Ngoài đấu đá chính trị, Eurovision vẫn là chiến thắng cho âm nhạc

Với sự chiến thắng của giọng ca lãng tử đến từ Bồ Đào Nha, khán giả một lần nữa được nhìn thấy sân khấu Eurovision rực sáng bởi âm nhạc đích thực không hề nhuốm màu chính trị.

“Đây là chiến thắng dành cho âm nhạc và những người đã khiến âm nhạc mang theo những thông điệp ý nghĩa, cao cả”, nam ca sĩ trẻ Salvador Sobral phát biểu sau khi giành chiến thắng ở cuộc thi âm nhạc châu Âu Eurovision 2017, diễn ra vào ngày 13/5 vừa qua ở Ukraine.

"Âm nhạc là cảm xúc"

Nhờ bài hát tình cảm Amar Pelos Dois (Yêu cho hai người) do chị gái sáng tác, Sobral đã đem về chiến thắng đầu tiên cho Bồ Đào Nha kể từ khi nước này tham gia tranh giải vào năm 1964. Chị gái Luisa của Sobral cũng là người đứng thứ ba trong cuộc thi Thần tượng nhạc Pop (Pop Idol) của Bồ Đào Nha.

Anh đã bất ngờ đánh bại các đối thủ "nặng ký" khác tới từ Bulgaria và Moldova trong trận chung kết đầy kịch tính và giành số điểm cao nhất là 748. Kết quả của cuộc thi phụ thuộc vào phiếu ban giám khảo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và lượt bình chọn của người xem truyền hình toàn cầu (ngoại trừ quốc gia mình).

Quán quân Eurovision năm nay - Salvador Sobral trình diễn ca khúc Amar Pelos Dois, một sáng tác của chị gái anh.

Trái với những các màn vũ đạo bốc lửa, trang phục nổi bật cùng với sự hòa âm ánh sáng sôi động, trong suốt các vòng thi của Eurovision 2017, Salvador Sobral luôn biểu diễn trong phong thái đơn giản, nhẹ nhàng nhất có thể. Sân khấu duy nhất chỉ có mình anh cùng giọng hát đầy tình cảm. Anh cũng chọn trình diễn bằng tiếng Bồ Đào Nha chứ không phải tiếng Anh như nhiều thí sinh khác.

Quan điểm của Sobral cũng phần nào lý giải cho những màn biểu diễn đơn giản của anh: “Âm nhạc không phải pháo hoa, âm nhạc là cảm xúc. Vì vậy hãy cố gắng mang âm nhạc trở lại đúng nghĩa của nó”.

Khi trở lại quê hương, Sobral nhận được sự chào đón như người hùng. Tuy nhiên, nam ca sĩ chỉ nói rằng: “Chiến thắng tại Eurovision rất quan trọng với văn hóa Bồ Đào Nha, nhưng tôi không phải là người hùng. Cristiano Ronaldo mới là người hùng. Tôi muốn được biết đến như một nhạc sĩ, chứ không phải người chiến thắng Eurovision”.

Chiến thắng thuyết phục của Salvador Sobral giúp khơi gợi lại ý nghĩa âm nhạc của cuộc thi.

Chiến thắng nhuốm màu chính trị gây tranh cãi

Nữ ca sĩ Jamala của Ukraine đã bất ngờ giành chiến thắng tại Eurovision năm ngoái với ca khúc 1944. Đây là một trong những chiến thắng gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử cuộc thi.

Quy định từ khi thành lập của Eurovision là các ca khúc trong cuộc thi không được mang màu sắc đảng phái, chính trị giữa các nước và đặc biệt là sự phân biệt sắc tộc. Tuy nhiên, 1944 lại bị cho là đã phá vỡ các quy định đó.

Jamala, nữ ca sĩ 32 tuổi người Ukraine đã hát ca khúc bị cho là chống Nga với những ca từ đầy hận thù. Nhiều người chỉ trích Jamala cố tình mang chính trị vào âm nhạc.

Tuy nhiên, ban tổ chức là European Broadcasting Union khẳng định rằng Jamala không hề có phát ngôn chính trị chính thức nào trong ca khúc của mình.

Nữ ca sĩ Jamala chiến thắng với ca khúc chỉ trích nước Nga công khai vào năm ngoái.

Điều này đã khiến giới chuyên môn đặt câu hỏi liệu đây là cuộc thi âm nhạc hay màn đấu đá chính trị. Bởi lẽ, không chỉ dừng lại ở phạm vi một sự kiện âm nhạc mà Eurovision đã bị đẩy ra xa hơn, trở thành cuộc chiến ngầm giữa các quốc gia trong khu vực châu Âu.

“Không phải ca sĩ Ukraine, Jamala và bài hát 1944 giành chiến thắng tại Eurovision 2016, mà chính trị đã chiến thắng nghệ thuật”, nghị sĩ Nga Frants Klintsevich bức xúc bày tỏ. Ông kêu gọi toàn thể người dân Nga tẩy chay cuộc thi Eurovision sắp tới, sẽ được tổ chức tại Ukraine.

