Ngô nông dân, ngô bộ trưởng

Chuyện ngô được mùa nhưng có nguy cơ rớt giá do các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhập khẩu ngô lại đặt ra nỗi ám ảnh với nông dân - liệu cây ngô có giống phận cây lúa?

Hậu quả của tư duy thành tích đốc thúc toàn dân trồng lúa để có được ngôi vị xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới hẳn ai cũng đã tường. Trước tình trạng nông dân bỏ ruộng, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, “ví dụ cây ngô vì hiện nay nước ta đang có nhu cầu lớn về thức ăn chăn nuôi và đang phải nhập khẩu, giá ngô cũng đang khá cao”. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt cũng vạch hướng mở rộng diện tích trồng ngô để năm 2020 đạt 8,5 triệu tấn.

Xét từ phận bọt bèo, chìm nổi của cây lúa; từ thị trường ngô trong nước và thế giới, khuyên nông dân trồng ngô lúc này có vẻ êm tai. Nhưng Bộ trưởng vừa khuyên dân xong thì một nguy cơ đang tới- mới đầu vụ thu hoạch, ngô được mùa nhưng có thể mất giá vì các doanh nghiệp chế biến TĂCN ồ ạt nhập khẩu ngô. Lý do họ đưa ra không hoàn toàn là “phải nhập khẩu” vì sản lượng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Mà vì nào là giá ngô thế giới rẻ, nào chi phí mua tận ruộng cao, nào ngô của bà con mốc, hạt không đều… Ở khía cạnh thương trường, họ có lý. Vấn đề là cùng đồng ruộng Việt, cùng chủ chăm bẵm, cùng trong mê trận bán buôn, cùng tư duy từ một chính sách, nông dân nên nghe lời khuyên của Bộ trưởng thế nào đây khi chuyển sang trồng ngô? Nói như chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, tái cơ cấu nông nghiệp không thể mang cái tư duy đơn giản trồng cây này không hiệu quả thì chuyển qua trồng cây kia, nuôi con này không được bỏ qua nuôi con khác.

Từ con số sản lượng hơn 4 triệu tấn chỉ đáp ứng 50% nhu cầu trong nước nên đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 8,5 triệu tấn mới chỉ là cách tính cơ học. Nông dân muốn biết, các tác giả đề án “mở rộng trồng ngô” đã chuẩn bị cụ thể được gì cho khái niệm “đáp ứng nhu cầu thị trường” ? Những điểm yếu sản xuất lúa- manh mún, phân tán; chất lượng không đồng đều, công nghệ sau thu hoạch và bảo quản kém cũng tồn tại ở cây ngô.

Ai, cơ quan nào giúp nông dân trồng ngô giải quyết các khâu này? Hãy gõ cửa một nhà- nhà khoa học. Đầu tiên là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trên website của Viện này có Ngân hàng kiến thức trồng ngô và Viện nghiên cứu ngô. Hai cái tên rất hoành tráng, nhưng tiếc là, người trồng ngô chỉ tìm được thông tin cây ngô ở dạng sinh học chứ không có thông tin nào về cây ngô ở dạng hàng hóa. Giống “bác Hai Lúa”, ra chợ bằng cách nào mới là cái khó của “chị Ba Ngô”. Đặt mệnh đề “khi đã sản xuất đủ cho nhu cầu nội địa, chắc chắn ngô sẽ là mặt hàng xuất khẩu của nước ta giống như lúa gạo, vì nhu cầu lương thực và chế biến của thế giới cũng ngày một tăng” như trên trang web Viện này mà không kèm các giải pháp cụ thể và tỉnh táo là lạc quan tếu. Bởi lẽ lúa chỉ đụng đầu với mấy ông bạn Thái Lan, Ấn Độ, còn ngô thì phải đấu với các võ sĩ khổng lồ là Hoa Kỳ, Brazil, Ukraina và nhiều nước lớn khác.

Đức Nguyện

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thoi-su/ngo-nong-dan-ngo-bo-truong/20130906120130120p1c24.htm