Ngộ độc rượu chết nhiều người: Sống chết tại số hay trách nhiệm tại 'trời'?

Hàng loạt vụ ngộ độc rượu xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng.

Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người tử vong thời gian qua khiến dư luận bất an, lo ngại về công tác quản lý mặt hàng này tại các địa phương. Ảnh: D.N.

Bản thân ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã lên tiếng: Nhiều người tử vong do ngộ độc rượu, song không phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, dẫn đến thực tế khó xử lý, các vụ việc nghiêm trọng vẫn liên tiếp diễn ra. Do vậy, thời gian tới cần có phân công cụ thể trách nhiệm để mỗi khi xảy ra sự việc, xử lý trách nhiệm đúng người, đúng việc, đúng đối tượng.

Điệp khúc... khó

Làm sao để thắt chặt công tác quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu là vấn đề đang được đặt ra? Đây cũng là lý do để Bộ Y tế tổ chức hội thảo tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí và điều trị ngộ độc rượu có methenol (ngày 10/4). Theo ông Nguyễn Viết Tiến, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP (Nghị định 94), có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm siết chặt việc sản xuất, kinh doanh rượu, tuy nhiên qua gần 4 năm thực hiện, tình trạng nấu rượu, bán rượu không phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng vẫn tràn lan trên thị thường, đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân. Hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu trong thời gian ngắn vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn nạn này đã, đang và sẽ đe dọa tính mạng của mỗi người, do vậy các cơ quan chức năng không thể chủ quan.

“Hầu hết những người ngộ độc rượu tử vong là đối tượng còn trẻ, là lao động chính song lại chết một cách tức tưởi, những người sống sót cũng để lại hậu quả nặng nề, vậy khi truy cứu, việc này sẽ thuộc trách nhiệm của của cơ quan cụ thể nào, chứ không chỉ nói sống chết tại số hay trách nhiệm tại “trời”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng, Nghị định 94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải đáp ứng những điều kiện như: Có giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh; sản xuất phải có đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu… nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ việc sản xuất rượu công nghiệp, thủ công, kinh doanh phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu trên thị trường. Tuy nhiên theo khảo sát, phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các hộ nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh vẫn còn rất thờ ơ, thậm chí rất nhiều hộ chưa biết đến Nghị định 94. Việc nấu rượu của các hộ này hoàn toàn theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, tự nấu, tự tiêu thụ, sử dụng men sản xuất trôi nổi, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, việc phân cấp quản lý sản phẩm rượu gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát bởi ngành Công Thương được giao quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh rượu nhưng rượu ngâm thuốc lại do ngành Y tế quản lý. Chưa kể, lực lượng cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành còn mỏng nên việc triển khai các hoạt động thẩm định điều kiện sản xuất, kinh doanh, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời. “Chưa kể chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, chưa quan tâm đầy đủ về nhân lực và ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý, thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu”, ông Nguyễn Phú Cường nêu.

Bỏ thói quen uống rượu trôi nổi

Để siết chặt quản lý việc kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, cần phải có chế tài xử lý đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép. Đặc biệt, với cồn công nghiệp, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải pha thêm màu để người dân phân biệt, tránh uống phải rượu pha cồn công nghiệp. Cũng theo ông Cường, hiện Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định mới về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu để thay thế Nghị định 94 và sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới. Theo đó, Nghị định thay thế vẫn kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định 94, đồng thời có sửa đổi, bổ sung một số nội dung, trong đó, có việc siết chặt quản lý đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công, bán lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Cụ thể, đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công, dự thảo Nghị định vẫn giữ nguyên 3 hình thức sản xuất rượu thủ công như trong Nghị định số 94, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn. Theo đó, đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, vẫn thực hiện cấp giấy phép nhưng đơn giản hóa thủ tục để tăng tỷ lệ số cơ sở sản xuất được cấp phép.

Với rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, không thực hiện cấp giấy phép nhưng có quy định điều kiện hoạt động, như phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp; không được bán rượu cho tổ chức, cá nhân không phải là doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp đã ký hợp đồng mua bán để chế biến lại. “Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Về phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng nên từ bỏ thói quen tiêu dùng rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc hiện nay. Thực tế cho thấy hiện ai cũng có thể trở thành dược sỹ khi nghe thông tin con gì đó bổ gan, bổ thận, tráng dương hay bài thuốc của ông lang X. nào đó hay, tốt là về học theo, ngâm rượu với đủ các thể loại cây, con để bồi bổ sức khỏe, bất chấp cơ sở khoa học hay an toàn tính mạng. Là bác sỹ nhiều năm trong lĩnh vực chống độc, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ tráchTrung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc ngộ độc rượu methanol nổi lên gần đây hẳn là sự pha trộn có chủ ý của người sản xuất để bán kiếm lời. Vì thế, muốn quản lý chặt, phải quản lý từ khâu đầu vào để người kinh doanh rượu, họ phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mà mình bán ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên sử dụng lượng cồn trong giới hạn cho phép; không sử dụng rượu, bia không có nguồn gốc rõ ràng.

Với những hệ lụy do rượu chứa methanol gây ra thời gian qua, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam đề xuất, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, kể cả các hộ tự nấu rượu trong dân nhưng nếu có kinh doanh thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngo-doc-ruou-chet-nhieu-nguoi-song-chet-tai-so-hay-trach-nhiem-tai-troi.aspx