Nghịch lý chất lượng dưới tối thiểu, tốt nghiệp trên 90%

Trong khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận "giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu" thì tỉ lệ tốt nghiệp trên cả nước năm nào cũng đạt trên 90%. Vậy, hiện tượng đó đang phản ánh điều gì trong nền giáo dục hiện nay?

( ĐVO ) - Trong khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận "giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu" thì tỉ lệ tốt nghiệp trên cả nước năm nào cũng đạt trên 90%. Vậy, hiện tượng đó đang phản ánh điều gì trong nền giáo dục hiện nay?

Chất lượng giáo dục chưa đảm bảo mức tối thiểu

Chiều 15/8, UB Thường vụ Quốc hội dành thời gian thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cuộc giám sát được UB Thường vụ tiến hành từ đầu năm 2013, đến nay đã có kết quả cuối cùng.

Nhiều vấn đề về giáo dục đã được bàn luận tại phiên thảo luận. Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đánh giá, về quy mô mạng lưới của các cơ sở giáo dục phổ thông, các loại hình giáo dục phát triển khá đa dạng, phù hợp với xu thế và đòi hỏi của thực tiễn.

"Giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu"

Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa bám sát được định hướng, mục tiêu đề ra và còn nhiều bất cập về cơ chế hoạt động, quản lý.

Về việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa GDPT, cũng được đánh giá là đúng quy trình, nghiêm túc, có nhiều điểm mới...

Tuy vậy, việc biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong chương trình, trong sách chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”...

Ngoài ra, vấn đề phân ban ở cấp THPT cũng được mổ xẻ và được đánh giá là không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng “phê” thẳng: trên thực tế, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.

Xác nhận nhiều nội dung đánh giá, kết luận của đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận: "Trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu".

Tốt nghiệp năm nào cũng trên 90%

Mặc dù Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn thừa nhận giáo dục phổ thông không đảm bảo cho chất lượng tối thiểu nhưng trên thực tế tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nào cũng đạt trên 90%. Việc đó phản ánh điều gì?

Báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT về kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2013 cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay có giảm, nhưng mức giảm không nhiều so với năm ngoái.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước là 97,52%. Trong đó địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 99,91%. Địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất thuộc khu vực miền núi phía Bắc đạt 94,19%

Cũng qua thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp năm nay có nhiều bài thi đạt điểm tối đa, đặc biệt môn Văn với hình thức nghị luận, đề thi mở, có những bài thi đạt điểm 10.

Trong khi đó, theo ghi nhận của báo chí, nhiều trường có tỷ lệ học sinh yếu kém cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp vẫn trên 90%.

Bỏ thi tốt nghiệp THPT

Nhìn nhận bất cập này, ngày 31/7, phát biểu về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mạnh dạn đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Kỳ thi nào cũng đỗ 99%, 100% thì cần gì phải thi nữa. Có một năm chúng ta thắt chặt thì có trường chỉ đỗ 20%, nhưng có thắt chặt mãi được không? Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học cách nhau gần quá, khổ cực cho người học, gia đình, nhà trường, địa phương”, bà Doan nói.

Phó chủ tịch nước cũng “đề nghị Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổng hợp đầy đủ, chi tiết để gửi đến Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng sắp tới”.

Đáp lại ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT của Phó chủ tịch nước.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo chiều 1/8, khi trả lời về chất lượng tốt nghiệp năm nay liệu có thực chất, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: “Với tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương cao chót vót như hiện nay trong điều kiện dạy học hiện tại thì có thể khẳng định là chưa thực chất. Câu trả lời đến bao giờ kết quả mới thực chất thì rất khó trả lời", Thứ trưởng Hiển nói.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/201308/nghich-ly-chat-luong-duoi-toi-thieu-tot-nghiep-tren-90-2352669/