm: Tên lửa đạn đạo tàu ngầm lần đầu xuất hiện trong duyệt binh Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Nguồn: Zing News

Thích và chia sẻ bài viết này trên:

Nguồn VTC: http://vtc.vn/the-gioi/nghi-van-ten-lua-lien-luc-dia-moi-cua-trieu-tien-chi-co-vo-d316583.html