Nghịch lý tiền lương và giá cả

Tiền lương- giá cả bao giờ cũng đi liền với nhau. Trước vấn đề lương cơ sở sắp tăng từ ngày 1/7/2017 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng, đã không ít người lo ngại lương chưa kịp tăng, giá cả đã leo thang.

Theo Nghị Định 31/2012/NĐ-CP thì Lương tối thiểu chung là: áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho NLĐ làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng… Trong vòng xoáy của lạm phát hiện nay, mức lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu chứ đừng nói đến việc tích lũy để tái sản xuất mở rộng sức lao động.

Bàn về vấn đề khác, tiền lương công chức thua xa mặt bằng tiền công, tiền lương trên thị trường. Có thể sẽ chạnh lòng, nhưng thực tế, lương của một tiến sĩ khoa học, một cán bộ cấp phòng, ban không bằng người giúp việc trong gia đình xếp loại trung lưu hiện nay và thua xa lương của một anh lái xe taxi ở các thành phố lớn.

Vậy mới thấy kinh tế đất nước còn nhiều cái khó. Càng hiểu người lao động từ cơ quan nhà nước đến các nhà máy, xí nghiệp còn đủ gian nan. Nhiều khu công nghiệp, trong Nam, ngoài Bắc người lao động với đồng lương vài triệu đồng mà trang trải cho đủ thứ. Nào tiền nhà, tiền học hành, tiền sữa cho con. Mâm cơm quá đạm bạc, lao động tăng ca, tăng giờ như vắt kiệt sức trẻ. Rõ ràng đồng lương không đủ sống. Nhiều cô gái sợ không dám lấy chồng, nhiều chàng trai ngại cả lấy vợ, vì đồng lương hằng tháng không đủ neo đậu bờ bến hạnh phúc cho một gia đình! Không thiếu những cặp vợ chồng từ phía Bắc vào làm ở các khu công nghiệp phía Nam gần chục năm chưa một lần về quê!

Nhìn nhận chuyện tăng lương là câu chuyện dài: Bao giờ lương mới đủ sống? Khi có thông tin về tiền lương tăng, bao nhiêu mặt hàng đã trượt giá trước, từ mớ rau muống đến từng cân gạo, cả những vật dụng trong gia đình, mỗi thứ một ít, tích tiểu thành đại. Có thể nói, việc xem xét về vấn đề tăng lương còn dễ hơn là việc bình ổn định giá trên thị trường.

Ổn định hóa ra mới là điều người lao động đang ước đang mơ! Còn cứ tăng lương mà giá cả tăng loạn thì cuộc chạy đua giữa lương tăng vài trăm nghìn đồng một tháng cũng chả thể theo kịp được cái tăng giá như đang thi nhau chạy trước kia! Người lao động quá lo: Lương tăng chỉ mới có quyết định trên giấy, đã ai cầm được thêm đồng nào đâu, mà giá cả thì cứ như dọa sắp tăng đủ thứ? Vậy, việc quản lý giá phải thế nào cho hợp lý? Nếu không đồng tiền lương dù có tăng thế nào cũng có ý nghĩa gì?

Lương chưa tăng, mà giá đủ thứ dọa tăng! Nghịch lý ấy bao giờ mới được giải tỏa để người làm công ăn lương thực sự cảm nhận được đời sống có bước đi lên, sự quan tâm điều chỉnh lương có lợi cho cuộc sống người lao động và tương lai con cái họ?

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nghich-ly-tien-luong-va-gia-ca-0129759.html