Thậm chí, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin còn lên tiếng chế giễu khi gợi ý mùa sau nước này nên cử ca sĩ nhạc rock Sergei Shnurov, người nổi tiếng với các ca khúc chứa đầy từ ngữ tục tĩu đi dự Eurovision.

Các kênh truyền hình quốc gia Nga thì "một thân một mình" tung hô thí sinh chủ nhà là Lazarev mới là “người chiến thắng”, bất chấp việc anh chỉ được xếp thứ ba chung cuộc.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các ca khúc bị nhuốm màu chính trị. Khán giả đã không ít lần lắc đầu ngao ngán khi đại diện mỗi nước vẫn đưa cứ đưa ra các ca khúc với nội dung sặc mùi chính trị...

Các thí sinh của Eurovision không chỉ trình diễn âm nhạc của bản thân mà còn mang trên vai hình ảnh và tư tưởng chính trị của quốc gia đó.

Vũ đài chính trị hay thánh đường âm nhạc?

Eurovision có tên đầy đủ là Eurovision Song Contest (Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu), được tổ chức luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên của Liên hiệp Phát sóng châu Âu (European Broadcasting Union - EBU).

Theo quy định, nước chiến thắng cuộc thi lần trước sẽ giành quyền đăng cai cuộc thi kế tiếp. Đây là một trong những chương trình truyền hình lâu đời trên thế giới và là một trong những sự kiện phi thể thao được xem nhiều nhất với số khán giả theo dõi trực tiếp có thể lên đến 600 triệu trên toàn cầu.

Là một cuộc thi âm nhạc có quy mộ rộng nhất hành tinh, Eurovision từng được ví von là sự kết hợp của cả Oscars, Grammys, Tony Awards, American Idol, The X Factor và America’s Got Talent. Chương trình với sự tham gia rất nhiều quốc gia khác nhau thật sự có sức hút rất lớn về tính giải trí và nghệ thuật.

Không chỉ trình diễn âm nhạc đơn thuần mà Eurovision còn được xem là “thánh địa” của nghệ thuật sáng tạo, sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và thính giác.

Xuất hiện lần đầu với tiêu chí thúc đẩy sự hợp tác và thấu hiểu văn hóa giữa các quốc gia ở châu Âu. Tuy nhiên càng về sau Eurovision càng bị dính líu nhiều đến chính trị.

Trong một vài thời điểm chính trường căng thẳng, Eurovision còn là địa điểm để các quốc gia công khai đưa ra quan điểm chính trị cứng rắn của mình.

Eurovision trong mắt nhiều người không còn là một cuộc thi âm nhạc nghệ thuật đơn thuần mà đã trở thành một vũ đài chính trị, nơi đấu đá giữa các quốc gia châu Âu.

Ngoài ra sân khấu Eurovision còn là nơi hoàn hảo để nhiều quốc gia lấy lòng các nước lớn. Điển hình là vào năm 1989, các nước Trung Âu ưu tiên sân khấu Eurovision như là mặt trận để họ dễ dàng hội nhập với châu Âu trong kế hoạch “Trở lại châu Âu”.

Từng có sự dàn xếp

Không chỉ thông qua những ca khúc được trình diễn trên sân khấu mà những động thái chính trị còn được thể hiện qua những bê hối hậu trường như dùng quyền lực chính trị để chặn cổng bầu chọn, cấm nhập cảnh đối với các thí sinh đến từ các quốc gia không thân thiện với nước chủ nhà. Và thậm chí là sự dàn xếp kết quả cũng từng xảy ra ở Eurovision.

Khán giả đã không ít lần chứng kiến những sự vụ xấu xí xảy ra ngay trên sóng truyền hình như vào năm 1978, chủ nhà Ả Rập đã thái độ phản đối Israel khi chuyển sang quảng cáo mỗi khi thí sinh Israel xuất hiện.

Hay vào năm 2009, trong bối cảnh xung đột giữa Georgia và Nga, người dân Azerbaijar nào bình chọn cho Armenia sẽ bị giới chức liên lạc và thẩm vấn điều tra.

Chính vì vậy, mà vài năm trở lại đây, Eurovison không còn là nơi để người hâm mộ tìm đến với đỉnh cao âm nhạc mà thay vào đó là sự tò mò được chứng kiến cuộc đấu đá hay những màn chế nhạo nào giữa các quốc gia.

Có thể nói năm nay với chiến thắng thuyết phục của bản tình ca lãng mạn, thuần khiết, không nhuốm màu chính trị do nam ca sĩ Bồ Đào Nha thể hiện đã giúp cuộc thi Eurovision đẹp hơn phần nào trong mắt công chúng.

Phương Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngoai-dau-da-chinh-tri-eurovision-van-la-chien-thang-cho-am-nhac-post747015.html