Ngộ độc rượu: Điếc không sợ súng

Ngộ độc rượu, đặc biệt là rượu chứa cồn công nghiệp không còn là chuyện lạ. Trước những ca ngộ độc dồn dập nhập viện từ đầu năm đến nay, các bác sĩ liên tục khuyến cáo về mức độ nguy hại của các loại rượu nói chung, rượu chứa cồn công nghiệp nói riêng nhưng dường như những tiếng chuông cảnh tỉnh ấy chưa đến được với nhiều người.

Lại chết vì rượu

Trong 1 tuần, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 3 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Điều đáng buồn là nhiều ca bác sĩ phải… bó tay trước sự tàn phá ghê người của loại cồn trong rượu.

Bệnh nhân đầu tiên là nữ giới, 43 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội). Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu của nữ bệnh nhân này lên tới 135,9 mg/dL, không thấy ethanol. Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân rất hay uống rượu.

Trước ngày tử vong, bệnh nhân có mua rượu uống tại một bách hóa gần nhà. Bệnh nhân thứ hai là nam giới ở Hải Dương. Cũng như nhiều… sâu rượu khác, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, tụt huyết áp. Nồng độ methanol trong máu bệnh nhân là 132,6 mg/dL. Một bệnh nhân khác nhập viện trước đó vài ngày cũng cồn trong rượu phá hủy nhiều bộ phận trong cơ thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, trước đó, Trung tâm đã cấp cứu cho một bệnh nhân ngộ độc methanol rất nặng ở Thanh Hóa. Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Lên cơn thèm nhưng không có rượu, bệnh nhân đã mua cồn sát trùng ở hiệu thuốc về uống thay rượu.

Kết quả, bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, dấu hiệu nhiễm toan nặng, rất điển hình của ngộ độc methanol. Lượng methanol trong người quá nhiều khiến các bộ phận trong cơ thể bệnh nhân tổn thương nặng. Mặc dù các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị tích cực để thải độc nhưng tiên lượng không qua khỏi nên gia đình xin về.

Coi thường tính mạng của mình

Rượu là thức uống quen thuộc với nhiều người. Nó được dùng trong bữa ăn hàng ngày đến đám hỉ và thậm chí cả đám hiếu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Hàng năm, bệnh nhân ngộ độc rượu vào viện rải rác trong năm và thường tăng vào đợt cao điểm (lễ, tết). Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, số vụ ngộ độc nặng tăng đột biến. Theo đó, tính riêng số ca ngộ độc rượu chứa methanol đã lên tới 48 trường hợp, bằng số bệnh nhân của năm 2016.

Bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội mà ở các tỉnh khác như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa… Với những trường hợp này, tỷ lệ tử vong chiếm từ 20 - 30%. Bệnh nhân may mắn được cứu sống phải sống chung với di chứng về thần kinh, bệnh về mắt, não cho dù chi phí điều trị rất cao.

Trừ trường hợp chủ động mua cồn về pha vào rượu, phần lớn trường hợp ngộ độc do uống quá nhiều, uống phải rượu chứa methanol mà không biết. Đây là chất độc được cho vào rượu để giảm chi phí sản xuất. Theo bác sĩ Nguyên, dù uống rượu gì nhưng đến mức ngộ độc, bệnh nhân đều phải chịu hậu quả nặng nề.

Điều đáng nói, ngộ độc methanol thường khó phát hiện và không phải cơ sở y tế nào cũng làm xét nghiệm tìm nguyên nhân, nồng độ chất độc trong máu dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị nhiều tổn thương, hoặc được điều trị đúng thì đã muộn.

Ngộ độc rượu là bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh nhưng thực tế cho thấy, những người ngộ độc thường nghiện rượu. Do vậy, dường như mọi lời cảnh báo của bác sĩ, các phương tiện truyền thông đều không đến được với họ hoặc có nghe, biết nhưng bị bỏ qua.

Theo khuyến cáo, mùa đông đang đến gần, cũng là lúc lượng người sử dụng rượu nhiều hơn đồng nghĩa với nguy cơ ngộ độc sẽ lớn. Trong khi biện pháp tuyên truyền chưa hiệu quả thì các cơ quan chức năng cần tính đến việc siết chặt quản lý hóa chất methanol. Yêu cầu cơ sở sản xuất cho chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để cơ sở sản xuất rượu giả không thể pha methanol vào rượu.

- Kết quả xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn “Dai Loi” mà bệnh nhân đã dùng cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol lên tới trên 80%, vượt mức cho phép khoảng 5.000 lần.

- Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Đại Lợi, phát hiện các sản phẩm cồn 700 và 900 không có giấy phép sản xuất và lưu hành. Công ty này bị phạt hơn 128 triệu đồng và phải tiêu hủy hơn 2.800 lít cồn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/ngo-doc-ruou-diec-khong-so-sung-3788649-b.html