Nghịch lý: Người bị oan phải có đơn... mới được xin lỗi?

Thảo luận về luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV này, một vấn đề được đặt ra của cơ quan soạn thảo, đã khiến không chỉ rất nhiều đại biểu, mà cả xã hội bức xúc.

Đó là: Những người bị hình ngục oan sai do người có trách nhiệm của các cơ quan tố tụng hình sự gây ra, phải có đơn xin thì mới được cơ quan gây oan xin lỗi.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), người bị tù oan 10 năm (được bồi thường 7,2 tỉ đồng) đã yêu cầu bồi thường tinh thần cho cả vợ, con... (Ảnh: Hà An/Thanh niên)

Những người có chủ trương trên cho rằng cải chính công khai là một quan hệ dân sự, thuộc về quyền nhân thân. Nên chỉ khi người bị oan có đơn xin, thì Nhà nước mới tổ chức công khai xin lỗi.

Nhưng sự thực thì ở đây, mối oan của công dân do cơ quan Nhà nước gây ra. Và cơ quan Nhà nước gây oan cho công dân trong khi tiến hành tố tụng, tức là khi thực thi công vụ. Vì vậy, xin lỗi, phục hồi danh dự cho công dân bị oan do mình gây nên, là một trách nhiệm công vụ, chứ hoàn toàn không phải là một quan hệ dân sự.

Những người bị tù oan, như Trần Văn Thêm, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long..., kể từ lúc bị cơ quan chức năng khởi tố, còng tay bắt vào nhà giam, cho đến lúc được tuyên vô tội, là một quãng đời rất dài, là dằng dặc những nỗi khổ đau không bút mực nào tả xiết.

Bởi “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Người tù bị tước quyền công dân, bị giam hãm cách biệt hẳn với xã hội bên ngoài. Ngày ngày phải dằn vặt, dằng xé, uất ức về tội lỗi mà mình không phạm nhưng vẫn phải gánh. Nhiều người đến lúc chết vẫn không sao cởi được oan tình.

Ngồi tù, dẫu chỉ một ngày thôi, thì danh dự, nhân phẩm cũng bị tổn hại vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp được. Vì vậy, cơ quan gây oan cho họ cần nhận thức đầy đủ về tác hại của nỗi oan do mình gây ra đối với cá nhân những người bị oan, cũng như đối với xã hội, là vô cùng lớn.

Và đã có lỗi, thì phải chủ động, chân thành xin lỗi. Có lỗi mà chủ động, chân thành xin lỗi, là cách hành xử của một Nhà nước công bằng và văn minh. Ngược lại, nếu phải chờ có đơn mới tổ chức xin lỗi, thì đó chính là một cách hành xử mọi rợ, dã man, không thể chấp nhận được. Bởi làm thế, tức là cơ quan gây oan vẫn coi mình đúng, mình đứng trên, có xin thì mới cho, như là một sự ban phát. Chẳng lẽ cơ chế xin - cho lại tồn tại ngay trong những vụ án oan gây chấn động xã hội?

Nhiều người bị oan, đến lúc được ra khỏi nhà tù, vẫn không biết mình có quyền đòi được xin lỗi và bồi thường theo quy định của luật. Vậy, chẳng lẽ do họ không biết, không có đơn, mà cơ quan gây oan thoát khỏi trách nhiệm gây oan của mình?

Không! Dứt khoát không thể để quy định này tồn tại trong luật. Không những thế, cần phải có chế tài buộc các cơ quan gây oan, trong một thời hạn nào đó, phải chủ động liên hệ với người bị oan để tổ chức xin lỗi công khai đối với họ, mà không cần bất cứ một thứ đơn từ nào. Quá thời hạn đó, thì phải chịu trách nhiệm. Bởi xã hội ta là một xã hội “công bằng, dân chủ và văn minh".

VŨ HỮU SỰ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nghich-ly-nguoi-bi-oan-phai-co-don-moi-duoc-xin-loi-post195404.html