Ngoại trưởng Nga: Những cuộc cách mạng màu bi thảm...

Hậu quả từ các cuộc cách mạng màu trong không gian hậu Xô viết là lời cảnh báo cho cho những ai nuôi ảo vọng về phương trời xa...

Ngày 11/8, phát biểu tại Diễn đàn giáo dục thanh niên toàn Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, hiện có nhiều bằng chứng cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ đang lãnh đạo hoạt động của phe đối lập tại nhiều quốc gia khác nhau.

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Tại nhiều nơi, tại nhiều quốc gia, rất nhiều sự kiện mà Đại sứ quán Mỹ chính là lãnh đạo trong các quy trình, bao gồm cả những hành động của phe đối lập.” Mà nhiều kết quả trong số đã đưa đến các cuộc cách mạng màu.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov

Song Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng, không có “cuộc cách mạng màu” nào giúp cho đời sống người dân ở những nước xảy ra cách mạng màu trở nên tốt hơn, nhất là ở không gian hậu Xô viết.

Các cuộc cách mạng màu chỉ là những cuộc “đảo chính dân sự” tiếm quyền

Trong không gian hậu Xô viết đã diễn ra ít nhất 3 cuộc cách mạng màu và cho đến nay thì kết quả của các cuộc cách mạng ấy đều không mang lại điều gì tốt hơn cho người dân, đất nước, còn các tác giả kịch bản thì đều nổi trôi theo số phận.

Mở màn là cuộc “Cách mạng Hoa hồng” tại Gruzia diễn ra sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2003, với hàng ngàn người tập trung trên các đường phố thủ đô Tbilisi phản đối kết quả bầu cử, khiến Tổng thống Eduard Shevardnadze phải từ chức vào ngày 23/11/2003.

Tác giả chính của kịch bản được cho là Mikhail Saakashvili, người có quan hệ thân phương Tây, sau đó đã lên nắm quyền và tuyên bố đưa Gruzia ra khỏi chiếc bóng của Nga. Đây là cuộc cách mạng màu đầu tiên trong không gian hậu Xô viết.

Tiếp theo là cuộc "Cách mạng Tulip" tại Kyrgyzstan diễn ra sau cuộc bầu cử Nghị viện tháng 3/2005, đứng đầu là lãnh đạo phe đối lập Kurmanbek Bakiyev được sự ủng hộ của miền nam quốc gia này, đã buộc Tổng thống Askar Akayev phải từ chức vào ngày 4/4/2005.

Tuy nhiên, Hội đồng Lập pháp Kyrgyzstan thuộc Hội đồng tối cao Kyrgyzstan đã bổ nhiệm ông Bakiyev làm Tổng thống quốc gia này vào ngày 24/3/2005 bằng việc phế truất Tổng thống Akayev, chứ không đợi nhà lãnh đạo này từ chức.

Cuối cùng là cuộc “Cách mạng Cam” tại Ukraine diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2004 với hàng loạt các cuộc biểu tình trọng, mà nguyên nhân là do Thủ tướng Viktor Yanukovych được tuyên bố thắng cử với 51,14% số phiếu bầu.

Những người ủng hộ phe đối lập yêu cầu Ủy ban bầu cử Ukraine phải công nhận chiến thắng của ứng viên Viktor Yushchenko với 54% số phiếu bầu. Kết quả là một cuộc bầu cử được tổ chức lại vào tháng 1/2005, đưa bộ đôi quyền lực: Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko lên chi phối chính trường Ukraine.

Bộ đôi quyền lực: Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko sau Cách mạng Cam

Như vậy, thực thế cho thấy các cuộc cách mạng màu chỉ diễn ra sự đổi thay ở thượng tầng kiến trúc, còn người dân thì bị lôi cuốn vào muột cuộc tranh giành quyền lực và kết quả chỉ là lực lượng chính trị đương quyền bị thay thế bằng lực lượng “làm cách mạng” mà thôi.

Lực lượng nắm quyền hậu cách mạng màu đều không thực hiện được lời hứa với người dân

Sau khi nắm quyền lực, Tổng thống Saakashvili đã nhanh chóng làm phai nhạt cuộc "Cách mạng Hoa hồng" qua việc nhuốm màu chính trị chuyên quyền, khiến người dân Gruzia bất mãn khi thành quả cách mạng bị cướp mất.

Chính quyền Tbilisi đã tiến hành hàng loạt những cải cách trong sự tán dương nồng nhiệt của những người anh em xa, song người dân thì phản đối và bị đàn áp bằng vũ lực của lực lượng an ninh - sự độc tài ló dạng.

Mâu thuẫn giữa người dân Gruzia với chính quyền ngày càng gia tăng, mà đỉnh điểm là việc đài truyền hình toàn quốc cho chiếu một số đoạn video quay lại cảnh tù nhân bị tra tấn, bị hãm hiếp dã man nhưng được cơ quan chức năng dung túng.

Còn ở Kyrgyzstan, chính quyền Tổng thống Bakiyev nắm quyền sau cuộc "Cách mạng Tulip" đã không thể ổn định được tình hình chính trị, thậm chí còn làm cho phức tạp hơn, bởi mâu thẫn phe phái và liên quan tới tội phạm có tổ chức.

Trong khi đó những vấn đề nóng bỏng của đất như quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, mâu thuẫn sắc tộc và nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố thì lại không được chính quyền quan tâm.

Tháng 4/2010 người dân đã biểu tình trước Phủ Tổng thống yêu cầu Tổng thống và Thủ tướng phải ra đàm phán trực tiếp, người biểu tình đã xung đột với cảnh sát, còn Tổng thống Bakiyev phải chạy trốn và cuộc "Cách mạng Tulip" cũng kết thúc.

Hậu quả của cuộc "Cách mạng Cam" cũng ảm đạm không kém gì hai cuộc cách mạng sắc màu diễn ra trước đó trong không gian hậu Xô viết.

Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev tước quyền người tiền nhiệm, nhưng phải chạy trốn khi người dân đòi lại quyền lực

Sau khi lên nắm quyền, thay vì đoàn kết để tiến hành những cải cách cần thiết cho đất nước, giới lãnh đạo "Cách mạng Cam" đã chia rẽ, đấu đá, tranh giành quyền lực, mà điểm điểm là việc Tổng thống Yushchenko cách chức Thủ tướng Tymoshenko.

Dưới thời chính quyền Yushchenko, Ukraine phải đối diện với nạn tham nhũng, thiếu tổ chức, nợ nần chẳng khác gì trước cách mạng. Đặc biệt, đất nước Ukraine đã phải trải qua cuộc khủng hoảng đen tối nhất trong lịch sử vào năm 2009, theo WB.

GDP của Ukraine giảm 15%, lạm phát tăng 16,4%, số người thất nghiệp tăng gấp ba, thu nhập thực tế của người dân giảm gần 11%. Sau 5 năm cuộc cách mạng nổ ra, người dân Ukraine đã thể hiện sự thất vọng bẳng việc trao quyền lực cho chính lực lượng đã thất bại trong cuộc "Cách mạng Cam".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ngoai-truong-nga-nhung-cuoc-cach-mang-mau-bi-tham-3340983/