Nghịch lý án phạt CĐV Hải Phòng: Cấm CĐV Hải Phòng đến sân bằng cách nào?

Ban kỷ luật VFF đã ban hành quyết định kỷ luật cấm cổ động viên (CĐV) Hải Phòng đến sân khách hết mùa giải do hành động đốt pháo sáng trên khán đài sân Mỹ Đình. Thế nhưng điều nghịch lý là án phạt này sẽ được thi hành như thế nào?

CĐV Hải Phòng bị cấm đến sân khách hết mùa. Ảnh: Đ.H

Theo Quyết định số 308/QĐ-LĐBĐVN ngày 27.6.2017 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có ghi rõ: “Cấm CĐV Hải Phòng vào các sân vận động của đội khách có tổ chức các trận thi đấu bóng đá thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2017 do có hành vi gây mất an ninh, an toàn trong trận đấu giữa hai CLB Hà Nội và Hải Phòng tại lượt trận thứ 14, ngày 24.6.2017 trên SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội”.

Điều trớ trêu ở đây là CLB Hải Phòng không có Hội CĐV chính thức. Chính vì vậy sẽ không có thành viên chính thức nào thuộc Hội CĐV Hải Phòng do CLB quản lý. Do đó nhiều CĐV Hải Phòng sau khi biết thông tin về quyết định trên đã nói rằng điều này không có ảnh hưởng gì đến việc họ đến sân khách để cổ vũ đội bóng của mình.

Một điều cần bàn đến nữa đó là khi Ban kỷ luật VFF ban hành quyết định phạt CĐV Hải Phòng đã phải cân nhắc từ ngữ, câu chữ trong quyết định sao cho án phạt có hiệu lực phát huy cao nhất nhưng ở đây, cụ thể là đối với CĐV Hải Phòng thì án phạt dường như chỉ có hiệu lực trên giấy.

Lý do được đưa ra là ban tổ chức lấy căn cứ gì để chứng minh hay khẳng định CĐV vào sân cổ vũ là CĐV của CLB Hải Phòng nếu như họ không mặc áo của Hải Phòng cũng như không đem các băng rôn, biểu ngữ mang cá tính của người hâm mộ bóng đá đất Cảng đến sân khách để cổ vũ? Vì vậy, cụm từ “cổ động viên Hải Phòng” là không tồn tại.

Bên cạnh đó, những đối tượng đốt pháo, “có hành vi gây mất an ninh, an toàn” trong trận đấu chỉ là một số ít. Vậy, ban tổ chức lấy quyền gì để cấm khán giả đến sân để xem CLB Hải Phòng thi đấu? Và liệu ông Trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường có dám đứng trên cả luật pháp để cấm khán giả đến sân?

Thực tế thì BTC cũng rất khó kiểm để soát điều này. Trước đó, chính HLV Trương Việt Hoàng cũng đã thừa nhận, bản thân CLB không thể quán triệt được hành vi của các CĐV do họ không có Hội CĐV chính thức, không trực thuộc đội bóng nên không thể quản lý.

Trước đây, khi giai đoạn lượt về V.League 2009 bắt đầu, UBND thành phố Hải Phòng đã ký quyết định thành lập Hội CĐV Hải Phòng với hy vọng sẽ giúp các CĐV cổ vũ văn hóa, chuyên nghiệp hơn và Hội CĐV này chịu sự quản lý của UBND Thành phố. Tuy nhiên, ở V.League 2009, CĐV Hải Phòng tiếp tục thể hiện cá tính mạnh của mình ở một số trận đấu, chính điều này khiến đội bóng bị phạt tiền từ ban tổ chức và chịu phạt một trận đá trên sân nhà không khán giả.

Ngay sau đó, UBND thành phố đã quyết định giải tán Hội CĐV với lý do hoạt động không hiệu quả, không quản lý được hội viên để một số kẻ quá khích gây rối, làm thiệt hại về kinh tế cho CLB, làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Hải Phòng.

Án phạt trên đã cho chúng ta thấy sự trớ trêu trong công tác quản lý bóng đá và cụ thể là việc thực thi những án phạt cũng phải cân nhắc “câu chữ” cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó, VFF sẽ phải cố gắng, thay đổi rất nhiều để có được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan.

HOÀI ĐAN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/nghich-ly-an-phat-cdv-hai-phong-cam-cdv-hai-phong-den-san-bang-cach-nao-677476.bld