Nghĩ về nghề cầm bút

Thời gian qua, làng báo 'đón nhận' nhiều chuyện buồn. Đó là việc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng cơ quan chức năng liên tục xử lý kỷ luật một số nhà báo và lãnh đạo cơ quan báo chí. Nhẹ thì cảnh cáo, khiển trách, đình chỉ hoạt động một thời gian; nặng thì thu thẻ nhà báo hoặc cho thôi chức. Có người do đăng tải tác phẩm 'đường đường chính chính' trên tờ báo họ quản lý; lại có người bị phát hiện do quan điểm 'có vấn đề' trên facebook cá nhân. Sai phạm chủ yếu là do nhận thức chính trị lệch lạc; hời hợt trong nghiệp vụ; động cơ cầm bút thiếu trong sáng, đến mức cơ quan chức năng phải ví đó là một kiểu 'truyền thông bất lương'.

Nhà thơ Xuân Diệu từng tuyên ngôn trong thơ của mình cách đây hơn 50 năm trước: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân). Đó là công việc của những người cầm bút. Ở trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 hiện nay, có bia tưởng niệm hình ngọn đuốc ghi danh các văn nghệ sĩ, nhà báo đã hy sinh trên chiến trường Khu 5. Danh sách khá dài, trong đó có nhiều người rất nổi tiếng như: Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý…, nhưng cũng có nhiều nhà báo hy sinh lặng lẽ, ít ai biết tên. Có người không quản đạn lửa hiểm nguy chỉ để có một tấm hình đẹp, một thước phim sống động, một tin chiến sự nóng hổi. Nếu đến thăm Cựu chiến binh, Đại tá Lê Hữu Lộc, nguyên Trưởng ban Biên tập Báo Quân Giải phóng Trung Trung Bộ, ông sẽ mười lần như một giàn giụa nước mắt khi kể về năm nhà báo cùng cơ quan đã anh dũng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Hai trong số đó không tìm được hài cốt.

Vẫn biết cuộc sống hiện tại không chỉ một màu hồng. Còn đâu đó tiêu cực, bất công, suy đồi, cán bộ thoái hóa, nhũng nhiễu đập vào mắt người viết hằng ngày, nhưng nhiệm vụ của nhà báo thay vì “sống với cuộc đời chiến đấu”, làm cho xã hội tốt đẹp hơn lại trở thành thỏa hiệp, trở thành “tòng phạm” với tiêu cực, thậm chí thiếu đạo đức thì thật là đáng trách.

Có một cô bé vừa ra trường về tập sự ở một tòa báo nọ. Cô khoe: “Cháu chỉ sống bằng tin”. “Tin” chứ không phải là niềm tin như chúng ta vẫn nói vui khi quyết tâm hiện thực một điều gì đó. Tin của cô là mỗi ngày thu nhặt từ các cơ quan hay lấy lại của đồng nghiệp những chuyện giật gân, câu khách với mức nhuận bút 80.000-100.000 đồng/tin. Như vậy, mỗi ngày "bỏ túi" chừng 4 "tin mi-ni" là đủ sống. Chính cô nói: “Viết riết một thời gian thấy cuộc đời toàn màu đen tối…”.

Chuyện của cô bé tập sự chỉ là chuyện nhỏ, chuyện của những người “có râu tóc” mới là chuyện lớn. Không ai nghĩ một số nhà báo được đào tạo bài bản, được Nhà nước trả công bằng lương bổng hằng tháng lại “phán” những câu từ đi ngược với luân thường đạo lý, chuẩn mực xã hội, đánh lừa dư luận xã hội, gây phương hại cho lợi ích Tổ quốc, dân tộc. Đáng buồn nữa là nhiều nhà báo đút chân gầm bàn, ngồi trong phòng lạnh cóp nhặt thông tin, viết theo cảm tính, áp đặt chủ quan, với mục đích cao nhất là lợi nhuận kinh tế và cái uy cá nhân hão huyền…

Sứ mệnh báo chí trong bất cứ giai đoạn nào cũng lớn lao, vĩ đại. Những người làm báo hãy cùng giữ bầu nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc và luôn là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

HỒNG VÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nghi-ve-nghe-cam-but-511169