Ngộ độc kim loại khi dùng xoong nhôm tái chế nấu nướng

Xoong, nồi tái chế từ nhôm thải được ngâm tẩm trong hóa chất trở nên trắng bóng đang được bán tràn lan với giá rẻ trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng, không nên dùng nấu ăn vì các tạp chất sẽ bị thôi ra trong quá trình nấu nướng gây hại sức khỏe.

Xoong nhôm tái chế. Ảnh: VTV

Xoong nhôm tái chế. Ảnh: VTV

Xoong biến màu sau vài lần sử dụng

Những ngày gần đây, hàng loạt các phóng sự về việc sản xuất xoong nhôm tái chế được đăng tải đã khiến nhiều người giật mình. Loại nhôm tái chế sau khi ra lò thường có màu đen xỉn. Nhưng khi được cán thành xoong, nồi bán ra thị trường hầu hết các sản phẩm này đều có màu sắc sáng loáng. Trước đó các cơ sở sản xuất đã cho ngâm nồi, xoong vào trong bể hóa chất khoảng 10 phút, sau đó vớt ra rồi lập tức được rửa lại bằng nước sạch.

Chỉ vài chục nghìn đồng một sản phẩm, nồi nhôm “siêu rẻ” được bày bán tại các chợ và được người bán rong rao bán tận nhà. Nhiều người với tâm lý “rẻ mà đẹp” đã lựa chọn làm vật dụng để nấu nướng, nhất là đối tượng sinh viên và người có thu nhập thấp.

Gia đình bà Thảo (ở Hà Nội) cho biết, đồ dùng nấu nướng của gia đình đều bằng nhôm, từ nồi niêu xoong chảo. Thi thoảng bà hay mua hàng của những người bán rong rao tận cửa nhà. Nhìn những sản phẩm có độ bóng sáng, phẳng mịn mà giá thành rẻ bà liền mua ngay mà không quan tâm có nhãn mác hay không. Mới đây, bà vừa chọn mua một bộ chày cối bằng nhôm đúc với giá 40.000 đồng. Thế nhưng chỉ mới dùng được một thời gian ngắn, những đồ dùng này bị xám đen và nổ lỗ chỗ. Khi cọ rửa nước thôi ra có màu đen, các gỉ xuất hiện ngày càng nhiều khiến bà không khỏi lo lắng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (Đại học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, với đồ nhôm được sản xuất đúng công nghệ, kỹ thuật thì đảm bảo sức khỏe người dùng. Nhưng nếu sản phẩm nhôm tái chế dùng bằng phế liệu, pha tạp thì việc sản phẩm nhôm chứa các chất độc hại vượt quá quy định cho phép đối với sức khỏe cũng không tránh khỏi. Nồi nhôm tái chế sản xuất chủ yếu bằng thủ công nguồn nguyên liệu từ phế thải. Chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, sẽ ôxy hóa nên bị xỉn, rỗ mặt, có hiện tượng ăn mòn, độ bền không cao.

Không nên dùng để nấu ăn

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, nhôm được chia làm hai loại. Loại nhôm dẻo tinh khiết được ép hoặc gò thành xoong, nồi và được cho là an toàn đối với sức khỏe. Loại gang nhôm hay còn gọi nhôm giòn là sản phẩm của nhôm tái chế tận thu được đúc thành đồ gia dụng xoong, nồi, chảo, chày, cối… Loại này thường rất giòn và nó được xếp vào nhóm nhôm “bẩn” nên không sản xuất để đun nấu thức ăn cho người.

Bởi nó có nồng độ xylene và thạch tín cao. Đồng thời, chúng còn bao gồm các loại hợp kim khác có chứa nhôm có thể chứa nhiều kim loại nặng. Trong khi nung chảy, đúc, người ta không loại bỏ được những tạp chất này đi. Nếu sử dụng xoong nhôm tái chế để nấu cám lợn thì không sao nhưng để nấu ăn, nhất là dùng nấu canh chua hay thứ có chất hữu cơ có khả năng tạo phức với các kim loại sẽ thôi ra lẫn vào đồ ăn thức uống gây nhiễm độc kim loại nặng cho người sử dụng.

“Còn trường hợp nấu, đúc xong các cơ sở đem tráng bằng kiềm hoặc axít cho trắng và tạo màu trắng bạc để không xỉn màu thì không đáng lo ngại. Cách này làm cho bề mặt phủ một lớp oxit nhôm lên trên bảo vệ lớp kim loại bên trong không bị oxi hóa. Chỉ khi lớp oxit nhôm đấy bị thủng ra sẽ gây hại cho sức khỏe. Để đề phòng bệnh tật do nhôm tái chế gây ra, tốt nhất người dân không nên sử dụng nồi, xoong nhôm để đun nấu đặc biệt các sản phẩm nhà bếp từ nhôm tái chế. Thay vào đó nên chọn những đồ dùng có thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay.

Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ là nguyên nhân làm loãng máu, da xanh, hủy hoại hồng cầu cho người dùng. Ở mức độ nhiều hơn chúng sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan và nặng hơn gây độc cấp tính... Với asen (thạch tín) liều lượng chỉ 0,06g cũng có thể gây ra ngộ độc, liều cao hơn có thể chết người. Trong trường hợp bị nghi ngờ nhiễm độc kim loại nặng, cần phải đến bệnh viện để được điều trị.

Đối với đồ nhôm dù là nhôm tốt, nếu không được xử lý bề mặt tốt thì độ ăn mòn của nhôm cao nhất là trong môi trường muối, chua. Khi sử dụng đồ nhôm trong ăn uống tránh để đựng thức ăn qua đêm, không dùng để đựng những đồ ăn mặn như cá kho, thịt kho, canh chua, không dùng đồ nhôm để muối dưa cà.

Về cách nhận diện các sản phẩm làm từ nhôm “bẩn” theo các chuyên gia, người tiêu dùng chỉ cần quan sát màu sắc bên ngoài. Nếu vật dụng là nhôm nguyên chất thì bề mặt sáng, bóng hơn và có thể yên tâm sử dụng tiếp. Còn nhôm tái chế nhiều tạp chất thì màu xỉn, màu sắc bề mặt không đều, có thể có vết rỗ, thường đúc bằng khuôn. Ngoài ra, nhôm tái chế giòn, không dẻo.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/ngo-doc-kim-loai-khi-dung-xoong-nhom-tai-che-nau-nuong-201709121009198.htm