Nghịch lý chế độ dành cho tuyển thủ quốc gia: 90% không bảo hiểm y tế, kinh phí chỉ đủ chữa bong gân

Khi lên tập huấn đội tuyển quốc gia (ĐTQG), trước khi mong phát huy được hết khả năng, phấn đấu có thành tích quốc tế cao, nhiều tuyển thủ phải “cầu Trời không bị chấn thương và mất nghiệp”. Thống kê sơ bộ, có đến 90% trong số hơn 1.000 tuyển thủ quốc gia của 40 môn được triệu tập lên ĐTQG của các môn thể thao hằng năm không có bảo hiểm y tế.

Những bi kịch

Nhiều tháng nay, kiếm thủ giành 9 HCV SEA Games Nguyễn Thị Lệ Dung vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được ngành thể thao đưa sang Singapore phẫu thuật 2 đầu gối chấn thương từ cách đây… 9 năm. Lệ Dung không có bảo hiểm y tế, trong khi ngành thể thao chỉ có thể lo cho chị một khoản chỉ đáp ứng khoảng 1/5 chi phí thực tế.

Bi kịch của Nguyễn Thị Lệ Dung cũng giống như hàng loạt tuyển thủ từng trải qua, thậm chí Dung chưa phải là trường hợp bi kịch nhất. Bởi cuối cùng, Dung cũng được tạo điều kiện cho đi phẫu thuật. Thậm chí, tuyển thủ quốc gia này còn được đưa sang Singapore chữa trị chấn thương, dù qua 6 tháng thì giờ vẫn chờ đợi thủ tục để được mổ gối.

Hai năm nay, cựu tuyển thủ từng giành HCV SEA Games và vô địch thế giới môn đá cầu người Hà Nội Nguyễn Huyền Trang (ảnh) phải ngày ngày chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Bệnh tật hiểm nghèo mà Trang phải gánh chịu đúng như lời của chị tâm sự, đó là “sự bất công của số phận mà chỉ biết trách ông Trời”. Dù vậy, nỗi đau của Huyền đã có thể đỡ hơn nhiều, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, nếu Huyền là người “trong khung” mà đơn giản nhất là có bảo hiểm y tế.

Tập luyện, thi đấu đá cầu từ năm 14 tuổi, giành hàng loạt chiến tích sáng giá, trong đó có đủ bộ HCV thế giới và SEA Games, song khi giải nghệ Trang trở về với hai bàn tay trắng. Trong suốt 10 năm gắn bó với đá cầu và giành biết bao chiến công, Trang chỉ là VĐV hợp đồng ngắn hạn của ngành thể thao Hà Nội, với mức thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng và không hề có bảo hiểm y tế.

Trang đã phải làm lại từ đầu, với quá nhiều khó khăn mang tính đặc thù của dân thể thao sau khi mất nghiệp vì chấn thương để có thể tìm kiếm một công việc mới ổn định lâu dài. Thậm chí, thời điểm lấy chồng, Trang giống như người thất nghiệp và lao động tự do. Khi phát hiện ra bệnh tật hiểm nghèo, gia đình Huyền đã phải tự mua bảo hiểm y tế tự nguyện để đỡ thêm phần nào kinh phí, và đến giờ số tiền bỏ ra để chữa trị cho Huyền đã lên tới cả nửa tỉ đồng.

Phẫu thuật tiền tỉ, mức chi trả… 50 triệu

Theo quy định, chỉ có những VĐV đã vào biên chế chính thức mới được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, phần lớn VĐV, kể cả nhiều nhà vô địch thế giới như Nguyễn Huyền Trang, đều là các đối tượng không ở trong diện này.

Như thống kê sơ bộ, có đến 90% trong số hơn 1.000 tuyển thủ quốc gia của 40 môn được triệu tập lên ĐTQG của các môn thể thao hằng năm không có bảo hiểm y tế. Nếu trong thời gian ở đội tuyển mà bị chấn thương đau ốm, tất nhiên họ vẫn sẽ được các Trung tâm Huấn luyện nơi tập huấn chăm sóc, chữa trị. Tuy nhiên, do số tuyển thủ quốc gia quá đông, kinh phí lại quá hạn hẹp nên ngành thể thao chỉ lo được một số loại bệnh tật thông thường, đơn giản ngay tại bệnh viện chuyên ngành, nơi có chế độ miễn giảm đặc biệt. Như ví von của những người trong cuộc thì nếu tính mức chi trung bình, chế độ chữa trị chấn thương đôi khi chỉ đủ để chữa các ca tuyển thủ bị…bong gân.

