Nghịch lý giá nhà ở Việt Nam đắt gấp 25 lần thu nhập: Giấc mơ an cư vẫn còn xa xôi!

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khẳng định, giá nhà ở của Việt Nam đang cao gấp 20-25 lần so với thu nhập trung bình của người dân.

Báo Công an TP Hồ Chí Minh đưa tin, tại buổi làm việc của Ban Kinh tế Trung ương với Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vào chiều ngày 8/9, đoàn công tác đã lắng nghe nhiều chuyên gia đánh giá thực trạng bất động sản trên địa bàn thành phố.

Dự án căn hộ cao cấp tại dự án d’Edge Thảo Điền. Ảnh: báo Trí thức trẻ

Chủ tịch HoREA - Lê Hoàng Châu nhận định, giá nhà ở Việt Nam quá cao so với thu nhập của người dân. Điển hình như so với Hàn Quốc, giá nhà chỉ đắt khoảng 5-6 lần thu nhập của người dân nhưng tại nước ta thì giá cao gấp 20-25 lần so với thu nhập trung bình.

Điều này đã ảnh hưởng đến đại bộ phận người lao động có thu nhập trung bình, thấp trong toàn xã hội. Về phía doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội thì không được hưởng sự hỗ trợ từ chính sách.

Theo báo VTC News, ông Châu cho hay, hiện TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ dân nhập cư tăng 37% trong thời gian gần đây. Hiện số dân đã lên 13 triệu, vì vậy nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn.

Trong khi đó dòng tiền chảy vào bất động sản đang có sự lệnh pha, nghiêng về phía bất động sản cao cấp nhiều hơn. Trong khi nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ đang có nhu cầu mà chưa có bất cứ chính sách ưu đãi nào để thu hút doanh nghiệp tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu.

Ông Châu ví dụ, như trường hợp của công ty thực hiện xây nhà cho thuê 49 năm nhưng công ty cũng tự xoay sở, mà không hề được hỗ trợ. Hiện nay gói 30.000 tỉ đồng đã hết nên nhiều doanh nghiệp xin trả lại dự án nhà ở xã hội không làm nữa do không còn vốn vay ưu đãi. Trong khi đó người dân nghèo cũng không còn cơ hội vay được vốn ưu đãi để mua được nhà.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc có loại hình nhà ở xã hội cho thuê suốt đời với diện tích từ 30m2 trở xuống. Nếu đối tượng này thoát nghèo thì có thể trả lại căn nhà diện tích nhỏ và tiếp tục thuê loại nhà có thời hạn thuê trong vòng 50 năm nhưng có diện tích lớn hơn.

“Đây có thể là những kinh nghiệm mà chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu và học hỏi. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho chủ trương làm nhà ở xã hội phát triển thì vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng”, ông Châu nhận định.

Báo Dân Việt thông tin thêm, bàn về giá nhà ở Việt Nam, một số chủ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh cho rằng chưa tạo đà phát triển được nguồn cung nhà giá rẻ và nhà cho thuê thì người nghèo đô thị vẫn sẽ không thể mua nhà.

Cũng theo ông Đực, trong bối cảnh người thu nhập trung bình trở xuống khó tiếp cận nhà ở thì các dự án trùm mền tại TP Hồ Chí Minh đang không chỉ để lại khối nợ lớn từ ngân hàng, nhà nước, nợ đối tác… và khách hàng mà còn đang gây lãng phí quỹ đất trong khi người nghèo không có nhà ở.

Liên quan đến vấn đề này, báo Trí thức trẻ cũng cho biết, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng khẳng định: “Đừng kêu giá nhà cao mà chẳng qua là do lương người lao động quá thấp. Báo chí vẫn thường nêu giá nhà Việt Nam cao quá. Nhưng tôi tìm mãi không thấy thống kê nào cho thấy Việt Nam nằm trong TOP 20 nước có giá nhà cao nhất thế giới.”

Mặc dù giá nhà ở Việt Nam so với các thành phố trong khu vực không cao tuy nhiên thực tế cho thấy nếu so sánh giá nhà với thu nhập của người dân thì sự chênh lệch là quá lớn, người dân tại các đô thị lớn đang phải gồng mình gánh giá cao gấp 20-25 lần thu nhập. Điều này đặt ra bài toán để người dân có thể mua nhà thì phải tăng thu nhập hoặc các cơ quan quản lý phải có chính sách hỗ trợ nhằm hạ giá nhà cho người dân.

(Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/kinh-doanh/nghich-ly-gia-nha-o-viet-nam-dat-gap-25-lan-thu-nhap-giac-mo-an-cu-van-con-xa-xoi-a201648.html