Nghịch lý cộng điểm ưu tiên: Một ngôi trường, hai mức ưu tiên

Cùng học một trường với hệ thống giáo dục như nhau, chỉ khác trụ sở cách nhau hơn 5km nhưng học sinh Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) học tại địa điểm Thanh Trì được cộng 0,5 điểm ưu tiên, còn tại Cầu Giấy thì không.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, cho rằng chế độ điểm ưu tiên đang thể hiện những điều bất hợp lý. Ảnh: Huyên Nguyễn

Học sinh được cộng “oan”

Chia sẻ với PV báo Lao Động, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh - cho rằng, chế độ điểm ưu tiên đang thể hiện những điều bất hợp lý.

Cụ thể, Trường Lương Thế Vinh có hai địa điểm học để thuận tiện cho học sinh đi lại là cơ sở ở quận Cầu Giấy và ở huyện Thanh Trì. Hai địa điểm cách nhau hơn 5km. Thế nhưng, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em nào học ở Thanh Trì thì được cộng thêm 0,5 điểm ưu tiên, các em học ở Cầu Giấy thì không được cộng. Đây chính là một ví dụ nhỏ về những điều bất cập.

“Nói chung, phần lớn học sinh học ở Thanh Trì đều ở nội thành cả, số lượng các em ở ngoại thành rất ít, thành ra các em đó bị cộng điểm "oan", cũng không lấy gì làm vui vẻ cho lắm”, thầy Cương cho hay.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cũng đưa trăn trở về trường hợp của thí sinh Nguyễn Phùng Hưng (Thạch Thất, Hà Nội) cũng là một trong những bất cập đáng phải bàn. Ở đợt xét tuyển vào đại học vừa qua, Nguyễn Phùng Hưng đạt 29,15 điểm (khối B), theo quy chế, Hưng sẽ được làm tròn thành 29,25, vừa đủ điểm đỗ chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội. Thế nhưng, do trường đặt thêm tiêu chí phụ, yêu cầu tổng điểm 3 môn trước khi làm tròn phải đạt từ 29,2 trở lên. Như vậy, chỉ vì thiếu 0,05 điểm, Hưng đã trượt Đại học Y Hà Nội.

Cũng theo tiêu chí phụ này, có rất nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên nên dù điểm thi thực tế thấp hơn nhiều điểm của Hưng nhưng vẫn trúng tuyển.

Điểm ưu tiên tối đa chỉ nên là 1 điểm

Bàn về vấn đề có nên duy trì mức điểm ưu tiên hay không, PGS Văn Như Cương khẳng định: Tôi vẫn ủng hộ chính sách cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề cộng điểm ưu cần phải thay đổi. Đối tượng cộng điểm cần được thu hẹp như người có công, dân tộc vùng cực kỳ khó khăn thì mới nên cộng điểm.

"Cũng cần nhìn nhận lại mức cộng điểm sao cho hợp lí. Một mặt phải chiếu cố đến những đối tượng như trên, mặt khác phải đảm bảo chất lượng chung của nền giáo dục thì không thể hi sinh nhiều. Số cộng điểm tối đa lên mức 3,5 điểm trong khi điểm sàn chỉ là 15,5 thì mức điểm này lớn quá. Hiện tại, chỉ chênh nhau 0,1 điểm đã có người đỗ, người trượt rồi, huống gì chênh nhau 3,5 điểm thì bao nhiêu người sẽ “trượt oan” – thầy Cương phân tích.

Theo thầy Văn Như Cương, điểm ưu tiên tối đa chỉ nên là 1 điểm và cần quy định lại chặt chẽ hơn nữa đối tượng được cộng điểm ưu tiên.

Đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương, PGS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – cho hay: Với việc chỉ chênh lệch 0,1 điểm thôi cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đỗ và trượt nên cần thiết phải thay đổi lại quy chế cộng điểm. Thiệt thòi cho các em ở khu vực không được ưu tiên đã thể hiện rõ ở kỳ thi năm nay, Bộ GDĐT nên chủ động có những thay đổi để đảm bảo tính công bằng cho mỗi thí sinh.

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/nghich-ly-cong-diem-uu-tien-mot-ngoi-truong-hai-muc-uu-tien-690338.bld