Còn nếu lỡ phải phẫu thuật, điều trị dài ngày, nhất là khi phải nhờ cậy bệnh viện ngoài, ngành thể thao sẽ xem xét cân đối từ các nguồn khác để bù vào, song cao nhất cũng chưa bao giờ tới 100 triệu đồng. Điều đó đối với các tuyển thủ quốc gia, kể cả những người nổi tiếng và có nhiều đóng góp, thực sự là một thảm họa. Bởi khi ấy, hoặc họ phải chờ vào ngành thể thao xoay xở cấp thêm trong một thời gian rất lâu, trông vào lòng hảo tâm của các nhà tài trợ và Mạnh Thường Quân, hoặc gia đình phải bỏ tiền ra bù vào. Không ít tuyển thủ tên tuổi và gia đình đã mất cả số tiền chắt bóp nhiều năm từ tiền công, tiền thưởng rồi thậm chí rơi vào cảnh nợ nần để có tiền chữa trị chấn thương.

Với mức hiện tại, không có tuyển thủ nào, dù có chấn thương nặng đến đâu có cơ hội được ra nước ngoài điều trị, phẫu thuật. Đơn cử, trước kiếm thủ Lệ Dung một ngôi sao như võ sĩ từng giành HCV ASIAD 2006 Vũ Nguyệt Ánh cũng phải chờ tới 2 năm khi có nhà tài trợ 400 triệu đồng mới thực hiện được ca mổ chấn thương dai dẳng. Hay 2 hảo thủ bóng chuyền Ngô Văn Kiều và Nguyễn Thị Ngọc Hoa dù dính chấn thương nặng trên tuyển song cũng phải nhờ nguồn kinh phí của CLB.

Nguy cơ chấn thương luôn treo lơ lửng, việc tập luyện và thi đấu của các tuyển thủ quốc gia còn đang bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng thiếu thuốc và thực phẩm thuốc chuyên dụng nghiêm trọng. Khi lên tập huấn các ĐTQG, theo quy định sẽ được đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc và thực phẩm thuốc đặc thù. Tuy nhiên, cũng do bó buộc kinh phí có khi tới 9 tháng trong năm, kể cả các ngôi sao và trụ cột của ĐTQG thuộc diện “quy hoạch có huy chương”, nếu tập luyện trong nước cũng chỉ được dùng một số loại thuốc bổ sản xuất nội địa và được cấp nhỏ giọt theo đợt. Đó là số thuốc được các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia mua nhờ kinh phí trích từ nguồn sự nghiệp chung. Chỉ có vài tháng trước các giải đấu quan trọng, ngành thể thao mới được cấp kinh phí để mua thực phẩm thuốc và thuốc chuyên dụng. Thế nhưng khi đó các tuyển thủ lại rơi vào cảnh “no dồn đói góp”, dùng kiểu gì cũng không hết và không hiệu quả.

Nếu VĐV được gọi lên ĐTQG mà bị bệnh hay dính chấn thương, trung tâm sẽ chi tiền chữa trị, chủ yếu tại bệnh viện chuyên ngành cho đến khi đội giải tán. Chỉ có điều, nếu thời gian điều trị kéo dài quá thời gian tập trung thì sau đó họ sẽ không thuộc quân số của ĐTQG nữa và khi đó, không còn chế độ gì nữa. Khi trở về địa phương, chỉ một vài nơi thực sự quan tâm, còn đa số sẽ đẩy trả trách nhiệm cho bên trên với lý do đại loại chấn thương trong thời gian làm nhiệm vụ quốc gia thì quốc gia phải lo. Trong tình thế ấy, cuối cùng chỉ có chính VĐV lãnh đủ khi phải tự lo cho chính mình.

DŨNG TÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/nghich-ly-che-do-danh-cho-tuyen-thu-quoc-gia-90-khong-bao-hiem-y-te-kinh-phi-chi-du-chua-bong-gan-650667.bld